Thứ Tư | 30/05/2012 16:00

Hoàng Anh Gia Lai gặp khó khăn về quặng sắt

Thủ tướng đã chỉ thị dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt để phục vụ cho các cơ sở sản xuất gang, thép trong nước.
Gần đây, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai (HAGL - mã HAG) Đoàn Nguyên Đức cho biết HAGL sẽ có đợt hạ giá căn hộ. Theo ông Đức, giá bán của những căn hộ HAGL sắp tung ra ở quận 7 chỉ bằng 50% so với những dự án cùng vị trí. Thông tin này ít nhiều gây ảnh hưởng đến việc bán hàng của các doanh nghiệp khác. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những ngày qua thông tin HAGL nợ trên 15.493 tỷ đồng và sắp phá sản được nhiều người nhắc đến.

Vấn đề nằm ở dòng tiền

HAGL đã đưa ra cơ cấu về nguồn vốn và tỷ lệ nợ vay, trong đó chi phí lãi vay năm 2011 được công ty báo cáo ở mức 464,8 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010. So sánh với tổng mức nợ vay, lãi suất khoảng 10%. HAGL có hệ số lợi nhuận trước thuế và lãi vay so với chi phí lãi suất là 4,7 lần. Lượng tiền mặt của HAGL là 2.896 tỷ đồng, bằng 90,3% nợ vay ngắn hạn.

Căn cứ vào dòng tiền báo cáo tài chính của HAGL, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ngày càng đi xuống kể từ năm 2009. Cụ thể, năm 2009, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn là khoảng 1.000 tỷ đồng, năm 2010 chỉ còn 294 tỷ đồng và đến năm 2011 đã âm 993 tỷ đồng.

Ước tính các dòng tiền vào và ra chủ yếu trong năm 2012 của HAGL

DÒNG TIỀN RA
Tỷ ĐỒNG
Chi phí lãi vay
1.628
Nợ dài hạn đến hạn phải trả
980
Chi phí vốn đầu tư vào cao su

Đầu tư cho dự án hiện tại
600
Đầu tư thêm 8.800 ha
430
Đường
665
Thủy điện (Đăksrông 3B và Bá Thước 2)
400
Vốn lưu động cho các dự án bất động sản
400
Chi phí bán hàng và quản lý
500
TỔNG DÒNG TIỀN RA
5.603
DÒNG TIỀN VÀO
Tỷ ĐỒNG
Lợi nhuận thuần từ quặng sắt (240.000 tấn) và hoàn nhập khấu hao
229
Lợi nhuận thuần từ thủy điện và hoàn nhập khấu hao
284
Lợi nhuận thuần từ cao su (1.848 ha) và hoàn nhập khấu hao
44
Tiền thu từ bất động sản
3.043
TỔNG DÒNG TIỀN VÀO
3.600

Năm 2012, để trả lãi vay, chi phí đầu tư cho các dự án thủy điện, cao su, mía đường và xây dựng các dự án bất động sản, HAGL cần phải chi ra 5.603 tỷ đồng. Theo ước tính của công ty Chứng khoán Bản Việt, trong trường hợp tốt nhất là căn hộ và khoáng sản sẽ bán được, tổng nguồn thu bằng tiền mặt khoảng 3.600 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản và nguồn vốn của Hoàng Anh Gia Lai
Nguồn: NCĐT
Nguồn: NCĐT

Theo ông Võ Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính HAGL, nguồn vốn dài hạn chiếm đến 73% tổng tài sản của HAGL, trong khi tài sản dài hạn chỉ chiếm 48%. Điều này có nghĩa HAGL đã dùng 25% nguồn vốn dài hạn để tài trợ cho tài sản ngắn hạn. Ông Sơn cho biết, tài sản ngắn hạn của HAGL chiếm 52%, nợ ngắn hạn là 27%.

Cơ cấu doanh thu của HAG
Nguồn: NCĐT
Nguồn: NCĐT

Cơ cấu doanh thu của HAGL từ năm 2010 trở về trước cho thấy, ngoài mảng bất động sản luôn đóng góp khoảng 60% doanh thu của toàn Tập đoàn, các mảng còn lại khá phân tán. Và trong lúc nguồn thu từ thủy điện, cao su vẫn đang ở thì tương lai, HAGL đã dần chuyển sang đặt trọng tâm vào mảng khoáng sản. Trữ lượng quặng phân bố tại Tây Nguyên, Thanh Hóa, Lào và Campuchia của HAGL gần 60 triệu tấn (giá bán bình quân ước tính là 120 USD/tấn quặng tinh).

Năm 2009, trong ngày đại hội cổ đông, ông Đức từng tuyên bố rằng, trong khoảng 2 năm nữa doanh thu từ khoáng sản sẽ dần thay thế cho bất động sản. Chiến lược kinh doanh của HAGL sau đó cũng đã thể hiện rõ ý đồ này. Theo đó, năm 2010 HAGL dự kiến sẽ khai thác khoảng 400.000 tấn quặng sắt, năm 2011 là 1 triệu tấn và năm 2012 là 1,5 triệu tấn.

Tuy nhiên, những dự định này đã bị phá sản khi việc xuất khẩu khoáng sản ngày càng khó khăn, nhất là sau Chỉ thị 02/CT-TTg ban hành đầu năm 2012. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ thị dừng hoàn toàn việc xuất khẩu quặng sắt để phục vụ cho các cơ sở sản xuất gang, thép trong nước.

Cửa xuất khẩu từ Việt Nam đã khép, mọi hy vọng có lẽ được HAGL dồn vào các mỏ sắt tại Lào và Campuchia. Theo phân tích của Hội Khoa học và Công nghệ Mỏ Việt Nam, khối lượng quặng sắt bán ra của vùng châu Á - Thái Bình Dương và Đông Canada trong năm 2012 có thể đạt 11 và 12 triệu tấn mỗi vùng. Giá quặng sắt Đông Canada có thể đạt 135-145 USD/tấn.

Trong báo cáo thường niên 2011, kế hoạch khai thác quặng sắt trong 3 năm tới đã được HAGL điều chỉnh còn rất khiêm tốn: năm 2012 chỉ khai thác 300.000 tấn, năm 2013 và 2014 là 550.000 tấn. Kế hoạch khiêm tốn như trên cho thấy HAGL không chỉ gặp khó khăn trong nước. Theo dự kiến, đến cuối quý IV/2012 HAGL mới có thể khai thác được mỏ sắt tại Lào.

Những khó khăn về xuất khẩu đang khiến HAGL cố xoay xở để tiêu thụ quặng sắt trong nước. Mới đây, HAGL đã công bố thông tin ký hợp đồng bán 100.000 tấn tinh quặng sắt cho Tập đoàn Hòa Phát trị giá trên 171 tỷ đồng. Như vậy, giá bán cho Hòa Phát khoảng 1,7 triệu đồng/tấn, tương đương 85 USD, thấp hơn so với dự tính 120 USD/tấn của Bầu Đức.

Nguồn Nhịp cầu đầu tư


Sự kiện