Hoài bão của người kế thừa bản sắc
Chọn một hướng đi táo bạo, ít người trẻ nghĩ tới: “Khôi phục làng nghề hàng trăm năm tuổi đang dần mai một, kế thừa bản sắc cha ông để lại”, mô hình sản xuất độc đáo kết hợp làng nghề truyền thống và nhà máy sản xuất hiện đại đã mang đến những thành công ấn tượng sau 12 năm, khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và trầm trồ.
Tấm lòng của người trẻ dành cho quê hương
Ai lần đầu đến mảnh đất Ba Tri, Bến Tre thăm làng Phú Lễ, ăn bữa cơm đơn sơ với người dân trong làng cũng không khỏi trầm trồ khi thưởng thức thứ nếp mùa thượng hạng của mảnh đất phù sa màu mỡ. Trên khắp “vựa lúa miền Nam”, nếp mùa Ba Tri là loại nếp dẻo thơm bậc nhất. Từng hạt nếp óng mẩy, căng tràn tinh túy của vùng đất chín rồng không chỉ được nâng niu, làm nên những món bánh, món cơm nếp trứ danh mà còn khởi nguồn cho một làng nghề hàng trăm năm tuổi ở Phú Lễ: Làng nghề nấu rượu truyền thống.
Danh tửu Phú Lễ vốn nổi tiếng từ thời vua Tự Đức, được vua dành ban tặng công thần mỗi dịp lễ trọng đại. Đây cũng là loại thần tửu duy nhất được chọn dâng lễ các bậc tiền nhân ở Đình làng Phú Lễ - ngôi đình được đích thân hai vị vua triều Nguyễn ra lệnh xây cất và sắc phong, đến nay vẫn còn được gìn giữ gần như nguyên vẹn. Không chỉ được làm nên bởi thành phần chính là loại nếp mùa Ba Tri thượng hạng, ngự tửu Phú Lễ còn nức tiếng bởi bài hồ men truyền thống, được làm từ 36 vị thuốc Nam - Bắc bí truyền. Tất cả hòa quyện, tạo nên thức uống mang phong vị truyền thống, hào sảng, phóng khoáng, ngây ngất lòng người.
Những viên hồ men gia truyền mang đến hương vị đặc biệt cho loại ngự tửu vua ban |
Nặng lòng với loại mỹ tửu trăm năm tuổi, mô hình kinh doanh được doanh nhân Trần Anh Thuy, với hoài bão của một người trẻ ước mong nâng giá trị độc đáo của làng nghề lên tầm vóc mới, đã mang đến một bước rẽ đầy sáng tạo cho loại mỹ tửu Phú Lễ. Quyết định đầu tư khôi phục làng nghề vào thời điểm ấy được xem là bước đi đầy táo bạo. Bởi lẽ, mặc dù danh tiếng của mỹ tửu này không có gì phải bàn cãi, song trải qua cả một giai đoạn thăng trầm, đó là thời điểm làng nghề truyền thống đang dần mai một, chất lượng nguyên liệu và phương pháp chưng cất có độ chênh lệch nên chất lượng sản phẩm không còn được như xưa. Đặt chân vào hành trình gìn giữ giá trị văn hóa ngay bước “gập ghềnh” ấy, quả thật không hề đơn giản cho một doanh nhân trẻ.
Hoài bão lớn “Khơi bản sắc, tỏa tinh hoa”
Hướng sản phẩm có trăm năm tuổi này đến một tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn giữ được trọn vẹn phong vị truyền thống là một việc chẳng hề dễ. Ông Trần Anh Thuy nhớ lại: “Tôi từng đặt chân đến rất nhiều làng nghề nổi tiếng trên thế giới, như ở làng Cognac, làng Provence…, người dân ở đó có những cánh đồng nho, cung cấp nho hoặc sản phẩm chưng cất truyền thống cho các công ty danh tiếng. Sau đó các công ty này quy chuẩn chất lượng sản phẩm, trước khi đưa sản phẩm đi khắp thế giới. Ngay lần đầu tiên chiêm ngưỡng đình làng Phú Lễ và thưởng thức loại mỹ tửu truyền thống, tôi đã lóe lên một sự so sánh và ước vọng có một làng nghề Phú Lễ cũng được nhắc đến tương tự như những làng nghề lừng danh trên thế giới…”.
