Hoàng Anh Gia Lai: Giữ thăng bằng trên dây nợ
Khó khăn vẫn chưa buông ông Đoàn Nguyên Đức và Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Mới đây, cổ phiếu HAG của doanh nghiệp này đã rơi vào diện cảnh báo của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM vì lý do lợi nhuận sau thuế năm 2016 của công ty mẹ lỗ đến 1.136 tỉ đồng. Thành viên của HAGL là Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Ông chủ của HAGL trở nên lặng lẽ hơn. Thỉnh thoảng chỉ thấy ông Đức xuất hiện trong một số ít sự kiện như phát biểu về tương lai của U19 Việt Nam, hay mới đây là tham gia vào thương vụ NutiFood thâu tóm Công ty Phước An với vị trí xa lạ: cố vấn dự án. Nhưng không phải mọi thứ đều màu xám. Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu HAG bất ngờ phục hồi mạnh mẽ từ mức 5.000 đồng lên đến 9.000 đồng. Đà tăng của cổ phiếu HAG là nhờ những diễn biến tích cực của giá cao su thế giới trong thời gian gần đây. Dường như các cổ đông đang trông đợi vào một phép màu nào đó sẽ giúp vực dậy Công ty đang lao đao vì nợ.
Giấc mơ dang dở
Nhắc đến Đoàn Nguyên Đức, nhiều người cho đến nay vẫn dành cho nhân vật này một sự cảm mến nhất định. Ra đời trong bối cảnh đất nước bước vào giai đoạn chuyển mình những năm 1990 với xuất phát điểm là một cơ sở đóng bàn ghế nhỏ, Hoàng Anh Gia Lai đã nhanh chóng phát triển thành một thương hiệu nội thất nổi tiếng ở Gia Lai và dần mở rộng sang các lĩnh vực khác như bất động sản, khoáng sản, thủy điện và nông nghiệp (cao su, dầu cọ, mía đường, bò...).
Với các nhà máy chế biến cọ dầu lớn tại Campuchia và Lào, HAGL hy vọng giá cọ dầu tăng, giúp Công ty trang trải nợ nần. Ảnh: Hoàng Anh Gia Lai |
Bầu Đức nổi tiếng với những phát ngôn và hành động gây sốc, thậm chí khác người. Năm 2002, HAGL chi số tiền khủng để mua tiền đạo người Thái Kiatisuk, gây xôn xao cả nước. Năm 2008, Công ty khai trương học viện đào tạo bóng đá ở đẳng cấp thế giới mang tên HAGL Arsenal JMG. Bầu Đức cũng là doanh nhân Việt Nam đầu tiên sở hữu riêng một chiếc máy bay để đi công tác. Năm 2007, hai quỹ đầu tư danh tiếng Dragon Capital và Jaccar xếp hàng trở thành cổ đông chiến lược của Công ty.
Năm 2008, HAGL chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Theo định giá của Công ty Kiểm toán KPMG, giá trị tài sản ròng vào thời điểm đó của HAGL lên đến 17.100 tỉ đồng. Là người sở hữu hơn 54% cổ phần, Bầu Đức nhanh chóng trở thành một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán.
Năm 2011, ông Đoàn Nguyên Đức được Wall Street Journal bình chọn là 1 trong 29 vị doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất Đông Nam Á. Cũng trong năm này, HAGL gây tiếng vang khi phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 90 triệu USD cho định chế tài chính Credit Suisse và 55 triệu USD cho Temasek.
2006-2007 có thể nói là giai đoạn hoàng kim của lĩnh vực bất động sản nói chung và HAGL nói riêng khi một loạt các dự án lớn như khu căn hộ cao cấp Lê Văn Lương, Trần Xuân Soạn, khu căn hộ Chánh Hưng Giai Việt, New Saigon... lần lượt mang về cho Công ty những khoản lợi nhuận khủng. Nhờ lợi thế quỹ đất, có công ty xây dựng lớn, có nhà máy chế biến gỗ và đá granite khép kín trong quy trình xây dựng căn hộ nên sản phẩm của HAGL luôn có giá thành cạnh tranh nhất trên thị trường. Kinh doanh hanh thông nên lúc cao hứng, ông Đức từng thổ lộ giấc mơ sẽ trở thành tỉ phú đô la đầu tiên của Việt Nam.Trong HAGL, hầu hết nhân viên đều thấu hiểu nguyên tắc: “Hãy để Bầu Đức lo chiến lược, những người khác chỉ cần thực thi”. Nhưng chiến lược kinh doanh của Bầu Đức đôi lúc thay đổi nhanh đến chóng mặt. Nó phần nào thể hiện tính cách quyết đoán của ông, nhưng mặt khác cũng làm cho các nhà đầu tư có lúc chạy theo không kịp. Và rắc rối cũng nảy sinh từ đó.
