Hội An kêu gọi Thái Lan hợp tác phát triển du lịch
Trong bối cảnh Việt Nam có kế hoạch đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong năm nay, phố cổ Hội An cũng đang tìm thêm nhà đầu tư và các chuyên gia Thái Lan trong lĩnh vực quản lý khách sạn để góp phần phát triển ngành du lịch địa phương, báo Bangkok Post dẫn lời một quan chức tỉnh Quảng Nam cho biết.
"Tỉnh chúng tôi muốn Thái Lan đầu tư vào ngành khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà nghỉ, spa, cơ sở đào tạo và huấn luyện cho người dân địa phương trong ngành dịch vụ du lịch", ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam), nói.
"Nhiều khách du lịch của khối ASEAN sẽ đến Việt Nam vì Thái Lan là một trung tâm du lịch lớn của khu vực và có kết nối tốt với các thành phố chính khác", ông Sơn cho biết.
Hội An nằm ở miền Trung Việt Nam, bên bờ biển Đông. Nơi đây từng là thương cảng lớn giữa thế kỷ 15 đến 19. Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Ngày nay, Việt Nam đang xem du lịch miền Trung là một trong những hướng tăng trưởng chính cho nền kinh tế, Bangkok Post nói.
Phủ nhận rằng sự gia tăng đột biến của lượng khách quốc tế đến Việt Nam là mối đe dọa cho ngành du lịch Thái Lan, ông Sơn nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn coi Thái Lan là đối tác, không phải là đối thủ cạnh tranh.
Ông khuyến khích hai bên đưa ra các gói tour du lịch để khách đến cả Thái Lan lẫn Việt Nam trong một chuyến đi duy nhất.
Peerapol Triyakasem, một nhà đầu tư Thái Lan có kinh nghiệm về Hội An, đồng thời là Chủ tịch của Vietnam Centre, cho rằng luật pháp và chính sách của Việt Nam hiện nay có môi trường đầu tư thuận lợi cho nước ngoài, bao gồm cả Thái Lan.
"Tại thời điểm này, Hội An không có đủ nơi lưu trú để đáp ứng số lượng ngày càng tăng của du khách trong và ngoài nước. Vì vậy, cánh cửa đầu tư đang mở rộng cho các nhà đầu tư Thái về lĩnh vực này", Peerapol nói và lưu ý thêm rằng uy tín đầu tư của Thái Lan được công nhận tại Việt Nam.
Bên cạnh hợp tác du lịch, Thái Lan cũng có thể tăng cường hợp tác đào tạo trong lĩnh vực hàng không, nông nghiệp hữu cơ và nghiên cứu về động vật hoang dã tại Hội An, ông cho biết.
"Trong quá trình hợp tác với Thái Lan, hãng hàng không VietJet đã được cho phép tổ chức một chương trình đào tạo hàng không để nâng cao kỹ năng cho các phi công địa phương và các kỹ sư bảo dưỡng máy bay", Peerapol nói.
Hiệp ước đào tạo hàng không này dự kiến sẽ được ký kết tại hội thảo về đầu tư với sự có mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại tỉnh Quảng Nam vào cuối tháng Ba. Một phái đoàn từ Thái Lan cũng sẽ được mời tham dự hội thảo, theo ông Peerapol.
Aat Pisanwanich, giám đốc Trung tâm Thương mại quốc tế tại Học viên Thương mại Thái Lan, cũng gạt bỏ những lo ngại rằng Thái Lan sẽ đánh mất khách du lịch vào tay các nước láng giềng.
"Thái Lan là nước có khả năng quản lý du lịch tốt nhất trong cộng đồng các nước ASEAN. Nếu chúng ta giúp đỡ các nước láng giềng phát triển ngành công nghiệp du lịch, cơ hội đầu tư của Thái Lan cũng sẽ gia tăng", ông cho biết.
Tuy vậy, ông Aat cũng nói rằng Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn khi các tỉnh miền Trung thiếu cơ sở hạ tầng cơ bản, khách sạn tiêu chuẩn, hệ thống chỗ lưu trú và một loạt địa điểm du lịch.
An Phong
Nguồn Bangkok Post