Hoàng Huy nhảy vào địa ốc
Cổ phiếu một thời đình đám của Công ty Cổ phần Đầu Tư Dịch Vụ Hoàng Huy (HHS) hiện chỉ còn 3.750 đồng/cổ phiếu (3.1.2017), so với mức đỉnh gần 21.000 đồng/cổ phiếu hồi giữa năm 2015. Hãng kinh doanh xe tải nặng này từng xuất hiện trong bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam vào năm 2013 và 2015 do Tạp chí NCĐT bình chọn. Thế nhưng, hiện nay các chỉ số tài chính đã cho thấy sự sa sút. Trong lúc đó, Hoàng Huy lại tuyên bố sẽ tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Chuyện gì đang diễn ra ở HHS?
Được biết, HHS kinh doanh trong lĩnh vực xe tải, vốn được hưởng lợi nhờ nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng và chính sách siết chặt trọng tải trong vài năm gần đây. Năm 2015, HHS chứng kiến doanh thu tăng gần 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 3.500 tỉ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt gần 482 tỉ đồng, tăng hơn 3,5 lần.
HHS làm ăn khá tốt nhờ chọn loại xe Trung Quốc có chất lượng và giá cả cạnh tranh trên thị trường. Một lý do quan trọng khác là mức thuế nhập khẩu ưu đãi từ Trung Quốc (hiệp định thương mại tự do giữa ASEAN với Trung Quốc) khi thuế suất nhập khẩu là 0%, trong khi thông thường là 5% (ô tô đầu kéo) và 20% (sơ mi rơ-moóc). Nhờ đó, kim ngạch nhập khẩu ô tô đầu kéo từ Trung Quốc chiếm 67% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô tải cả nước, trong khi sơ mi rơ-moóc chiếm 97%.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, cả cổ phiếu lẫn tình hình kinh doanh của HHS đều rơi vào tình trạng đáng báo động. Cổ phiếu HHS vừa bị loại khỏi danh mục ETF vì không đủ giá trị vốn hóa và thanh khoản do giá cổ phiếu giảm mạnh. Trong khi đó, doanh thu hợp nhất lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 1.248 tỉ đồng, giảm gần 45% so với cùng kỳ năm trước.
Theo giải trình của Hoàng Huy, từ cuối năm 2015 đến nay thị trường kinh doanh ô tô tải đã chững lại sau quá trình tăng trưởng mạnh của thời kỳ trước. Câu chuyện này ngược với thời điểm 7 tháng trước. Khi đó, trong báo cáo 5 tháng đầu năm, theo thông tin từ HHS, tình hình tiêu thụ xe còn rất tốt. Diễn biến thực tế cho thấy sự suy giảm này mang tính chu kỳ ngành. Tương tự như HHS, lợi nhuận của hãng TMT cũng đã giảm 73% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2016, trong khi năm trước, tình hình kinh doanh vẫn rất khả quan.
Có vẻ như để giải quyết bài toán này, gần đây, HHS công bố sẽ tham gia vào thị trường bất động sản với những dự án nhà ở xã hội. Bước chân vào lĩnh vực bất động sản có thể là một lý do HHS thực hiện tăng vốn khá nhanh. Tính từ năm 2015 đến nay, Công ty tăng vốn điều lệ từ 574 tỉ đồng lên 3.146 tỉ đồng, chủ yếu bằng cách phát hành thêm cổ phiếu riêng lẻ và cổ phiếu thưởng. Trong khi đó, lý giải cho việc tăng vốn, HHS cho rằng mục đích là để mở rộng thị trường xe tải. Liệu có đúng như vậy? Nếu nhìn vào sự chuyển biến của thị trường, có thể thấy việc nhảy vào bất động sản có vẻ như được tính toán từ trước.
Một lý do khác giải thích cho quyết tâm nhảy vào thị trường bất động sản của HHS có liên quan đến “người anh cả” là Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH). Nhìn lại lịch sử, HHS được thành lập vào năm 2008 (và niêm yết năm 2012) với sự góp vốn của các cổ đông sáng lập cũng là những cổ đông sáng lập và điều hành TCH. Mục đích cho sự ra đời của HHS là để chuyên môn hóa lĩnh vực kinh doanh các loại xe tải hạng trung và hạng nặng nhập khẩu. Trong khi đó, TCH được thành lập vào năm 1995, chuyên kinh doanh xe tải nặng (chủ yếu là dòng xe nhập khẩu từ Mỹ), song song đó tham gia vào các dự án bất động sản.
Hiện nay, có vẻ như nhóm cổ đông sở hữu đồng thời HHS và TCH đang cố đưa HHS về lại “chung nhà” với TCH. Tỉ lệ sở hữu của TCH tại HHS tính đến 30.9.2016 là hơn 36,58% và công ty này vẫn tiếp tục công bố mua vào không cần công khai cho đến khi đạt tỉ lệ tối đa 50%.
Bằng cánh tay HHS, TCH có thể sử dụng công ty con này để triển khai M&A các công ty trong ngành hoặc thực hiện các dự án bất động sản. Theo đó, TCH hiện được Thành phố Hải Phòng giao thực hiện các dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà chung cư thay thế cho các chung cư cũ xây trước năm 1970. TCH còn cho biết đã mua lại và tăng sở hữu ở các công ty liên kết là chủ đầu tư các dự án cải tạo khu tập thể cũ, theo bản cáo bạch của TCH. Chính vì thế, có thể việc tăng vốn nhanh trong thời gian qua của HHS là nhằm tăng cường năng lực thực hiện các dự án bất động sản sau này. Trên thực tế, Pruksa (công ty liên kết) mà HHS đầu tư đang triển khai dự án nhà ở xã hội ở Hải Phòng.
Cũng cần phải nói thêm, các hoạt động đầu tư của HHS từ trước đến nay chủ yếu gắn liền với “anh cả” TCH. Chẳng hạn như hai công ty này đồng sở hữu (đều là công ty liên kết) hai công ty là Trường Giang và Hoàng Hiệp. Năm 2013, HHS cũng chuyển nhượng Hưng Việt (thực hiện dự án Golden Land của TCH) về cho TCH. Điều này khiến một số người lo ngại HHS có thể sa đà vào cuộc chơi tài chính hơn là lĩnh vực kinh doanh ô tô cốt lõi của mình từ trước đến nay.
Thanh Phong