Học được gì từ sự cố VCB?
Đã 8 tháng kể từ lần gần nhất, khi Ngân hàng Đông Á bị đưa vào danh sách kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, khách hàng lại một lần nữa lo lắng về sự an toàn của các khoản tiền gửi tại hệ thống ngân hàng Việt, sau sự cố bốc hơi 500 triệu đồng tại Vietcombank (VCB) mới đây. Trong thời gian các bên liên quan điều tra vụ việc, các chuyên gia kinh tế đặt ra góc nhìn trên phạm trù rộng hơn: trước vấn nạn tội phạm công nghệ cao quay sự chú ý sang hệ thống tài chính tại các quốc gia đang phát triển, đã đến lúc các ngân hàng thương mại Việt Nam cần chủ động bảo vệ khách hàng thông qua các sản phẩm bảo hiểm tài khoản thanh toán?
Nỗi lo của những khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng nằm ở chỗ: ai là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng? Khi xảy ra sự cố mất tiền, khách hàng phải “xoay vòng” giữa “tam giác trách nhiệm” liên đới 3 bên gồm ngân hàng, cơ quan điều tra và quá trình giao dịch tài khoản của bản thân.
Trong bối cảnh năm 2012 khi Việt Nam đi những bước đầu tiên trong việc tái cấu trúc toàn diện hệ thống ngân hàng thì Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng ra đời. Đây là những quy định có tính hệ thống đầu tiên nhằm bảo vệ khách hàng trước hàng loạt thương vụ hợp nhất ngân hàng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành ngân hàng.
Hai năm sau đó, Ngân hàng Nhà nước mở rộng quy mô tái cấu trúc, không chỉ thanh lọc các ngân hàng yếu kém mà còn tập trung rà soát các công ty tài chính thông qua đẩy mạnh M&A. Kéo theo là sự ra đời của Thông tư 24 hướng dẫn một số nội dung về bảo hiểm tiền gửi. Cụ thể, mức tính phí bảo hiểm tiền gửi tại Thông tư này được thu đều đặn vào mỗi quý và được tính trên cơ sở toàn bộ số dư tiền gửi bình quân của các loại tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi của quý trước liền kề quý thu phí.
Nỗi lo của những khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng nằm ở chỗ: ai là đơn vị chịu trách nhiệm cuối cùng? Ảnh: Sơn Phạm |
Điều này được hiểu đơn giản rằng nếu các ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng huy động (bao gồm tăng trưởng tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm) càng nhiều thì số tiền phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định mà ngân hàng phải chi ra để “bảo vệ” khách hàng của họ càng lớn. Trả lời báo giới, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết tính đến cuối tháng 7.2016, trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng 9,45%, tổng huy động vốn toàn hệ thống cũng tăng 9,94% (huy động bằng VND tăng 12,28%). Phân tích theo tiền gửi, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết trong 4 tháng đầu năm 2016, tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng 7,05% so với cuối năm trước và chiếm tỉ trọng lớn, gần 54% trong tổng nguồn vốn trên địa bàn TP.HCM.
Nếu tính riêng 2 tháng đầu năm nay, tiền gửi tiết kiệm dân cư đạt 34.000 tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc tỉ lệ đóng phí bảo hiểm tiền gửi của các ngân hàng Việt cũng tăng tương ứng xấp xỉ 39% so với cùng kỳ. Nghịch lý đáng suy ngẫm là mặc dù các báo cáo vĩ mô cho thấy huy động tiền gửi luôn tăng “đẹp” qua các năm, nhưng quy định về mức đền bù thiệt hại tối đa trên một khoản tiền gửi đối với khách hàng sở hữu các khoản tiền nhàn rỗi qua hình thức sổ tiết kiệm chỉ được duy trì cố định ở mức bảo hiểm tối đa 50 triệu đồng, bất kể số dư tài khoản tiền gửi tiết kiệm thực tế có thể cao hơn nhiều lần, có khi lên đến hàng tỉ đồng.
