Thứ Ba | 27/10/2015 10:56

Hoa Sen được gì khi đầu tư vào Guang Lian?

Dự án thép Guang Lian sẽ là một thách thức đối với Hoa Sen, bởi quy mô dự án vượt xa những dự án mà Hoa Sen đã và đang triển khai.

Thông tin về việc tập đoàn Hoa Sen muốn đầu tư vào dự án thép Guang Lian tại khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi, sau khi E-United tuyên bố rút khỏi dự án này, được tiết lộ trong một văn bản của UBND tỉnh Quảng Ngãi gửi cho tập đoàn này. Theo đó, tập đoàn Hoa Sen sẽ cùng với UBND tỉnh Quảng Ngãi ký một bản thỏa thuận hợp tác, bao gồm việc đầu tư vào dự án thép nói trên.

Ván bài chưa lật

Việc tập đoàn Hoa Sen muốn đầu tư vào dự án thép Guang Lian có thể là một tín hiệu tích cực mới về sự hồi sinh của dự án thép 3 tỷ USD đã nằm trên giấy 10 năm nay này.

Quay trở lại với thời điểm từ năm 2006, Cty Tycoons của Đài Loan đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án thép Tycoons, vốn đầu tư ban đầu là 1,7 tỷ USD. Sau đó, 90% cổ phần của dự án này được chuyển nhượng lại cho tập đoàn thép E-United cũng của Đài Loan, đồng thời tăng vốn đầu tư lên 3 tỷ USD và đổi tên thành dự án thép Guang Lian. Tuy nhiên, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, và cả vấn đề về năng lực tài chính của nhà đầu tư, dự án đã không được triển khai. Đến năm 2012, JFE Steel bất ngờ tuyên bố sẽ nghiên cứu mua lại cổ phần chi phối tại Guang Lian và tăng công suất từ 5 triệu tấn thép lên 7 triệu tấn thép một năm. Tưởng chừng sự xuất hiện của JFE Steel sẽ mang lại hơi thở mới cho dự án và chấm dứt tình trạng nằm trên giấy. Nhưng cuối năm ngoái, JFE Steel cũng lại gây bất ngờ qua tuyên bố từ bỏ việc theo đuổi dự án Guang Lian, thay vào đó, tập đoàn này bỏ ra 225 triệu USD mua lại 5% cổ phần của dự án thép Formosa Hà Tĩnh.

Vậy tại sao cả hai tập đoàn thép lớn đến từ Đài Loan và Nhật Bản đã từ bỏ dự án thép Guang Lian, tập đoàn Hoa Sen lại muốn đầu tư vào?

Qua văn bản của UBND tỉnh Quảng Ngãi, có thể thấy tập đoàn thép do doanh nhân Lê Phước Vũ sáng lập vẫn chưa có kế hoạch cụ thể cho khoản đầu tư này. Ví dụ như UBND tỉnh Quảng Ngãi đã khuyên tập đoàn Hoa Sen nên đầu tư nhà máy với công suất từ 3-5 triệu tấn thép một năm, có nghĩa rằng Hoa Sen vẫn chưa có quyết định về quy mô nhà máy sẽ dự định đầu tư này. Hơn nữa, việc đầu tư vào dự án Guang Lian qua việc nhận chuyển nhượng lại từ E-United hay đợi E-United giải thể công ty con tại Quảng Ngãi rồi mới đầu tư cũng vẫn còn bỏ ngỏ.

Lợi thế có sẵn

Cho dù kế hoạch chi tiết về dự án đầu tư này của Hoa Sen chưa được tiết lộ, nhưng có thể thấy rằng, quyết định đầu tư vào Guang Lian của Hoa Sen, nếu được thực hiện, sẽ mang lại cho tập đoàn này khá nhiều lợi thế. Trước tiên, đó là về mặt bằng. Trong gần 10 năm, dù việc xây dựng nhà máy chưa được triển khai, nhưng E-United cũng đã bỏ ra hàng chục triệu USD để giải phỏng 375 ha trong tổng số 504 ha đất của dự án. Nếu như Hoa Sen đầu tư vào đây, chi phí giải phóng mặt bằng mà tập đoàn này bỏ ra, nếu bắt buộc, là không nhiều, và thời gian cũng sẽ được rút ngắn đáng kể.

Nhưng lợi thế lớn nhất mà Hoa Sen sẽ có được so với nhiều dự án thép khác trong cả nước nằm ở ưu đãi thuế dành cho dự án này. Vào thời điểm Tycoons nhận giấy chứng nhận đầu tư năm 2006, dự án thép ngày đó vẫn nằm trong danh mục hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (10%), và các ưu đãi khác. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, đầu tư sản xuất thép không còn là lĩnh vực khuyến khích đầu tư nữa nên những ưu đãi đó đã bị bãi bỏ theo Luật Đầu tư mới. Nhưng nếu Hoa Sen nhận chuyển nhượng lại dự án từ E-United mà không điều chỉnh quy mô dự án, tập đoàn của ông Lê Phước Vũ sẽ vẫn được hưởng ưu đãi đó. Đây sẽ là một lợi thế cạnh tranh khá lớn của Hoa Sen trên thị trường. Tất nhiên, nếu Hoa Sen đợi UBND tỉnh Quảng Ngãi hủy giấy chứng nhận đầu tư của E-United và tiếp nhận dự án đầu tư theo một dự án đầu tư mới, những ưu đãi đó sẽ không còn.

Hoa Sen có đủ lực “hồi sinh” dự án

Một câu hỏi đặt ra là Hoa Sen có đủ lực để hồi sinh dự án? Ngay cả JFE Steel, với năng lực tài chính, công nghệ cũng như thị trường được xếp vào nhóm 10 tập đoàn thép của thế giới cũng đã phải từ bỏ dự án này.

Xét về năng lực, Hoa Sen cũng là một trong những tập đoàn thép lớn trong nước, với 20 năm kinh nghiệm và một thị trường xuất khẩu tới 52 quốc gia trên khắp thế giới. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch của tập đoàn Hoa Sen, cũng nổi tiếng là người doanh nhân có tầm nhìn xa và chiến lược kinh doanh đúng đắn.

Hoa Sen hiện có 5 công ty thành viên và hai nhà máy sản xuất. Gần đây nhất, trung tuần tháng 6 vừa qua, Hoa Sen đã khởi công xây dựng nhà máy cán nguội với công suất 1 triệu tấn, vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng ở Nghệ An.
Theo báo cáo của Hoa Sen, doanh thu thuần của tập đoàn này từ tháng 10/2014 đến tháng 6/2015 đạt 13.521 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 484 tỷ đồng. Rõ ràng, tiềm lực tài chính và kinh nghiệm của Hoa Sen trên thị trường thép là không nhỏ. Nhưng dự án thép Guang Lian cũng sẽ là một thách thức, bởi quy mô dự án này vượt xa những dự án mà Hoa Sen đã và đang triển khai, tổng vốn đầu tư 3 tỷ USD và công suất 5 triệu tấn một năm.

Hơn nữa, một thách thức không nhỏ mà cả ngành công nghiệp thép trên thế giới đang phải đối mặt, đó là sự dư thừa công suất từ Trung Quốc dẫn đến sự dư thừa thép trên toàn cầu. Đó chính là lý do khiến JFE Steel phải từ bỏ Guang Lian để tham gia vào dự án thép Formosa Hà Tĩnh vốn sắp đi vào hoạt động. Câu trả lời sẽ nằm ở chính quyết định của Hoa Sen rằng tiếp tục tiếp quản lại dự án với quy mô không đổi hay giảm quy mô đầu tư.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp