Ảnh: VIR
Hoàng Anh Gia Lai nói gì khi có nguy cơ lỗ thêm hơn 490 tỷ đồng?
Ngày 29/08/2019, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HoSE: HAG) vừa công bố BCTC hợp nhất giữa niên độ 2019 sau soát xét với khoản lỗ sau thuế hơn 706 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều khả năng HAGL sẽ lỗ thêm 491 tỷ đồng nếu hạch toán theo các bút toán điều chỉnh của đơn vị kiểm toán.
… từ lỗ hơn 706 tỷ đồng trong nửa đầu 2019
Theo BCTC hợp nhất sau kiểm toán, trong 6 tháng đầu năm 2019, HAGL ghi nhận doanh thu gần 922,6 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2018 con số này là hơn 2.914 tỷ đồng. Đặc biệt, việc biên lợi nhuận gộp giảm gần một nửa, từ 49% trong 6 tháng 2018 xuống còn gần 26% trong 6 tháng 2019 đã khiến lợi nhuận gộp của HAGL giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2019. Cụ thể, lợi nhuận gộp của HAGL chỉ còn vỏn vẹn hơn 236,6 triệu đồng, giảm 83% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng kết lại, nửa đầu năm 2019, HAGL báo lỗ sau thuế hơn 706 tỷ đồng, so với mức lãi hơn 100 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
HAGL cho biết, kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm 2019 sụt giảm so với cùng kỳ là do công ty không còn hợp nhất doanh thu từ khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai - Myanmar. Điều này khiến doanh thu từ cho thuê và dịch vụ giảm. Đồng thời, doanh thu nông sản (chanh dây, ớt,...) cũng giảm mạnh do ảnh hưởng bởi tính mùa vụ và từ việc thay đổi diện tích từ trồng cây nông sản ngắn ngày sang dài ngày, cụ thể chuyển đổi diện tích trồng ớt sang trồng các loại cây dài ngày. Bên cạnh đó, HAGL cho biết việc đẩy mạnh mảng cây ăn trái đã khiến doanh thu từ bán sản phẩm hàng hóa cũng sụt giảm.
…đến nguy cơ lỗ thêm 491 tỷ đồng?
BCTC hợp nhất giữa niên độ 2019 của HAGL được kiểm toán bởi Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam (E&Y). Theo đó, E&Y đã đưa ra hàng loạt ý kiến ngoại trừ đối với BCTC nửa đầu 2019 mà HAGL tự lập. Đáng chú ý, nếu HAGL hạch toán theo ý kiến của E&Y thì khoản lỗ sau thuế có thể tăng thêm gần 491 tỷ đồng. Cơ sở của ý kiến kiếm toán ngoại trừ được phía E&Y đưa ra như sau:
Thứ nhất, E&Y cho biết, HAGL đã ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn tồn đọng với tổng giá trị là hơn 8.527 tỷ đồng (con số tại thời điểm 31/12/2018 là 7.594 tỷ đồng). E&Y cho biết không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi số nợ hơn 2.593 tỷ đồng tồn đọng vào 30/06/2019 nằm trong các số dư trên. Theo đó, E&Y không thể xác định có cần thiết điều chỉnh số liệu cho khoản mục nêu trên hay không.
Thứ hai, theo ý kiến của E&Y, HAGL đã ghi nhận một khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập số dư dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) tại ngày 31/12/2018 với tổng số tiền hơn 335 tỷ đồng. Việc trích lập này đã được thực hiện trong các năm trước. HAGL cũng không ghi nhận khoản dự phòng thuế TNDN tương tự cho kỳ kế toán 6 tháng năm 2019 với số tiền hơn 155 tỷ đồng. Theo E&Y, nếu HAGL thực hiện việc ước tính và ghi nhận theo đúng hướng dẫn của Nghị định 20 cho kỳ kế toán 6 tháng đầu 2019 thì chỉ tiêu “Thu nhập khác” giảm tương ứng hơn 335 tỷ đồng, chỉ tiêu "Chi phí thuế TNDN hiện hành" sẽ tăng thêm hơn 155 tỷ đồng. Chung quy lại, nếu hạch toán theo ý kiến kiểm toán của E&Y, nửa đầu 2019, HAGL sẽ lỗ thêm gần 491 tỷ đồng.
“Bỗng dưng lỗ chồng lỗ”, HAGL nói gì?
Trong báo cáo soát xét bán niên 2019 của HAGL, E&Y đã đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với việc đánh giá khả năng thu hồi tổng các khoản phải thu ngắn và dài hạn tồn đọng tới hơn 2.548 tỷ đồng. HAGL cho biết chủ yếu do các bên liên quan này đang vận hành nhiều dự án kinh doanh khá đa dạng như bất động sản, trồng trọt, chăn nuôi đối với khối tài sản đa dạng, trong đó nhiều dự án đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản nên chưa tạo ra lợi nhuận và dòng tiền thặng dư.
Theo HAGL, sẽ rất khó khăn cho việc xác định giá trị tài sản và dòng tiền trả nợ của các đơn vị liên quan đến các khoản công nợ của Công ty. HAGL bày tỏ sự tin tưởng rằng khi các dự án kinh doanh của các bên liên quan đi vào vận hành thương mại và có lợi nhuận thì việc đánh giá khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu sẽ trở nên dễ dàng hơn và đơn vị kiểm toán sẽ có đủ thông tin để đưa ra ý kiến chấp nhận toàn bộ.
Bên cạnh đó, E&Y cũng đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc ghi nhận một số khoản thu nhập khác từ việc hoàn nhập chi phí dự phòng thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN) đã được trích lập vào BCTC hợp nhất của các năm trước lũy kế đến ngày 31/12/2018 với tổng số tiền hơn 335 tỷ đồng. Vấn đề này liên quan đến Nghị định 20 của Chính phủ, quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp.
Đối với việc không ghi nhận thêm chi phí dự phòng liên quan đến chi phí thuế với số tiền hơn 155 tỷ đồng, đại diện HAGL cho biết, Nghị định 20 còn nhiều điểm bất hợp lý, có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong việc áp dụng trong thực tiễn và chưa đúng bản chất của Nghị định là chống chuyển giá. Do đó, đối với vấn đề này phía HAGL cho biết Ban Giám đốc vẫn đang trao đổi và kiến nghị với Kiểm toán Nhà nước, Tổng Cục Thuế, Bộ Tài Chính và Văn phòng Chính phủ xem xét việc điều chỉnh hay thay đổi Nghị định 20.