Hoàn thành đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán
Theo mục tiêu đề ra, năm 2015 sẽ hoàn thành căn bản cơ cấu lại các tổ chức kinh doanh chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm, phấn đấu tới năm 2020 đưa thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; hỗ trợ tích cực cho thị trường tiền tệ trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tái cơ cấu nhằm hướng tới thị trường công khai, minh bạch
Đề án nêu rõ 4 mục tiêu cơ bản của quá trình tái cơ cấu lại thị trường chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm là: nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, sản phẩm bảo hiểm; nâng cao chất lượng quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức phát hành; công khai, minh bạch các hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, sẽ cơ cấu lại hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, doanh nghiệp bảo hiểm phù hợp với nhu cầu, đặc điểm và quy mô phát triển của thị trường; củng cố hoạt động, nâng cao năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro tại các tổ chức này theo thông lệ quốc tế.
Tập trung phát triển nhà đầu tư tổ chức, khuyến khích nhà đầu tư cá nhân; thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài trung và dài hạn, đồng thời tăng cường công tác giám sát và có biện pháp phù hợp, kịp thời để chủ động đối phó với biến động của dòng vốn đầu tư nước ngoài này;
Ngoài ra, phải đảm bảo mục tiêu tái cấu trúc tổ chức thị trường theo hướng chuyên biệt hóa các sản phẩm và dịch vụ cung cấp với cơ cấu quản trị điều hành thống nhất, minh bạch, chuyên nghiệp bảo đảm thị trường hoạt động lành mạnh, ổn định, vững chắc trong sự quản lý giám sát chặt chẽ của nhà nước.
Theo đó, sẽ tiến hành tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm một cách đồng bộ, toàn diện, bao gồm: Tái cấu trúc cơ sở hàng hóa và sản phẩm dịch vụ; Tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư; Tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm; và tái cấu trúc tổ chức thị trường.
Đề án cũng khẳng định quan điểm sẽ tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm theo lộ trình cụ thể, thận trọng, chắc chắn, không làm xáo trộn hoạt động của thị trường, bảo đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng và sự an toàn của cả hệ thống; tiết giảm chi phí xã hội.
Phân loại doanh nghiệp bảo hiểm để tái cấu trúc
Giải pháp tái cấu trúc các doanh nghiệp bảo hiểm, Đề án phân loại các doanh nghiệp bảo hiểm theo 4 nhóm và áp dụng các giải pháp phù hợp.
Đề án nêu rõ, sẽ củng cố, phát triển, kiện toàn mô hình tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiệm: đa dạng hoá sở hữu nhằm hạn chế biểu hiện khép kín, độc quyền trong kinh doanh bảo hiểm. Yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại có vốn nhà nước chi phối tiếp tục thoái vốn tại các doanh nghiệp bảo hiểm, đảm bảo đến năm 2015 vốn của các tổ chức này góp tại doanh nghiệp bảo hiểm không quá 20% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm.
Ngoài ra, sẽ tiếp tục nâng cao mức độ an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động đầu tư: yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm tăng vốn, bảo đảm phù hợp với phạm vi và mức độ rủi ro; duy trì khả năng thanh toán, hiệu quả đầu tư, an toàn tài sản;
Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bảo hiểm, theo đó yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng và thực hiện chiến lược kinh doanh tập trung vào các phân khúc thị trường thế mạnh, đảm bảo đạt hiệu quả cao; cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng; khuyến khích doanh nghiệp phát triển sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của người tham gia bảo hiểm.
Tăng cường quản trị rủi ro doanh nghiệp bảo hiểm theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng các sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm; thí điểm thực hiện bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm cho các cơ sở khám, chữa bệnh; hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc; từng bước mở rộng các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
Nguồn Bộ Tài chính