HAGL công bố hiện có 1.200 ha sầu riêng, trong đó có 700 ha sầu riêng thu hoạch tháng 10-11/2024 .Ảnh: markettimes.vn
Hoàng Anh Gia Lai mạnh tay cơ cấu nợ
Mới đây, sự kiện Câu Lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai đổi tên thành LPBank - Hoàng Anh Gia Lai thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Không chỉ ở góc độ thể thao, sự kiện này còn gợi mở nhiều ẩn số về tình hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vốn đang lận đận trong nhiều năm qua khi chuyển hướng mạnh mẽ sang lĩnh vực nông nghiệp.
Cái bắt tay của 2 “ông bầu”
Bởi vì, liền sau đó, ngày 29/11, HAGL công bố lại danh sách nhà đầu tư dự kiến được chào bán 1.300 tỉ đồng cổ phiếu riêng lẻ sau khi bất ngờ hủy danh sách cũ bao gồm 3 nhà đầu tư trước đó. Theo danh sách mới, Công ty Cổ phần Chứng khoán LPBank dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu (tương đương tỉ lệ sở hữu 4,73% sau đợt phát hành), Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiGroup mua 52 triệu cổ phiếu (tương đương 4,92%) và nhà đầu tư chuyên nghiệp Nguyễn Đức Quân Tùng mua 28 triệu cổ phiếu (tương đương 2,65%).
Cùng thời điểm, HAGL cho biết Công ty đã trả nợ 200 tỉ đồng nợ gốc trái phiếu của mã HAGLBOND16.26. Một tin vui khác đến với cổ đông của HAGL khi trong tháng 10/2023 công ty này ghi nhận doanh thu 711 tỉ đồng, tăng 52,2% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất kể từ đầu năm của doanh nghiệp này.
Dường như cái bắt tay của 2 “ông bầu” là Nguyễn Đức Thụy (người đứng sau LPBank và ThaiGroup) và ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn HAGL), đang tạo ra một câu chuyện mới, mở ra hướng giải quyết khó khăn kéo dài ở HAGL. Trên thị trường chứng khoán, ít nhất sau giai đoạn điều chỉnh cùng thị trường chung từ đầu tháng 9/2023, cổ phiếu HAG của HAGL đã ghi nhận đà tăng và tiệm cận vùng đỉnh xác lập trong tháng 8/2023.
Một hình ảnh có tính thông điệp là lãnh đạo của HAGL đã tiếp đoàn LPBank thăm câu lạc bộ bóng đá cũng như vườn sầu riêng, vườn chuối, cụm chăn nuôi tại Gia Lai. Ông Đức cũng đưa đoàn lãnh đạo LPBank gồm 2 Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị đi thăm các dự án nông nghiệp do HAGL đầu tư tại Lào, Campuchia. Hoạt động này gợi mở khả năng tham gia sâu hơn của LPBank với mảng kinh doanh của HAGL. Cùng thời điểm, LPBank do bầu Thụy làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị đặc biệt quan tâm giải ngân cho các lĩnh vực bất động sản, năng lượng và nông nghiệp thông qua các “thỏa thuận hợp tác toàn diện”.
Có thể thấy doanh nghiệp của ông Đức đang vận động mọi nguồn lực để có tiền tái cơ cấu nợ dù nhiều năm qua đã xoay xở bằng nhiều mảng kinh doanh mới nhưng chưa đạt kỳ vọng. Chẳng hạn, dù đặt kỳ vọng cao và được đầu tư rất bài bản nhưng mảng kinh doanh mía và cao su lao dốc trước đà giảm giá của thị trường để chuyển đổi một phần diện tích sang chăn nuôi bò. Sau đó, mảng chăn nuôi bò cũng bị thu hẹp và HAGL công bố chuyển dịch sang lĩnh vực trồng cây ăn trái. Thời điểm đó, ông Đức từng kỳ vọng trái chanh leo sẽ tạo sự đột biến về doanh thu, bên cạnh thanh long và chuối. Nhưng đến năm 2020, doanh thu mảng trái cây còn hơn 2.283 tỉ đồng, giảm 21,2% so với năm 2018, mảng chăn nuôi bò thì không đóng góp doanh thu.
