Hoàng Anh Gia Lai có thể bán xong thủy điện, mía đường trong quý I
Theo báo cáo tài chính năm vừa công bố, tính đến cuối năm 2016, Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) đã nhận ứng trước hơn 1.937 tỷ đồng từ khách hàng để mua dự án thủy điện, tăng khoảng 500 tỷ đồng riêng trong quý IV.
Trao đổi với VnExpress, ông Võ Trường Sơn - Tổng giám đốc Hoàng Anh Gia Lai cho biết việc bán các thủy điện bên Lào và mảng hoạt động mía đường đang được tập đoàn xúc tiến thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành ngay trong quý I/2017.
Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, Hoàng Anh Gia Lai không đặt kỳ vọng có lợi nhuận đột biến từ thương vụ này. "Việc bán các mảng hoạt động này của Hoàng Anh Gia Lai không vì mục đích lợi nhuận mà muốn cơ cấu các mảng hoạt động của tập đoàn, giảm các khoản vay liên quan đến thủy điện và mía đường. Khi hoàn thành thương vụ, dự kiến trong quý I/2017, các khoản nợ liên quan, khoản phải trả do nhận ứng trước từ khách hàng sẽ giảm nợ phải trả của tập đoàn đáng kể", ông Sơn cho biết.
Chia sẻ với cổ đông tại cuộc họp thường niên diễn ra giữa tháng 9/2016, Bầu Đức lúc đó cũng đã cho biết về khả năng sẽ bán bớt một phần mía đường và cao su. Những mảng kinh doanh không còn là thế mạnh này, theo ông, được nhiều doanh nghiệp khác chú ý, nếu bán đi sẽ mang lại dòng tiền để cơ cấu giảm nợ.
Theo báo cáo tài chính, phần chi phí xây dựng dở dang đối với các nhà máy thủy điện của Hoàng Anh Gia Lai đã tăng thêm hơn 150 tỷ đồng trong năm 2016, đạt mức 3.456,6 tỷ đồng tại ngày 31/12/2016. Khoản mục này chiếm hơn 18% tổng chi phí xây dựng dở dang.
Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, ông Võ Trường Sơn cho biết, quý IV/2016, tập đoàn đã có lãi từ việc đưa giai đoạn I dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai tại Myanmar đi vào hoạt động. Dự kiến đây sẽ là một trong những mảng sẽ mang lại kết quả kinh doanh tốt trong năm tới.
Giá trị đầu tư của giai đoạn I bao gồm Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao Melia Yangon tại Myanmar theo số liệu từ báo cáo tài chính đạt gần 4.000 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, mảng cao su là một trong những lĩnh vực cũng được kỳ vọng tăng trưởng trong năm tới. "Năm 2016 tập đoàn chưa tận dụng được đợt tăng giá của cao su trên thị trường thế giới do quá vụ khai thác. Tuy nhiên khi đợt cạo mủ đầu tiên năm 2017 được thực hiện vào tháng 5 tới, với mức giá thế giới đang liên tục tăng, mảng hoạt động này dự kiến sẽ đem lại kết quả khả quan", ông Sơn chia sẻ.
Số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa Tokyo cho biết, giá cao su đã tăng hơn gấp đôi từ giữa năm 2016 đến nay đạt hơn 326 yen cho mỗi kg. Theo Reuters, giá cao su tăng cao một phần là do nhu cầu tiêu thụ ô tô của Trung Quốc tăng, cộng với sự khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá mặt hàng này lên cao nhất trong vòng năm năm gần đây.
Theo báo cáo tài chính năm mới công bố, doanh nghiệp của Bầu Đức ghi nhận doanh thu năm 2016 đạt 6.460 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy nhiên, đơn vị này báo lỗ sau thuế gần 1.415 tỷ đồng, tăng khoảng 19% so với kế hoạch lỗ đã được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Kết thúc năm, tổng tài sản của Hoàng Anh Gia Lai đạt hơn 53.000 tỷ đồng, tăng gần 3.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền đạt gần 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn hình thành tài sản tăng thêm trong năm lại chủ yếu từ nợ phải trả, bao gồm nguồn người mua trả tiền trước ngắn hạn và vay dài hạn.
Tính đến 31/12/2016, nợ phải trả của doanh nghiệp này là hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó nguồn đi vay đạt hơn 27.300 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ đồng. So với đầu năm, vay ngắn hạn của Hoàng Anh Gia Lai giảm 1.725 tỷ đồng nhưng vay dài hạn tăng lên gần 2.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, trong những ngày cuối năm, doanh nghiệp của Bầu Đức đã đạt được những thỏa thuận cơ cấu nợ với các chủ nợ lớn. Một trong số đó là khoản vay từ trái phiếu cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Công ty chứng khoán BIDV (BSC) trị giá 6.546 tỷ đồng, được phát hành trong ngày cuối cùng của năm 2016 và đáo hạn vào năm 2021.
Nguồn VnExpress