Thứ Tư | 22/01/2014 17:05

Hoàng Anh Gia Lai không hạn chế quy mô đầu tư vào Campuchia

Canh tác nông nghiệp bằng công nghệ mới tại Campuchia được xem như một mô hình sáng về hiệu quả kinh tế - xã hội.

Việt Nam hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Campuchia với gần 130 dự án có trị giá trên 3 tỉ USD. Riêng trong năm 2013, các doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư 302 triệu USD vào Campuchia, tăng 250% so với con số 86 triệu USD của năm 2012.

Những dự án do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) triển khai tại tỉnh Rattanakiri, giáp với biên giới Việt Nam, đang được xem như một mô hình sáng về hiệu quả kinh tế - xã hội, ứng dụng công nghệ hiện đại, và cam kết đầu tư lâu dài với số vốn 381 triệu USD giai đoạn đầu.

Phóng viên VOV thường trú tại Campuchia đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Sự - Tổng Giám đốc Tập đoàn HAGL về vấn đề này.

Vường cao su tại Campuchia sẽ được HAGL khai thác năm 1015

PV: Tập đoàn HAGL hiện không chỉ đầu tư các dự án trồng cao su tại Campuchia mà còn có trên 30.000 ha trồng cây cọ dầu và ngô lai năng suất cao. Ông có thể cho biết cơ sở của việc đa dạng hóa giống cây trồng này?

Ông Nguyễn Văn Sự: Theo chương trình ban đầu, HAGL chỉ có chủ đích là trồng và phát triển cây cao su trên đất bạn. Tuy nhiên, trên cơ sở quỹ đất cùng với việc xem xét nhu cầu lao động tại Campuchia cho thấy, lao động địa phương không đáp ứng hết cho nhu cầu khai thác cây trồng này. Do vậy, tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, đưa cây cọ dầu vào trồng, điều này đã giảm hơn một nửa nhu cầu lao động, nhưng thu nhập trên mỗi đầu diện tích cây cọ dầu lại không hề thua cây cao su.

Năm 2014, HAGL sẽ mở rộng diện tích trồng ngô lên 10.000 ha.

Việc HAGL đưa cây cọ dầu vào trồng tại Campuchia dựa trên cơ sở những công nghệ tiên tiến của khu vực và đặc biệt là của Israel. Ngoài cây cao su và cây cọ dầu, tập đoàn cũng đang tính toán sẽ tổ chức đầu tư thêm một số cây ngắn ngày khác như cây ngô, trong thực tế cây ngô đã qua giai đoạn thí điểm rất thành công, năng suất dự kiến có khả năng gấp đôi ở địa phương và kể cả ở Việt Nam. Trong 2013 và đầu 2014, diện tích gieo trồng vào khoảng 2.000 ha. Riêng trong niên vụ 2014, tập đoàn có thể sẽ nâng diện tích lên từ 8.000 – 10.000 ha.

Với cây ngô, tập đoàn đang thành công trước hết với năng suất gấp đôi, đồng nghĩa với hiệu quả tăng lên gấp đôi. Thứ nữa là vòng quay vốn của cây ngắn ngày này là 4 tháng, do vậy theo tính toán một năm tập đoàn có thể làm từ 2 - 3 vụ. Từ hiệu quả đó, tập đoàn đầu tư trở lại cho cây cọ dầu. Đây chính bài toán lấy ngắn nuôi dài, dựa trên công nghệ tiên tiến đã qua giai đoạn thí điểm thành công.

PV: Cơ sở nào đã khiến HAGL dám bỏ ra hàng chục triệu USD để ứng dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt của Israel, một trong những công nghệ canh tác nông nghiệp hiện đại nhất hiện nay vào các dự án tại Campuchia?

Ông Nguyễn Văn Sự: Xuất phát từ đặc điểm thổ nhưỡng đất đai của vùng canh tác, đây là khu rừng khộp, đất sỏi pha sét, rất nghèo dinh dưỡng. Theo truyền thống canh tác của địa phương ở đây, chưa có ai thành công với cây trồng nào tại vùng đất này. Khi đầu tư vào đây, tập đoàn nhận thấy, nếu không đưa những công nghệ tưới theo quy trình của Israel vào thì không thể làm bất kỳ loại cây gì ở đây cả.

Cây cọ dầu sinh trưởng và phát triển tốt nhờ công nghệ tưới nước nhỏ giọt.

