Tiêu thụ đường bình quân đầu người tại Việt Nam còn thấp. Ảnh: Quý Hòa
Hoãn Atiga đến 2020: Tin vui của ngành đường?
Thêm thời gian chuẩn bị
Hiệp định Atiga (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN) sẽ được hoãn thêm 2 năm. Như vậy, phải đến năm 2020, giao thương giữa Việt Nam với các nước khác trong ASEAN mới chính thức xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu và gỡ bỏ hàng rào thuế quan. Đây được xem là tin vui cho các ngành mía đường Việt Nam khi có thêm thời gian để chuẩn bị.
Thực tế, ngay từ năm 2017, những tác động tiêu cực từ Hiệp định ATIGA lên ngành đường đã rất rõ nét. Đầu tiên, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), các nước trong ASEAN lẫn Trung Quốc đều thắt chặt nhập khẩu đường. Họ muốn chờ đến ATIGA có hiệu lực để hưởng lợi từ thuế suất gỡ bỏ. Kết quả, dù nhiều nhà máy phải chấp nhận lỗ, giám giá xuống đáy, chỉ còn bán ở mức 12.000 đồng/kg nhưng tiêu thụ đường vẫn chậm. Tính đến giữa tháng 4.2018, tồn kho tăng vọt, lên hơn 680.000 tấn.
Tồn kho tăng, như chia sẻ của đại diện Mía đường Lam Sơn, còn vì lượng đường nhập khẩu. Chính sách tạm nhập tái xuất đường đã khiến cho một lượng đường lớn, khoảng 500.000 tấn đổ bộ vào thị trường nội địa.
Ngoài ra, theo thống kê của VSSA, thời gian qua, riêng đường nhập lậu từ Thái Lan đổ vào Việt Nam đã lên tới 500.000 tấn/năm, chiếm 1/3 sản lượng đường sản xuất trong nước. Thậm chí có thời điểm, đường lậu Thái Lan làm mưa làm gió, khiến không ít nhà sản xuất trong nước lao đao.
Trong bối cảnh đó, vì lo lắng không cạnh tranh được với đường Thái Lan, đường Indonesia, một số nhà máy như nhà máy đường Hiệp Hòa, nhà máy Đường Cà Mau, nhà máy đường Long Mỹ Phát đã tạm ngưng sản xuất.
Về lý thuyết, khi ATIGA trì hoãn, các công ty đường sẽ tạm thời giảm được áp lực, có thêm thời gian và cơ hội để gia tăng năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa ngành đường sẽ thoải mái. Bởi vấn đề bức thiết cho các công ty đường bây giờ là phải đối phó với đường lậu, đường nhập đang bán rẻ hơn giá thành sản xuất của đường trong nước.
Chẳng hạn, đường Thái Lan, đang chiếm 80% đường nhập khẩu của Việt Nam, luôn có giá thấp hơn giá đường nội địa. Một mặt do chi phí sản xuất mía đường của Thái Lan rẻ hơn Việt Nam, mặt khác, do Thái Lan muốn chiếm lĩnh thị trường quốc tế nên đã trợ giá, phá giá, giúp đường của Thái Lan khi xuất khẩu chỉ bằng 2/3 so với giá đường của các quốc gia khác.
Vấn đề hiện tại của đường Việt Nam là làm sao để giảm được chi phí, hạ giá đường, đủ cạnh tranh với đường Thái Lan. Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho biết, với những nhà máy công suất dưới 3.000 tấn/ngày thì không có khả năng tạo quy mô để sản xuất hiệu quả, hạ giá thành sản phẩm.
Vẫn là cuộc chạy đua thời gian
Vì thế, một trong những nội dung quan trọng của Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là giải thể các nhà máy sản xuất kém hiệu quả. Theo dự báo của VSSA, đến năm 2025, có thể chỉ còn 15 nhà máy mía đường, thay vì 40 nhà máy đang hoạt động như hiện nay. Ngoài ra, các công ty cũng cần phải thúc đẩy sản xuất những sản phẩm sau đường như cồn Ethanol, điện...