Nhưng cơn lốc khủng hoảng bất động sản ngay sau đó đã khiến cho giấc mơ làm giàu của ông Đức phải dừng lại.
Lãi vay chồng thêm nợ
Đối mặt với bài toán thanh khoản trong ngắn hạn, HAGL đã đi nước cờ liều khi hạ giá bán căn hộ cao cấp Hoàng Anh Gia Lai River View (quận 2) từ 2.500 USD/m2 xuống chỉ còn 1.100 USD/m2, khiến các nhà phát triển bất động sản khác cho đây là hành vi “bán phá giá thị trường”. Năm 2013, HAGL quyết định giảm triển khai các dự án tại Việt Nam để tấn công sang Myanmar bằng khu phức hợp trị giá 440 triệu USD ở Yangon. “Một doanh nghiệp lớn như HAGL nếu không vươn ra nước ngoài mà chỉ quanh quẩn đầu tư trong nước thì khó đảm bảo được mức tăng trưởng bình quân 70% mỗi năm. Hơn nữa, ở một số ngành, thị trường nội địa đã bão hòa, như bất động sản tại TP.HCM hiện có quá nhiều sự cạnh tranh”, ông Đoàn Nguyên Đức khi đó giải thích.
Ván bài mới của HAGL còn nằm ở cao su, nhất là thời điểm năm 2011, khi cả thế giới quay cuồng với mặt hàng này. “Theo tính toán, giá cao su hiện nay trung bình từ 2.500-3.000 USD/tấn, khoảng 5 năm nữa, 25.000ha cao su Attapeu, Lào được khai thác hết. Nhân sản lượng, diện tích, giá cả bình quân sẽ ra con số doanh thu và lợi nhuận khổng lồ trong tương lai. Chưa kể là năm thứ 20, chỉ riêng gỗ cao su khai thác của HAGL cũng được 1 tỉ USD”, ông Đức giải thích lý do đặt cược vào cây cao su trước khi giá cao su thế giới sụt giảm thê thảm ngay sau đó, do nguồn cung thế giới vượt cầu và do ảnh hưởng từ sự suy giảm của giá dầu.
Năm 2014, lần đầu tiên HAGL triển khai dự án nuôi bò với mục tiêu cấp cấp bò thịt có chất lượng cao của Úc cho thị trường trong nước. Chuỗi kinh doanh nông nghiệp theo hướng công nghệ cao từ mía đường, cao su, dầu cọ đến chăn nuôi trải rộng trên diện tích hàng trăm ngàn hecta lần đầu tiên ra đời ở Việt Nam, kích thích các doanh nghiệp khác cùng tham gia như Gemadept, Vingroup, hay gần đây nhất là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải.
Nhưng trong khi giấc mơ tỉ đô vẫn chưa trở thành hiện thực thì cuộc phiêu lưu vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao đang để lại cho Bầu Đức các món nợ phải trả lên đến hơn 1,6 tỉ USD. Lý do là mảng kinh doanh bò thịt và bò sữa cũng chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng.
Chỉ tính riêng trong năm 2016, chi phí lãi vay mà HAGL phải chịu lên tới 1.579 tỉ đồng. Trong khi lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) chỉ đạt con số khiêm tốn 363 tỉ đồng (tính toán của Công ty Chứng khoán SBS), tức không đủ để trả lãi nói chi là lợi nhuận cho các cổ đông. “Thói quen của các ông chủ Việt Nam vẫn là dựa trên cảm nhận và kinh nghiệm về cơ hội, điều này rất cần và luôn cần nhưng chưa đủ. Nó có thể đúng cho câu chuyện thị trường cách đây 5-10 năm, nhưng bây giờ phải có dữ liệu phân tích rõ ràng”, ông Robert Tran, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn chiến lược Robenny Corporation, phân tích.