Bất hợp lý này là một phần nguyên nhân của việc khách hàng thường “xé lẻ” các sổ tiết kiệm thành nhiều sổ có giá trị nhỏ và đồng thời gửi tại nhiều ngân hàng khác nhau nhằm phân tán rủi ro “đổ vỡ” nếu có. Những khách hàng theo trường phái “bảo thủ” và không thuộc nhóm đầu cơ thì vẫn nhất định giữ tiền nhàn rỗi dưới hình thức ngoại tệ hay vàng vật chất vì họ không tha thiết với lãi suất hiện tại 5-6%/ năm và mức đền bù 50 triệu đồng khi chẳng may tổ chức tín dụng xảy ra sự cố.
Như vậy, trong khi các ngân hàng ganh nhau từng điểm phần trăm lãi suất tiết kiệm thì một lượng tiền nhàn rỗi vẫn đang “ngủ đông” trong dân, một phần do những bất hợp lý về khoản tiền bảo hiểm khiêm tốn mà họ được chi trả nếu có sự cố.
Những khách hàng có tài khoản tiền gửi tiết kiệm vẫn được cho là “may mắn” nếu so sánh với các tài khoản thanh toán thông thường. Bởi lẽ, đối với loại tài khoản thanh toán thông thường, sự cố VCB cho thấy một thực tế rằng các tài khoản này còn không được bảo đảm một mức đền bù nào dù là nhỏ nhất nếu lỗi thuộc về người sử dụng phát sinh rủi ro trong quá trình giao dịch. Tại các thị trường tài chính phát triển, sản phẩm bảo hiểm tài khoản thanh toán rất phổ biến và được công ty bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp dịch vụ.
Tại Việt Nam, doanh thu thị trường bảo hiểm hằng năm có quy mô tương đương gần 2% GDP, trong đó tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ toàn thị trường 3 tháng đầu năm ước đạt 8.852 tỉ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ. Tuy vậy, khi NCĐT khảo sát các công ty bảo hiểm phi nhân thọ thuộc tốp 3 thị phần, lần lượt là PVI (22%), Bảo Việt (17,9%) và Bảo Minh (8,4%), thì đều nhận được câu trả lời tương tự: cung cấp sản phẩm bảo hiểm tài khoản thanh toán cho các ngân hàng Việt vẫn còn bỏ ngỏ.
Theo một nhân viên tính phí bảo hiểm tại công ty bảo hiểm lớn của Pháp có chi nhánh tại TP.HCM, kỹ thuật tính phí đối với các tài khoản thanh toán không quá phức tạp và có thể áp dụng phân tích thống kê trên thị trường Việt Nam cũng như đối chiếu với cơ sở dữ liệu trên thế giới để đưa ra mức phí bảo hiểm phù hợp. Tuy nhiên, các sản phẩm này vẫn chỉ được các công ty bảo hiểm lớn cả khối nội lẫn ngoại đánh giá là “có tiềm năng” và “sẽ được nghiên cứu trong tương lai” vì lý do sâu xa khác.
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, vấn đề nằm ở chỗ ngay cả khi công ty bảo hiểm đồng ý cung cấp sản phẩm bảo hiểm tài khoản thanh toán cho ngân hàng thì ai sẽ là đối tượng trả phí? Để được sử dụng dịch vụ bảo hiểm rủi ro, hoặc các ngân hàng phải đứng ra trả phí, hay chính khách hàng phải làm điều này hoặc cả hai. Với các sản phẩm bảo hiểm Bancassurance đang được các ngân hàng “trao tặng” cho khách hàng có khoản vay tín dụng trung và dài hạn thì thực chất, phí lại đang ẩn mình vào lãi suất mà họ phải trả hằng tháng. Điều này có nghĩa chính khách hàng đang là người chi trả phí bảo hiểm cho chính mình.
Đã đến lúc cơ quan quản lý cần xem xét kỹ hơn rủi ro mất an toàn cho khách hàng khi tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng gây thiệt hại 400 tỉ USD cho thế giới mỗi năm, trong đó Việt Nam có đến 30% dân số đã sử dụng tài khoản thanh toán tại ngân hàng.
Minh Nguyệt