Ảnh: CNBC

 
Hà Linh Thứ Năm | 25/07/2019 22:03

Học từ Google và Facebook, đôi vợ chồng tạo ra ứng dụng thu hút 25 triệu người dùng

Ứng dụng Jiliguala đã thu hút được được một triệu người dùng trong tháng đầu tiên nhờ vào chiến lược mà họ học được từ Facebook và Google.

Trong kinh doanh, việc chọn đúng thời điểm có thể là yếu tố quyết định tất cả. Đối với cặp vợ chồng Tony Hsieh và Cathy Hsu, điều này cực kỳ chính xác.

Tuy nhiên, điều đó không phải do may mắn mà đó là kết quả của một chiến lược được xây dựng cẩn thận - một chiến lược mà họ học được từ những gã khổng lồ công nghệ Facebook và Google.

Hsu và Hsieh đã lên ý tưởng cho Jiliguala (tiếng Trung có nghĩa là tiếng nói bi bô bập bẹ của trẻ nhỏ), một ứng dụng tiếng Anh dành cho trẻ em với hơn 25 triệu người đăng ký sử dụng.

Năm 2014, cặp đôi bắt đầu khởi sự kinh doanh tại Thượng Hải khi họ thấy thiếu các bài học tiếng Anh mầm non giá cả phải chăng. Nhưng chính chiến lược tiếp thị của họ đã giúp họ thu hút được một triệu người dùng trong tháng đầu tiên.

Phá vỡ cột mốc một triệu người dùng

Chia sẻ với CNBC Make It, Hsu cho biết: “Một triệu người dùng đầu tiên mà chúng tôi có được đến ngay sau khi ra mắt tính năng bài viết trên WeChat”.

“Ngay từ đầu, chúng tôi nhận thấy rất nhiều phụ huynh đã chia sẻ những mẹo nuôi dạy con cái đặc trưng trong các bài viết này. Vì vậy, chúng tôi đã đi ra ngoài và liên lạc với những nơi xuất bản ấn phẩm nuôi dạy con cái mà chúng tôi có thể tìm thấy và đề nghị họ viết về Jiliguala.

“Đây là một điều kỳ diệu đối với chúng tôi. Điều này đã khiến lưu lượng truy cập tăng đến mức máy chủ của chúng tôi thực sự quá tải nhiều lần”, Hsu cho biết.

Hoc tu Google va Facebook, doi vo chong tao ra ung dung thu hut 25 trieu nguoi dung
Ứng dụng học tiếng anh cho trẻ em Jiligula tại Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Chiến thuật phát hiện và tận dụng các xu hướng xã hội là điều mà Hsu và Hsieh học được trong những ngày đầu làm việc tại start-up phần mềm Slide, một nhà phát triển ứng dụng Mỹ ban đầu được Facebook sử dụng và sau đó được Google mua lại. Những gã khổng lồ công nghệ này nổi tiếng vì luôn đi đầu trong các cơn sốt công nghệ mới nhất và sử dụng toàn lực để theo đuổi những xu hướng mới nổi.

Hsu cho biết: “Chúng tôi có một chút nền tảng từ những ngày còn làm cho Facebook khi tìm hiểu về sự tăng trưởng lan truyền có ý nghĩa như thế nào ngay từ lúc ban đầu”.

“Chúng tôi có 2-3 nhân viên dành phần lớn thời gian để xem các xu hướng khác nhau và làn sóng video ngắn mới được thổi bùng lên khắp Trung Quốc. Làm thế nào chúng ta có thể tận dụng điều đó để tăng lưu lượng truy cập”, Hsu chia sẻ khi cập đến TikTok.

Phát hiện ra một cơ hội

Một chiến lược tiếp thị mạnh mẽ sẽ không đạt hiệu quả nếu không có ý tưởng độc đáo. Và, giống như nhiều ý tưởng tuyệt vời, Jiliguala được sinh ra từ một vấn đề.

Hsu và Hsieh, cặp vợ chồng đến từ San Francisco, đã sống và làm việc ở Thượng Hải được khoảng bốn năm. Sau khi sinh đứa con đầu lòng, họ thấy được nhu cầu hoc tiếng Anh của trẻ em ở Trung Quốc.

Theo báo cáo của cổng thông tin trực tuyến jiemian.com và Jiliguala, 76% phụ huynh Trung Quốc bắt đầu cho con học tiếng Anh trước 5 tuổi. Nhưng chi phí có thể rất cao: Trung bình, các bậc phụ huynh tại Trung Quốc chi khoảng 20% thu nhập hàng năm cho việc học hành của con cái. Trong khi đó, học phí tại các trường quốc tế có thể gần 30.000 USD mỗi năm.

“Chúng tôi muốn làm một thứ gì để thay đổi”, Hsu chia sẻ, cô cùng với chồng, đã tìm kiếm một cơ hội để bắt đầu kinh doanh riêng.

