Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp càng kỳ vọng hội chợ triển lãm có thể xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp. Ảnh: Quý Hòa.

 
Thanh Hương Thứ Năm | 08/09/2022 13:30

Hội chợ hồi sinh

Các hội chợ triển lãm đã có dấu hiệu khởi sắc sau thời gian dài trầm lắng do dịch bệnh.

Mùi thơm từ món spaghetti cộng thêm lời thuyết minh của đầu bếp đã kéo người xem đứng chật ních gian hàng triển lãm của Tasteful (Phần Lan), tại Triển lãm quốc tế thực phẩm và đồ uống Việt Nam tại TP.HCM mới đây.

Không chỉ gian hàng của Tasteful, đại diện gian hàng Thực phẩm Quốc Việt (Việt Nam) cho biết: "Chúng tôi không nghĩ sẽ đông người đến tham quan hội chợ như vậy. Nhiều khách hàng, cả Việt kiều Mỹ muốn tìm mua và làm đại lý sản phẩm của chúng tôi". Có thể thấy, sau thời gian giãn cách do đại dịch, các hội chợ triển lãm thủy sản, gỗ, thực phẩm, dệt may da giày, y khoa, thực phẩm... đã bắt đầu sôi động trở lại. Theo số liệu trên website của Cục Xúc tiến Thương mại, đơn vị này đang có lịch tổ chức 57 hội chợ trong nước và 8 hội chợ triển lãm tại nước ngoài.

 

Trung bình trong 1 tháng có từ 3-4 triển lãm được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC). Tại Hà Nội, con số cũng xấp xỉ 20 triển lãm/năm. “Đây là những triển lãm mô hình quốc tế với các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau được tổ chức tại 2 đầu cầu kinh tế lớn. Chưa kể các hội chợ, triển lãm được tổ chức tại các tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Bình Dương, Bắc Ninh, Cần Thơ...”, bà Nguyễn Thu Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại Vinexad, cho biết.

Trong thời điểm khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp càng kỳ vọng hội chợ triển lãm có thể xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp. Đó là một phần lý do cho sự khởi sắc của các hội chợ triển lãm sau dịch COVID-19. "Suốt 7 năm tham dự hội chợ Vifa Expo, nhiều lần công ty chúng tôi có ngay đơn hàng, hoặc sau đó vài tháng khách đến ký hợp đồng. Năm nay chúng tôi bị giảm đến 80-90% đơn hàng cũ nên Khánh Xương tiếp tục tham gia hội chợ Vifa Expo (31/8-3/9/2022) với hy vọng tìm được khách hàng trong giai đoạn khó khăn hiện tại", ông Trần Văn Quang, Giám đốc Kinh doanh của Công ty Xuất khẩu nội thất Khánh Xương tại Bình Dương, chia sẻ.

Trong năm 2022, Vinexad tổ chức khoảng 20 triển lãm, hội chợ quốc tế với các chuyên ngành khác nhau. Tính đến thời điểm hiện tại, các sự kiện được tổ chức vẫn chưa đạt được quy mô như trước thời điểm dịch bệnh (năm 2019) nhưng số lượng doanh nghiệp tìm đến giao thương đều tăng trưởng ngoài mong đợi.

Bà Thượng Mỹ An, Tổng Giám đốc SECC, thì cho biết nhìn chung tình hình tổ chức triển lãm và sự kiện vẫn chưa thể diễn ra như mong đợi, nhưng từ cuối tháng 5 đến nay, tổ chức triển lãm và sự kiện tại SECC đã có những tín hiệu tích cực. Số lượng triển lãm và sự kiện tổ chức tại SECC đã dần tăng lên, phủ kín các tuần của tháng nhưng mật độ và quy mô vẫn chưa thể bằng thời điểm trước dịch.

 

Theo thống kê của SECC, các triển lãm thuê mặt bằng tổ chức tại SECC đã giảm quy mô còn một nửa. Đáng chú ý, với những cuộc triển lãm mà nhà trưng bày chủ yếu đến từ Trung Quốc thì diện tích bị thu hẹp chỉ còn 1/3 diện tích so với trước đây.

"Tình hình hội chợ hiện nay phản ánh 3 điều. Một là nhu cầu của thị trường tăng cao khiến cho nhà mua (buyer) đang cần tới các sự kiện để tìm kiếm nhà cung ứng, nhà thương mại, phân phối... Hai là việc đi tham dự các triển lãm quốc tế chưa như kỳ vọng nên triển lãm quốc tế trong nước trở thành sự lựa chọn. Ba là mức độ truyền thông của nhà tổ chức tạo nên làn sóng với nhiều tập khách hàng", bà Thu Hồng nhận định.

Nhằm thúc đẩy phát triển hội chợ, SECC đang thực hiện dịch chuyển cơ cấu sản phẩm. Cụ thể, từ năm 2019 trở về trước, các sự kiện triển lãm chuyên ngành chiếm 80%, còn lại là các sự kiện khác như giải trí, thời trang, âm nhạc... chiếm 20%. Tuy nhiên, hiện tại, tỉ lệ này là 70% và 30%. Thậm chí, ngành hội chợ triển lãm còn kết hợp với ngành du lịch cùng tổ chức hội chợ offline.

Trong năm 2022, Vinexad tổ chức khoảng 20 triển lãm, hội chợ quốc tế với các chuyên ngành khác nhau. Ảnh: Quý Hoà.
Trong năm 2022, Vinexad tổ chức khoảng 20 triển lãm, hội chợ quốc tế với các chuyên ngành khác nhau. Ảnh: Quý Hoà.

Tại Vinexad, ngay trong dịch bệnh, đơn vị này đã chuyển đổi số bộ máy hoạt động và cách thức giao tiếp qua hình thức triển lãm trực tuyến, giao thương 1:1 trực tuyến (Online B2B). Hiện nay, hình thức giao thương trực tuyến, triển lãm online dù không được phát huy tối đa như trong dịch, nhưng vẫn được tổ chức song song triển lãm trực tiếp nhằm duy trì cầu nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nước.

Ở thời điểm dịch bệnh, hội chợ online, triển lãm thực tế ảo đã được đẩy mạnh ở nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, y tế, du lịch, viễn thông, bất động sản, dệt may, gỗ... Hiện chưa có con số thống kê về triển lãm online nhưng theo một số doanh nghiệp tham gia trên nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến HOPE, triển lãm online vẫn có những lợi thế riêng. 

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), nhận xét: "Sau khi tham gia triển lãm online trên nền tảng HOPE, công ty chúng tôi đã ký được một số đơn hàng. Triển lãm online giúp nhà mua hàng tìm được thông tin và xác minh được uy tín của doanh nghiệp và yên tâm hơn khi thực hiện giao dịch".

Ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hội Mỹ Nghệ và Chế Biến Gỗ TP.HCM (đơn vị quản lý HOPE), cho biết: "Hiện chúng tôi đã có hơn 100 doanh nghiệp tham gia gian hàng và bắt đầu đóng phí tham dự trên nền tảng HOPE. Sắp tới chúng tôi sẽ đầu tư thêm kinh phí để phát triển nền tảng này vì kênh online và offline như là tay trái và tay phải giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu và sản phẩm".