Gánh nặng nợ vay
Gần đây, HAGL lại đặt ra tham vọng mới với “heo ăn chuối” cùng lời khẳng định “HAGL đã sang trang mới và tỉ suất lợi nhuận của ngành nông nghiệp không hề thấp”. Kết quả là năm 2022 doanh thu bán heo của Công ty ghi nhận 1.697,2 tỉ đồng, chiếm 33,2% tổng doanh thu; doanh thu bán trái cây đạt 2.241 tỉ đồng, chiếm 43,9% tổng doanh thu. HAGL tiếp tục đặt mục tiêu đưa ra thị trường 20 triệu con gà đi bộ ăn chuối, 1 triệu con heo ăn chuối, đồng thời phát triển mạnh thương hiệu Bapi Food - Heo ăn chuối với trên dưới 1.000 cửa hàng, trong đó 80% nhượng quyền.
Thế nhưng, khó khăn của thị trường khi giá heo lao dốc khiến Công ty phải đóng cửa trên 200 cửa hàng Bapi Food - Heo ăn chuối vào thời điểm cuối tháng 8. Và HAGL lại chuyển hướng sang một mảng kinh doanh mới là sầu riêng khi ông Đức chia sẻ “sầu riêng mới là mỏ vàng của tương lai”. Vào tháng 8, ông Đức đã chia sẻ lần đầu về thu hoạch sầu riêng với kết quả “1 vốn 5 lời”: doanh thu 18 tỉ đồng trong khi chi phí đầu tư chỉ 3,6 tỉ đồng.
Thực tế, xuất khẩu sầu riêng đang mang về cho Việt Nam hơn 2 tỉ USD nhưng hiệu quả tài chính với HAGL vẫn còn là một ẩn số bởi mới bước vào thu hoạch, sản lượng còn thấp. Để trả lời cho băn khoăn này, HAGL công bố hiện có 1.200 ha sầu riêng, trong đó có 700 ha sầu riêng thu hoạch tháng 10-11/2024, kỳ vọng đóng góp chính vào lợi nhuận cho tập đoàn nông nghiệp này.
Dù rất nỗ lực xoay xở và có những tín hiệu lạc quan kể trên nhưng không thể phủ nhận HAGL vẫn gặp vấn đề lớn với áp lực nợ vay cũng như thanh toán các khoản nợ quá hạn. Giai đoạn làm nông nghiệp cũng là thập kỷ vay nợ nhiều nhất của HAGL. Những rừng cao su chờ thu hoạch, những đồn điền mía, cánh đồng ngô và cọ dầu... dù đẹp mắt và quy mô đến mấy cũng không thể gánh nổi lãi vay và trả gốc cho hàng chục ngàn tỉ đồng nợ vay của HAGL trong giai đoạn này. Tại thời điểm cuối quý III/2023 HAGL có tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 7.778,8 tỉ đồng, bằng 140,3% vốn chủ sở hữu. Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết sẽ cố trả hết nợ vào năm 2026 và sẽ không vay vốn tiếp để đầu tư. Nguồn tiền trả nợ từ việc thu hồi nợ, bán tài sản đã khấu hao xong không còn sinh lợi và tiền lãi hằng năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 5.034,21 tỉ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế là 709,74 tỉ đồng, giảm 20,5% so với cùng kỳ. Điểm đáng lưu ý, mặc dù có lãi trong 9 tháng đầu năm 2023 nhưng đến ngày 30/9/2023, doanh nghiệp này vẫn còn ghi nhận lỗ lũy kế lên tới 2.640,6 tỉ đồng và bằng 28,5% vốn điều lệ (vốn điều lệ 9.274,7 tỉ đồng). Được biết, trong năm 2023 HAGL đặt kế hoạch doanh thu thuần 5.120 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.130 tỉ đồng. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, HAGL hoàn thành 62,8% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, HAGL ghi nhận doanh thu đạt 5.034,21 tỉ đồng. Ảnh:TL |
Trong bối cảnh đó, gửi gắm đội bóng con cưng nhưng phải tốn kém trên dưới 2.000 tỉ đồng cho đối tác, có thể thấy HAGL đang mạnh tay trong quá trình thanh lý các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ đối tác, thanh lý tài sản không sinh lời phần nào mang lại dòng tiền, duy trì ổn định hoạt động. Với thực trạng tài chính như vậy, việc ký kết thỏa thuận hợp tác với một tổ chức tài chính như LPBank ít nhất tạo ra kỳ vọng cho giới đầu tư về việc HAGL nỗ lực giải quyết bài toán thanh khoản cũng như triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh mới. Và thị trường tiếp tục chờ những “câu chuyện mới” của HAGL trong thời gian tới bên cạnh mảng kinh doanh chủ lực hiện tại là heo, chuối và sầu riêng.