Các tài sản có giá trị của HAGL hiện đều phải mang đi cầm cố ở ngân hàng. Ông Đức thậm chí phải thế chấp bằng chính lượng cổ phiếu HAG mà mình nắm giữ, Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG và tài sản của người vợ. Để tiết giảm chi phí hoạt động, người từng được coi là giàu nhất Việt Nam mới đây còn bán luôn cả phi cơ Beechcraft King Air350 cho Vietstar Airlines.
Bán bớt, giảm quy mô
Doanh thu hợp nhất của HAGL năm 2016 cải thiện nhẹ so với năm trước khi đạt 6.439 tỉ đồng. Nhưng do chi phí tăng nhanh hơn doanh thu nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 1.000 tỉ đồng, giảm đến 45% so với năm trước. Cộng với chi phí lãi vay tăng vọt khiến cho lần đầu tiên trong lịch sử, Công ty ghi nhận khoản lỗ lên đến 1.502 tỉ đồng.
Mảng mang lại doanh thu nhiều nhất trong năm qua là bán bò (3.465 tỉ đồng), tăng 36% so với năm trước đó. Đặc biệt, HAGL cũng ghi nhận khoản chuyển nhượng dự án bất động sản với giá trị 419 tỉ đồng mà năm trước không có. Riêng đối với mảng cao su, dù giá thị trường thế giới liên tục tăng nhưng doanh thu ghi nhận thấp do thời điểm cuối năm là giai đoạn kết thúc chu kỳ cạo mủ nên doanh thu của màng này chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn 114 tỉ đồng.
Nhưng áp lực nợ vay mới là gánh nặng không dễ trút bỏ. Tổng nợ phải trả của HAGL cuối năm 2016 đã tăng thêm gần 4.000 tỉ đồng khi lên đến 36.113 tỉ đồng, tương ứng gấp đôi với với vốn chủ sở hữu. Thậm chí, theo Công ty kiểm toán EY, tỉ lệ nợ ngắn hạn trên lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao tài sản cố định (EBITDA) và tỉ lệ nợ thuần trên vốn chủ sở hữu của thành viên Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai tính đến cuối năm ngoái đã vượt qua mức cho phép trong hợp đồng mua bán trái phiếu với Temasek.
Đã là kinh doanh chắc chắn không tránh được rủi ro và nhất là chịu tác động của chu kỳ kinh tế. Không thể phủ nhận các khó khăn nói chung của nền kinh tế giai đoạn vừa qua như lạm phát tăng mạnh, nợ xấu ngân hàng, tăng trưởng kinh tế thấp... đã tác động mạnh đến sức khỏe của hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng năm 2017 có thể sẽ khác nhờ nền tảng vĩ mô đã ổn định hơn đáng kể. Giá dầu thô và các loại hàng hóa như cao su đã phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm ngoái đến nay, mang lại tín hiệu lạc quan mới cho HAGL và nhất là các chủ nợ. “HAGL không thể chết!”, ông Đức mạnh miệng phát biểu.
Nhưng phải thừa nhận thực tế là khó khăn hiện tại khiến cho ông Đức không còn giành được quyền tự quyết mà phải phụ thuộc vào quyết sách của các chủ nợ. Năm ngoái, hàng chục ngân hàng có dư nợ tín dụng tại HAGL đã nhóm họp dưới sự chủ trì của Ngân hàng BIDV - chủ nợ lớn nhất. Tại cuộc họp này, nhóm các nhà đầu tư đã thống nhất giãn tiến độ trả nợ trái phiếu đến năm 2021-2026, giảm lãi suất cho HAGL và không đưa các khoản dư nợ vào trương mục nợ xấu. “Chúng tôi đánh giá HAGL đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Rủi ro của HAGL với VPBank gần như là không có”, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Ngân hàng VPBank (chủ nhân của khoản tín dụng hơn 2.000 tỉ đồng tại HAGL) trấn an các cổ đông trong Đại hội cổ đông vừa qua.
