Ảnh: Quý Hòa

 
Mỹ An Thứ Ba | 18/02/2020 10:00

Hoàng Anh Gia Lai còn lại gì?

Dù mạnh tay bán các mảng kinh doanh không hiệu quả nhưng tương lai của Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa sáng sủa.

Đ ế chế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức mặc dù không còn ánh hào quang nhưng vẫn luôn là tâm điểm chú ý của dư luận cũng như giới đầu tư. Trước khi tập trung vào phát triển nông nghiệp như hiện nay, HAGL từng hoạt động trong 7 lĩnh vực gồm bất động sản, sản xuất, thương mại và dịch vụ, xây dựng, cây công nghiệp, năng lượng, khoáng sản với hơn 36 công ty con và công ty liên kết tại 5 nước Đông Nam Á.

Mạnh tay bán công ty con

Mía đường từng được xem là “gà đẻ trứng vàng” của HAGL trước năm 2014 với xấp xỉ 1.000 tỉ đồng doanh thu. Tuy nhiên, năm 2017, trước áp lực nợ phải trả hơn 36.000 tỉ đồng, HAGL đã phải bán đứt mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công với giá trị khoảng 1.330 tỉ đồng. Sau mía đường, mảng chăn nuôi bò sữa và bò thịt từng là mũi nhọn của HAGL giai đoạn 2015-2016 cũng bị chuyển nhượng khi biên lãi gộp bò thịt liên tục sụt giảm.Đến năm 2018, sau cú bắt tay cùng Thaco, HAGL đã phải bán 35% vốn sở hữu tại HAGL Agrico (công ty nông nghiệp quan trọng nhất) cho Thaco để cơ cấu nợ. Tập đoàn cũng phải bán đứt mảng bất động sản cho Thaco khi chuyển nhượng toàn bộ dự án Hoàng Anh Myanmar với số tiền 8.155 tỉ đồng. Chưa dừng lại, trong năm 2019, HAGL tiếp tục thoái vốn 6 công ty con trong lĩnh vực cao su và cọ dầu với tổng giá trị 7.627 tỉ đồng. Cuối năm 2019, HAGL cũng ra phương án thoái vốn 99,4% cổ phần sở hữu tại Công ty Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai (tương đương 248,5 triệu cổ phiếu).

 

Như vậy, HAGL đã mạnh tay tái cơ cấu và loại bỏ những lĩnh vực kinh doanh kém khả quan để tập trung phát triển nông nghiệp. Theo báo cáo tài chính của HAGL, tập đoàn này ghi nhận đang đầu tư hơn 6.656 tỉ đồng vào các công ty con. Ngoài 59 tỉ đồng vào mảng bóng đá thông qua Công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai và 99 tỉ đồng vào mảng bệnh viện thông qua Công ty Cổ phần Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, các công ty còn lại đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Công ty mẹ vẫn nặng nợ

Dù đã rút khỏi các mảng kinh doanh kém hiệu quả và tập trung vào nông nghiệp nhưng tình hình kinh doanh của HAGL năm vừa qua vẫn rất ảm đạm. Doanh thu thuần của tập đoàn này trong năm 2019 giảm hơn 60% so với năm 2018, chỉ đạt 2.082 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp của HAGL cũng giảm trên 90% về còn gần 221 tỉ đồng.

 

Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của HAGL chính là khoản lỗ lũy kế năm 2019 lên đến hơn 1.609 tỉ đồng, trong khi năm 2018 tập đoàn này đạt lợi nhuận sau thuế hơn 6 tỉ đồng. Công ty lỗ nặng do chi phí lãi vay, chi phí chuyển đổi vườn cây và đánh giá lại tài sản lớn. Song, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 253 tỉ đồng, tăng 115%. Công ty chỉ hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 88 tỉ đồng.

Dù công ty mẹ vẫn đạt được lợi nhuận 253 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng khoản lỗ 1.862 tỉ đồng đến từ cổ đông không kiểm soát đã kéo kết quả kinh doanh của HAGL xuống. Nguyên nhân của việc hạch toán này có lẽ đến từ cấu trúc của Tập đoàn khi HAGL vẫn ghi nhận 16 công ty con trong lĩnh vực nông nghiệp dù trong đó có 14 công ty con mà HAGL sở hữu dưới 51% vốn. Nổi bật hơn cả là trường hợp của Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Tổng kết năm 2019, công ty này báo lỗ hơn 2.300 tỉ đồng, gấp nhiều lần so với khoản lỗ hơn 659 tỉ đồng năm 2018.

 

Tuy nhiên, HAGL trong năm 2019 cũng có những điểm sáng đến từ việc cơ cấu nguồn vốn. Cụ thể hơn, nguồn vốn nợ phải trả của HAGL giảm tới hơn 30% so với đầu năm, tương đương 9.722,8 tỉ đồng, dư nợ còn lại về mức 21.577 tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) giảm từ mức 21.753 tỉ đồng về mức 14.698 tỉ đồng vào cuối năm 2019, tương ứng với mức giảm 7.055 tỉ đồng. Nguồn vốn vay chủ yếu đến từ các khoản trái phiếu thường phát hành trong nước với dư nợ tính đến cuối năm 2019 là 7.164,68 tỉ đồng.

Vay ngắn hạn của HAGL giảm mạnh chính là nhờ thực hiện chuyển đổi hơn 2.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi cổ phần HAGL Agrico. Còn đối với các khoản vay dài hạn, Tập đoàn cũng đã giảm khoản mục trái phiếu thường trong nước hơn 30% so với đầu năm về còn 7.044,7 tỉ đồng. Nhờ vậy mà chi phí lãi vay trong năm giảm đáng kể, được cắt giảm 20% về mức hơn 1.220 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 68%, còn 93 tỉ đồng nhờ phân bổ lợi thế thương mại khi thanh lý công ty con giảm.