Thứ Ba | 22/12/2015 08:00

Hoàng Anh Gia Lai đang chờ ngày hái quả?

các dự án dầu cọ và Khu phức hợp tại Myanmar của Hoàng Anh Gia Lai dự kiến bắt đầu tạo ra doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn năm 2016-2017.

Bầu Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), đã có thể mỉm cười khi dự án bất động sản tại Myanmar phát tín hiệu khả quan, nối tiếp sau thành công từ mảng chăn nuôi bò. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường Myanmar đang có nhiều biến đổi bất ngờ, bầu Đức sẽ phải tìm lời giải mới cho dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center, trị giá hơn 440 triệu USD.

Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center tại trung tâm Yangon được chia làm 2 giai đoạn, có quy mô toàn dự án lên đến 73.000 m2. Kết thúc giai đoạn 1 vào đầu tháng 12, dự án đưa vào kinh doanh trung tâm thương mại 40.000 m2, khai khác khách sạn 5 sao hơn 400 phòng và 2 khối văn phòng.

Đại diện Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, tỉ lệ lấp đầy của trung tâm thương mại (có lẽ bao gồm cả cam kết của các nhà bán lẻ) lên đến 95%. Theo ghi nhận của Tạp chí Nikkei Asian Review, tại đây đã xuất hiện nhiều thương hiệu quốc tế, như đồng hồ Luxury Swiss, trang sức Chopard đến từ Thụy Sĩ hay thời trang Ermenegildo Zegna từ Ý và khoảng 30 quán cà phê, thức ăn nhanh.

Hiện tại, vì thiếu nguồn cung chất lượng, giá thuê văn phòng cũng như trung tâm thương mại tại Yangon thuộc hàng đắt đỏ nhất Đông Nam Á. Đại diện Tập đoàn cho biết, giá thuê văn phòng tại Yangon hiện khoảng 80 USD/m2/tháng và giá thuê trung tâm thương mại từ 40-50 USD/m2/tháng. Như vậy, kể từ năm sau, bản cân đối tài chính của Hoàng Anh Gia Lai sẽ hạch toán thêm dòng tiền đáng kể từ Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center.

Vấn đề hiện tại của bầu Đức là nguồn vốn đầu tư có nguy cơ cạn kiệt, do nợ đã ở mức quá cao. Tổng nợ phải trả của Tập đoàn, tính đến ngày 30.9.2015, đã lên đến hơn 30.000 tỉ đồng, tăng thêm gần 10.000 tỉ đồng so với hồi đầu năm.

Chính vì lẽ đó, dòng tiền từ giai đoạn 1 của Khu phức hợp tại Myanmar sẽ là nguồn tài trợ quan trọng cho giai đoạn 2, được dự đoán đặt trọng tâm vào sản phẩm căn hộ cao cấp. Căn hộ hiện được thị trường Yangon chấp nhận khá tốt, nhờ vị trí đắc địa tại trung tâm thành phố. Hoàng Anh Gia Lai đã bán hơn 400 căn, trong tổng số 1.800 căn, với mức giá thấp nhất hơn 3,7 tỉ đồng/căn. Vì thế, nguồn thu từ mảng bất động sản có thể lên đến hàng ngàn tỉ đồng.

Doanh thu từ mảng bất động sản của Hoàng Anh Gia Lai từng lên tới 2.800 tỉ đồng vào năm 2012, nhưng sau đó thì giảm dần, do thị trường trong nước ảm đạm và tập đoàn tái cơ cấu, bỏ khá nhiều dự án bất động sản ra khỏi bảng cân đối tài sản.

Tình hình chính trị thay đổi nhanh tại Myanmar, sau cuộc bầu cử vừa qua, đã có những tác động đến tình hình đầu tư. Thắng lợi tuyệt đối của Đảng Liên minh dân chủ toàn quốc (NDP) theo đuổi đường lối cải cách đã mang đến triển vọng mới cho nhà đầu tư nước ngoài.

Mới đây, Chính quyền Myanmar đã cấp lại 33 ha đất tại địa điểm mới cho 5 nhà phát triển bất động sản, sau khi các dự án của họ bị đình chỉ hoạt động do gần khu tôn giáo và đền bù một phần thiệt hại cho các doanh nghiệp này.

Việc mở cửa của quốc gia này sẽ khiến dòng vốn đầu tư chảy vào nhiều hơn, gây cơn sốt xây dựng mới và tạo áp lực cạnh tranh lên các sản phẩm của Hoàng Anh Gia Lai. Điều này đòi hỏi bầu Đức tính toán chắc chắn hơn.

Trong hoạt động kinh doanh từ trước đến nay, Hoàng Anh Gia Lai có lợi thế của người bán buôn nên Tập đoàn có thể tiết giảm chi phí bán hàng, marketing. Bên cạnh đó, việc nhanh chóng chuyển giao tài sản cho đối tác khác cũng giúp Tập đoàn hạn chế rủi ro sở hữu và nhanh chóng thu hồi dòng tiền.

Có lẽ bầu Đức đã tính đến các bước này. Tại cuộc họp gần đây, lãnh đạo Tập đoàn tiếp tục bàn bạc việc bán 50% vốn trong dự án tại Myanmar. Trước đó, đầu năm nay, Hoàng Anh Gia Lai đã hủy thương vụ M&A với tập đoàn bất động sản Rowsley (Singapore) do thuế thu nhập chuyển nhượng vốn ở Myanmar vẫn còn quá cao (40%).

Trong tương lai, khi thuế suất giảm về mức hợp lý hơn, Hoàng Anh Gia Lai có thêm động cơ đẩy nhanh quá trình chuyển nhượng, một việc không khó do Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center đang có lợi thế quy mô và vị trí đắc địa.

Việc bán tài sản sẽ giúp Hoàng Anh Gia Lai giảm bớt áp lực trả nợ vay, nhất là đối với các khoản trái phiếu nước ngoài sẽ đến kỳ chuyển đổi, đáo hạn trong 1-2 năm tới. Mới đây, Hoàng Anh Gia Lai cũng quyết định tái cơ cấu mạnh mẽ các khoản chi phí. Điển hình, tại công ty con là Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai, đang kinh doanh nhiều sản phẩm chiến lược như chăn nuôi bò, cao su..., chi phí hoạt động và quản lý sẽ cắt giảm ít nhất 10% so với năm 2015.

Hiện tổng vốn nợ vay của công ty này đã lên tới hơn 7.200 tỉ đồng, gần sát với mốc 7.500 tỉ đồng mà lãnh đạo của Tập đoàn đưa ra.

Theo Công ty Chứng khoán MayBank Kim Eng, các dự án dầu cọ và Khu phức hợp tại Myanmar của Hoàng Anh Gia Lai dự kiến bắt đầu tạo ra doanh thu và lợi nhuận trong giai đoạn năm 2016-2017. Vì vậy, cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai sẽ phù hợp cho nhà đầu tư dài hạn, sẵn sàng chờ đến lúc thu hoạch thành quả.

Nguyễn Sơn