Ảnh: Quý Hòa

 
Hữu Hiệp Thứ Tư | 18/12/2019 10:00

Hoa Vương Vietcombank lợi cả đôi đường

Những ngân hàng chuẩn bị tốt như Vietcombank đang hưởng lợi từ các chính sách mới.

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước ban hành một loạt chính sách mới về ngành ngân hàng. Ví dụ như Thông tư 22/2019/TT-NHNN thay thế Thông tư 36/2014 (và các Thông tư sửa đổi liên quan) về tỉ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng. Theo đó, nhìn toàn ngành, tuy cho vay tín dụng sẽ bị kiểm soát chặt hơn nhằm tăng sự ổn định của hệ thống ngân hàng trong trung và dài hạn, ảnh hưởng tới đầu ra cho vay của các ngân hàng, nhưng cũng có những ngân hàng như Vietcombank (VCB) hưởng lợi khi dễ dàng đi qua.

Theo Thông tư 22, về tỉ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn, so với 2 phương án trong dự thảo trước đó có phần nhẹ nhàng hơn. Các lộ trình để từng bước siết chặt tỉ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn để giảm từ mức hiện tại 40% đến năm 2022 xuống còn 30% đều được lùi lại 3 tháng.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, trong 12 ngân hàng niêm yết mà SSI theo dõi, có 5 ngân hàng, trong đó có Vietcombank, có tỉ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn hiện dưới 30%. Do đó, Vietcombank không chịu nhiều áp lực bởi yếu tố này.

Một thay đổi khác là tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (LDR). Quy định mới áp dụng mức trần LDR là 85% cho tất cả các ngân hàng so với trước đây, theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, tỉ lệ này là 90% đối với khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, còn khối ngân hàng thương mại tư nhân là 80%.

SSI cho rằng điều này sẽ có lợi cho các ngân hàng thương mại cổ phần và đây là cơ hội để nhóm ngân hàng này được đẩy mạnh tín dụng mà không phải tăng nguồn vốn huy động. Tuy nhiên, nhìn chung, nhóm ngân hàng tư nhân sẽ không hưởng lợi nhiều vì theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, cuối tháng 9, tỉ lệ LDR ở nhóm ngân hàng nhà nước là 91,47% còn của khối tư nhân là 84,61%, số này khá sát mức trần quy định mới 85%.

Nhìn riêng trường hợp của Vietcombank, theo báo cáo gần đây của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), tính đến cuối quý III/2019, trong 3 ngân hàng thương mại nhà nước niêm yết, chỉ Vietcombank có tỉ lệ LDR ở mức thấp 80,8% nên theo Thông tư 22 còn nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, BIDV và VietinBank đều có mức khá cao hơn 90%. Các ngân hàng tư nhân đa số cũng có LDR ở mức quanh 80%, ngoại trừ VPBank là 95%. Trong tương lai, nếu LDR của Vietcombank tăng dần thì sẽ cải thiện hệ số NIM (sự chênh lệch phần trăm giữa thu nhập lãi và chi phí lãi phải trả của ngân hàng).

Một động thái khác của Ngân hàng Nhà nước là Quyết định 2416/QĐ-NHNN hạ mức trần lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn, trần lãi suất huy động cho kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1% xuống 0,8% và trần lãi suất huy động cho kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5% xuống 5%. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng huy động vốn đầu vào và tạo áp lực lên việc tăng trưởng tín dụng cho vay của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Vietcombank là một ngân hàng hàng đầu trong huy động tiền gửi. Tiền gửi khách hàng của Ngân hàng tính đến hết quý III/2019 đạt 902.000 tỉ đồng (+12,5% trong khi toàn ngành là 9%). Tỉ lệ LDR thấp hơn nhiều so với mức trần 85% cùng tỉ lệ CASA ở mức 30% cao nhất hệ thống (đa số các ngân hàng khác là khoảng 15%) giúp Vietcombank ít chịu áp lực phải tăng lãi suất huy động để cạnh tranh.

Năm 2019, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản hơn 1,2 triệu tỉ đồng tăng 12%, dư nợ tín dụng tăng 15%, huy động vốn tăng 11-13%, lợi nhuận riêng lẻ trước thuế 19.500 tỉ đồng. Dựa trên các tính toán, BVSC cho rằng, Vietcombank vẫn còn dư địa tăng trưởng lớn trong những năm tới và dự báo lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này có thể vượt 32.000 tỉ đồng vào năm 2020. Dư địa tăng trưởng của Vietcombank vẫn còn lớn trong những năm tới nhờ hệ số NIM tiếp tục được mở rộng, thu nhập từ hoạt động bán chéo bảo hiểm và nợ xấu được kiểm soát.

Có thể thấy, những tác động tốt sẽ giúp Vietcombank hưởng lợi, trong khi những tác động hạn chế thì Vietcombank được các chuyên gia đánh giá là ít bị tác động nhất. Có thể nhìn nhận đây là một ngân hàng tốt, chuẩn bị kỹ lưỡng trong chiến lược kinh doanh cũng như chất lượng tài sản để đối đầu với những thăng trầm của chu kỳ kinh tế. Mối quan tâm sắp tới của Vietcombank sau thương vụ đình đám bancassurance 400 triệu USD với FWD sẽ là câu chuyện tăng vốn trong năm 2020.

Nếu thành công, ngân hàng này sẽ tăng vốn như đã trình tại Đại hội cổ đông 2019 (tăng vốn điều lệ từ 37.000 tỉ đồng hiện nay lên 55.000 tỉ đồng). Theo đó, ước tính hệ số an toàn vốn (CAR) theo Basel II của Vietcombank sẽ tăng từ mức 9,4% trong năm 2019 lên trên 11% trong các năm tiếp theo, một mức rất an toàn để hỗ trợ tăng trưởng.