“Khi chúng tôi xem xét các lĩnh vực khác nhau trong giáo dục mầm non, ngôn ngữ là một trong những lĩnh vực mà những bậc cha mẹ có mong muốn cháy bỏng tìm kiếm”, Hsu tiếp tục chia sẻ.

Vấn đề đó đặc biệt phổ biến ở các bậc cha mẹ lớn tuổi và những người từ các cộng đồng xa xôi, nơi kiến thức về tiếng Anh có xu hướng kém hơn, Hsu lưu ý.

Năm 2016, với việc xóa bỏ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc, đã tạo tiền đề cho thị trường này phát triển. Vì vậy, Hsu và Hsieh quyết định sử dụng nền tảng công nghệ của họ - và khoản tiền 100.000 USD, để đưa ra giải pháp.

Hoc tu Google va Facebook, doi vo chong tao ra ung dung thu hut 25 trieu nguoi dung
Studio nội dung của Jiliguala tại Thượng Hải. Ảnh: CNBC

Tạo một hướng đi mới

Trước khi đưa ra một ứng dụng để dạy tiếng Anh thông qua các video, trò chơi và bài hát tương tác, cả Hsu và Hsieh đều dành khoảng một năm để học chương trình giảng dạy tại các trường ở Mỹ và Trung Quốc.

Ứng dụng này nhằm mục đích giúp trẻ em trong "những năm cơ bản", trong độ tuổi từ 0 – 8 tuổi,  trước khi chúng phải đối mặt với các cam kết khác.

Trẻ em Trung Quốc học rất nhiều thứ ở bậc tiểu học, Hsu nói, liệt kê các bài học piano và các hoạt động ngoại khóa khác. Vì vậy chúng tôi cảm thấy cần phải sớm xây dựng nền tảng.

Jiliguala hoạt động như thế nào?

- Mỗi bài học dài 15 phút bắt đầu bằng một đoạn video ngắn được thiết kế để tạo trải nghiệm thực tế, chẳng hạn như đi đến các cửa hàng.

- Sau đó, đứa trẻ được cung cấp một loạt các từ và câu quan trọng và được yêu cầu trả lời các nhiệm vụ tương tác bằng ứng dụng.

- Mỗi bài học  được tóm lại trong một bài hát hoặc truyện ngắn để nhắc lại những ý tưởng cốt lõi. Phụ huynh cũng nhận được một báo cáo tiến bộ vào cuối bài học.

Trong vòng 4 năm, Jiliguala đã huy động được 20 triệu USD từ nhà xuất bản Penguin Random House và công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital của Mỹ.

Khi mới ra đời, ứng dụng này hoàn toàn miễn phí. Năm 2017, ứng dụng này bắt đầu thu phí khi Jiliguala bắt đầu sản xuất nội dung với các diễn viên nội bộ, dựa trên chuyên môn của đội ngũ 200 chuyên gia giáo dục, nhà tâm lý học trẻ em và nhà sản xuất video hiện nay.

Hsu nói rằng quyết định là đó nhằm biến Jiliguala thành một trải nghiệm đáng nhớ cho trẻ em.

“Khi tôi nghĩ về tất cả tài sản trí tuệ đã cùng tôi lớn lên cùng, tôi muốn Jiliguala cũng  mang lại điều đó, để khi mọi người nhìn lại và nghĩ về việc học tiếng Anh, họ sẽ nhớ tới những nhân vật trong gia đình Jiliguala”, Hsu nói.

Tìm không gian để phát triển

Dựa trên chiến lược tăng trưởng lấy cảm hứng từ Facebook, Jiliguala hiện đang phát triển với tốc độ 1,2 triệu người dùng mới mỗi tháng.

Công ty tuyên bố, trong 6 trẻ em thì có 1 trẻ dùng ứng dụng của mình trên khắp 2.300 thành phố, thị trấn và làng mạc ở Trung Quốc. Nhưng với thị trường Trung Quốc tiếp tục mở rộng, Hsu thấy không có lý do gì để phát triển chậm lại.

Hsu nói rằng: “Trung Quốc là một thị trường có tính cạnh tranh rất cao. Bạn có những đối thủ cạnh tranh và nếu bạn đang làm tốt điều gì đó, họ sẽ ở ngay sau bạn”.

“Họ sẽ muốn đuổi kịp nếu họ cảm thấy bạn vừa nghĩ ra một thứ gì đó mới mẻ. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thị trường và tìm kiếm cơ hội để phát triển”.

►Hệ thống Giải pháp Ứng dụng Blockchain cho doanh nghiệp Việt Nam

►Đường đến đỉnh A.I của ELSA

►9 ứng dụng hữu ích cho con đường làm giàu của bạn