Hoạt động kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài có thể được cấp phép
Một điểm đáng chú ý tại dự thảo lần này là NHNN sửa đổi Điều 31 về Quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu vàng thành Quản lý thị trường vàng.
Theo đó, dựa theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bổ sung quy định: NHNN thực hiện can thiệp, bình ổn thị trường vàng theo quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung nội dung: Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài của người cư trú chỉ được thực hiện sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép và được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép.
Nội dung này cũng tương tự quy định tại Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Cũng theo quy định tại dự thảo, người cư trú là tổ chức được thành lập, hoạt động tại Việt Nam như tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập, hoạt động tại Việt Nam; tổ chức kinh tế; cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị...; cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan đại diện lãnh sự của Việt Nam tại nước ngoài;
Người cư trú cũng có thể là cá nhân Việt Nam cư trú tại Việt Nam, công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài có thời hạn dưới 12 tháng; công dân Việt Nam đi du lịch, học tập, chữa bệnh và thăm viếng ở nước ngoài; người nước ngoài được phép cư trú tại Việt Nam với thời hạn từ 12 tháng trở lên...
Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản từng được triển khai từ năm 2004. Tuy nhiên, đến 2008 - 2009, trước sự bùng nổ của các sàn giao dịch vàng và những hệ lụy, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định chấm dứt hoạt động này.Hồi đầu tháng 10/2011, trước việc giá vàng trong nước biến động mạnh, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép 5 ngân hàng thương mại lớn là Eximbank, Techcombank, Sacombank, DongA Bank và ACB và SJC bán vàng bình ổn. Đồng thời cho phép 5 ngân hàng này mở tài khoản vàng ở nước ngoài để cân bằng trạng thái nhằm bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng. |
Nguồn SBV