Như vậy, với điều kiện thổ nhưỡng ở đây cùng với công nghệ tưới nhỏ giọt đã có kinh nghiệm và từng thành công ở Lào, tập đoàn đã quyết định đưa hệ thống này vào Campuchia để trồng và khai thác cây cọ dầu. Chính nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt, quy trình điều tiết phân bón, tập đoàn đang thành công. Qua gần 2 năm trồng cọ dầu tại vùng đất này, tốc độ sinh trưởng còn cao hơn cả ở Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

PV: Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các dự án do Tập đoàn triển khai đối với nền kinh tế Campuchia?

Ông Nguyễn Văn Sự: Tôi nghĩ rằng việc đầu tư của HAGL vào Campuchia không những mang lại lợi ích riêng cho tập đoàn mà còn mang lại nhiều lợi ích tích cực cho Campuchia.

Với mô hình đầu tư đưa công nghệ mới, hiện đại của HAGL vào ngành nông nghiệp đã tăng năng suất gấp 2, gấp 5, gấp 10 lần so với sản xuất truyền thống. Tôi cho đây là một sự đột phá về nông nghiệp, đột phá về công nghệ ứng dụng vào trong nông nghiệp mà Campuchia có thể áp dụng.

Trước hết, HAGL sẽ được hưởng lợi từ hiệu quả của việc đầu tư. Tuy nhiên, địa phương và đất nước này hưởng lợi từ những con số cụ thể tạo ra mô hình có tính lan tỏa và được nhân rộng tại Campuchia.

Bằng việc đầu tư vào nông nghiệp của HAGL, chắc chắn vùng đất này sẽ trở thành một vùng hàng hóa trọng điểm của tỉnh Rattanakiri và của Campuchia. Kết quả cuối cùng là một lượng hàng hóa cực lớn sẽ được tạo ra từ vùng này, tạo ra kim ngạch xuất khẩu lớn cho tỉnh, tạo ra nguồn thu lớn mang lại hiệu quả cho tập đoàn để đầu tư trở lại cho cộng đồng xã hội về mọi mặt.

PV: Trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2014 - 2016, được biết HAGL cam kết giành từ 10 - 13 triệu USD cho các chương trình phát triển cộng đồng tại Campuchia. Ông cho biết nội dung cụ thể của chương trình này?

Ông Nguyễn Văn Sự: Nội dung chương trình cộng đồng của tập đoàn tập trung vào nhiều lĩnh vực, nhưng trọng tâm là việc làm, thu nhập và nhà ở cho người dân địa phương.

Trên diện tích dự án 30.000ha đang canh tác, tập đoàn dự kiến đưa vào ít nhất gần 3.000 lao động, tương ứng với 1.500 ngôi nhà. Với tiêu chuẩn gia đình có 2 lao động là 2 vợ chồng sẽ được sở hữu một căn nhà, tập đoàn sẽ xây đủ 1.500 ngôi nhà và cấp miến phí cho bà con ở và làm việc. Nhà ở sẽ có đầy đủ điện, nước, vệ sinh, y tế hoàn chỉnh cho một khu cộng đồng.

Nhà ở cộng đồng được HAGL tập trung quan tâm xây dựng cho người lao động.

Bên cạnh chương trình nhà ở là vấn đề việc làm. Thời điểm hiện nay người lao động đã có thu nhập 200 USD/người/tháng, hy vọng khi các khu vườn này đưa vào kinh doanh thì sẽ đạt khoảng 300 USD/người/tháng. Như vậy, gia đình có hai vợ chồng với thu nhập 600 USD/tháng sẽ khiến người dân thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, tập đoàn cũng chăm sóc cho 18 cộng đồng bên ngoài vùng dự án, giúp các cộng đồng về đường xá, về điện thắp sáng, về giếng nước, về vệ sinh, về trường học, công trình văn hóa…

PV: Sau giai đoạn đầu tư ban đầu, Tập đoàn HAGL có kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư tại Campuchia hay không thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Sự: Hiện tại quy mô dự án của HAGL tại Campuchia vào khoảng 50.000 ha. Kết thúc giai đoạn 2014, tập đoàn đã đầu tư hơn 60% kế hoạch. Đến năm 2015, HAGL sẽ kết thúc giai đoạn đầu tư cho 50.000 ha này.

Với những kết quả đã đạt được, không có lý do gì tập đoàn lại không mở rộng quy mô đầu tư nâng cao hiệu quả. Vấn đề còn lại là được Chính phủ Campuchia ghi nhận và ủng hộ, tập đoàn sẽ không hạn chế quy mô trong tương lai.

Nguồn vov.vn


Sự kiện