Trăn trở với ước vọng tạo dựng thương hiệu “quốc tửu”, triển khai một mô hình làng nghề truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại, ông Trần Anh Thuy đã mất nhiều ngày tìm đến những nghệ nhân cao tuổi nhất của làng nghề Phú Lễ, tham khảo nhiều ý kiến một cách kiên trì, trước khi chính thức bắt tay vào dự án táo bạo của mình.
Cụ Hạ Chí Luông, một trong những nghệ nhân cao tuổi nhất của làng nghề Phú Lễ nhớ lại: “Công ty đã tập hợp các hộ chuyên nghề nấu rượu cả trăm năm, truyền từ đời này sang đời khác để lập tổ hợp tác. Lúc đó bà con rất mừng, vì có công ăn việc làm ổn định, sản phẩm làm ra được bao tiêu trọn vẹn, thâu về một mối, chất lượng sản phẩm cũng đồng đều. Và cái mừng lớn hơn nữa là từ nay danh tửu cha ông gìn giữ không bị thất truyền, chất lượng bảo đảm”.
Doanh nhân trẻ Trần Anh Thuy quyết tâm gìn giữ và phát triển làng nghề truyền thống |
Hướng đến tiêu chuẩn quốc tế, một dây chuyền sản xuất hiện đại với vốn đầu tư hơn 2 triệu USD cũng được đưa vào sử dụng vào năm 2009. Ông Trần Anh Thuy chia sẻ: “Phải kiên trì và tâm huyết lắm mới có thể theo đuổi công việc này. Chúng tôi may mắn khi có được sự ủng hộ của những nghệ nhân mấy đời theo nghề, hết lòng giữ gìn giá trị truyền thống của làng. Từng chút, từng chút, dây chuyền hiện đại được hình thành, từng sản phẩm đầu tiên hòa quyện giữa các công đoạn thủ công chắt chiu với kỹ thuật hiện đại theo chuẩn quốc tế được ra đời, nâng chất lượng lên tầm cao mới - đồng nhất và đạt chuẩn quốc tế - là một điều không dễ, nhưng chúng tôi đã làm được, bằng tâm huyết của cả làng nghề”.
Thành công của mô hình sản xuất độc đáo mà công ty Rượu Phú Lễ đang ứng dụng là minh chứng sống động cho tính hiệu quả và tính khả thi của việc kết hợp giá trị truyền thống với quy trình sản xuất hiện đại. Mô hình độc đáo này đang tạo tiền đề thiết lập, quy chuẩn cho ngành, mở ra triển vọng xây dựng những thương hiệu “quốc hồn quốc túy”. Cũng cần nói thêm, 12 năm ứng dụng mô hình sản xuất này, công ty đã tạo ra hơn 200 việc làm cho người dân địa phương, giúp người dân có điều kiện ổn định cuộc sống và phát triển trên nền tảng kế thừa chính những giá trị truyền thống cha ông để lại.
Không giấu sự tự tin và đầy hy vọng, ông Trần Anh Thuy chia sẻ: “Khi thăm các làng nghề ở nước ngoài, điều tôi ấn tượng sâu sắc là doanh nghiệp rất ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống. Ở những nơi này, khách du lịch không chỉ say mê vì sản phẩm chất lượng cao mà còn mong ước tìm đến tận nơi để cảm nhận nét giá trị văn hóa cổ xưa ẩn chứa trong nhịp sinh hoạt, trong từng tâm huyết của người dân bảo vệ những gì cha ông để lại. Những gì Phú Lễ đang thực hiện sẽ là tiền đề để nhiều làng nghề khác vững tin phát triển theo hướng hiện đại mà vẫn giữ được những giá trị trăm năm”.