Các chủ nợ nước ngoài cũng có hành động “ưu ái” tương tự. Hiện HAGL đang xin ý kiến cổ đông về việc chấp nhận chủ trương chuyển đổi lượng trái phiếu 1.100 tỉ đồng của Temasek dự kiến sẽ đáo hạn vào tháng 8 tới đây. Giá chuyển đổi dự kiến sẽ thấp hơn đáng kể so với mức giá 19.645 đồng/cổ phiếu được hai bên thống nhất vào năm 2015. Nếu được cổ đông chấp nhận, việc chuyển đổi cho trái chủ Temasek sẽ giảm bớt phần nào áp lực trả nợ, vấn đề thanh khoản sẽ được giải quyết. Giá cổ phiếu HAG tăng mạnh trong thời gian qua cũng bởi lý do này. Mặt khác, các nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào việc chuyển nhượng các mảng kinh doanh kém hiệu quả sẽ mang đến sức bậc mới cho HAGL, giống như sự kiện Quốc Cường Gia Lai bán lại dự án Phước Kiển để trả nợ hơn 1.370 tỉ đồng.
Bất động sản tiếp tục là gánh nặng của HAGL. Ảnh: Hoàng Anh Gia Lai |
Được biết, trong các tháng tới, HAGL sẽ hoàn tất thủ tục để bán mảng mía đường cho Công ty Thành Thành Công với giá 2.200 tỉ đồng. HAGL cũng sẽ sớm chuyển nhượng đàn bò sữa 7.500 con vì triển vọng không còn. Năm ngoái, Bầu Đức đã bán 2 dự án thủy điện Nam Kong 2 và Nam Kong 3 cho các nhà đầu tư khác với giá 2.800 tỉ đồng. Việc bán các mảng hoạt động không còn là thế mạnh này của HAGL không vì mục đích lợi nhuận mà muốn cơ cấu các mảng hoạt động, giảm các khoản vay liên quan đến thủy điện và mía đường.
Hiện tại, HAGL đang sở hữu 38.428 ha cao su, trong đó 22.177ha tại Lào, 2.394ha tại Việt Nam và 13.857ha tại Campuchia. Dự kiến HAGL sẽ giảm quy mô, bán bớt 20.000ha ở Lào trong tổng số hơn 38.000ha để giảm bớt nợ vay. Đã có một số đối tác Trung Quốc đánh tiếng muốn mua lại nhờ giá cao su trên thị trường thế giới đang bước vào giai đoạn phục hồi. “Với quá trình tái cơ cấu có những tiến triển mới, cùng với đó là sự phục hồi của giá hàng hóa cơ bản và thanh lý một số tài sản, tình hình Công ty sẽ có nhiều chuyển biến. Do vậy, chúng tôi nâng đánh giá cổ phiếu lên khả quan”, Công ty Chứng khoán HSC mới đây nhận định.
Riêng với mảng bất động sản có thể sẽ khó khăn hơn cho HAGL khi phải tiếp tục thanh lý nhiều dự án bất động sản và lỗ do lãi vay. Bên cạnh việc tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của khu phức hợp tại Myanmar, HAGL cũng đang tìm kiếm các đối tác khác để chuyển nhượng. Một số thông tin cho thấy, Bầu Đức có thể sẽ chuyển nhượng dự án nếu được giá (có thể là khoảng 10.000 tỉ đồng).
Trong năm 2015, ông Đức từng đổi ý khi không bán 50% lợi ích trong dự án cho Tập đoàn Rowsley (Singapore) với giá 275 triệu USD. Nhưng đó có thể là điều phải hối tiếc, bởi bước sang năm 2016, thị trường bất động sản Myanmar bắt đầu có những trục trặc nhất định. Chính quyền mới của quốc gia này năm ngoái đã ban hành chính sách thuế đối với các thương vụ chuyển nhượng bất động sản, với mức độ cao gấp 5 lần so với quá khứ. Giới phân tích nhận định chính sách mới có thể sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của thị trường địa ốc nước này. Thực tế, giá địa ốc tại một số thành phố lớn trong năm 2016 đã sụt giảm đến 22% so với năm 2014 (theo Colliers International). Thị trường lao dốc tất nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến tính hấp dẫn và giá trị khu phức hợp của HAGL.
Nguyễn Sơn