Còn theo ông Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, để giảm giá thành sản xuất cây mía, không còn cách nào khác là phải thực hiện dồn điền đổi thửa, tạo ra những cánh đồng quy mô lớn để cơ giới hóa. Có như vậy mới giảm được chi phí giá thành còn 50% so với cách làm hiện nay.
Thực tế, ngoại trừ Mía đường Thành Thành Công (TTC Sugar, SBT) là có thể sản xuất với chi phí 30 USD/tấn mía, còn phần lớn là sản xuất với mức 50 USD/tấn. Trong khi đó, chi phí sản xuất mía ở Brazil chỉ có 16 USD/tấn mía, Úc là 18-20 USD/tấn, Thái Lan 30 USD/tấn.
Mặt khác, cũng theo ông Võ Tòng Xuân, cây mía cũng chịu tác động lớn của bối cảnh biến đổi khí hậu, xâm ngập mặn và bị cạnh tranh bởi các cây trồng khác. Do vậy, để giữ vùng nguyên liệu, các nhà máy đường cần phải chủ động tổ chức vùng nguyên liệu cũng như hỗ trợ nông dân về giống mía, kỹ thuật và chia sẻ lợi nhuận.
Các nhà máy đường cũng có thể giảm giá thành sản phẩm bằng cách tạo lập kênh phân phối của chính mình, đồng thời chủ động đầu tư, nghiên cứu nhập khẩu giống mía, tăng chất lượng và năng suất mía, giảm giá thành đường. Ở góc độ khác, theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch TTC Group, để cạnh tranh với đường nhập khẩu giá rẻ, các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư cho công nghệ, hiện đại hóa quá trình sản xuất và tăng cường hợp tác, mở rộng quy mô, tìm kiếm sự giúp sức đồng hành của nhà đầu tư nước ngoài.
Điển hình, sau hàng loạt thương vụ đầu tư, M&A với nhiều công ty cùng ngành, SBT đã dẫn đầu ngành đường Việt Nam với thị phần nội địa xấp xỉ 40%. Còn 9 nhà máy của SBT cho công suất chiếm 33% tổng công suất cả nước. SBT cũng đã nâng diện tích nguyên liệu lên 62.000ha, chiếm 1/4 vùng nguyên liệu cả nước. Vùng nguyên liệu của SBT hiện cho công suất 70 tấn/ha (bằng với Ấn Độ, Trung Quốc và cao hơn trung bình ngành).
Tất cả đều được cơ giới hóa. Các sản phẩm sau đường đang chiếm 4% cơ cấu doanh thu 9 tháng niên độ 2017-2018 của SBT. Đáng chú ý, từ năm 2018, SBT còn xuất khẩu vào Mỹ, với khối lượng khởi động 29 tấn đường. Sau 5 năm chuẩn bị, giờ đây SBT tự tin đã có thể cạnh tranh về giá và chất lượng với đường Thái Lan.
Trong khi đó, Mía đường Lam Sơn (LSS) cho biết đã chuẩn bị cho ATIGA từ nhiều năm nay. LSS tập trung tạo hệ thống giống mía mới, đổi công nghệ chế biến đường, chú trọng những vùng nguyên liệu có diện tích lớn… Bên cạnh đó, Công ty cũng đặt mục tiêu hằng năm nhập khẩu và mua trong nước 30-40% sản lượng sản xuất trở lên để tinh luyện, sản xuất sản phẩm mới, có giá trị tăng cao từ mía đường.
Về lâu dài, các doanh nghiệp đường vẫn lạc quan khi nhìn vào mức tiêu thụ đường đầu người Việt Nam chỉ đạt 17,5kg năm 2017, thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN như Philippines (23,5kg), Indonesia (24,6kg), Thái Lan (43,4kg) và Malaysia (57,9kg). Hãng kiểm toán PwC dự báo đến năm 2026, tiêu thụ đường bình quân đầu người Việt Nam sẽ đạt 26kg.