Thứ Sáu | 25/07/2014 17:31

Hoa quả nhập khẩu mỗi nơi một giá, vì sao?

Trên thị trường còn nhiều sản phẩm chưa đạt chuẩn chất lượng trà trộn vào các sản phẩm trái cây nhập.
Các siêu thị và cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu tại thị trường Hà Nội ngày càng nở rộ. Thế nhưng có điều, loại hoa quả nhập khẩu và giá bán các loại hoa quả này ở mỗi một siêu thị và cửa hàng lại có giá bán chênh lệch nhau từ vài chục ngàn đồng tới vài trăm ngàn đồng mỗi cân.

Theo khảo sát của phóng viên, tại siêu thị Big C Thăng Long hoa quả nhập khẩu đang có giá rẻ bất ngờ so với siêu thị khác và cả những cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu.

Nơi bán quá rẻ… nơi bán khá cao

Cụ thể, tại Big C Thăng Long, táo Fuji Mỹ có giá 74.900 đồng/kg, táo Gala Mỹ 88.900 đồng/kg, táo Rose New Zealand 83.900 đồng/kg, táo Queen New Zealand 83.900 đồng/kg, cam Mỹ 75.900 đồng/kg, kiwi vàng New Zealand 175.900 đồng/kg…

Đặc biệt, hiện siêu thị này đang có giảm giá đối với táo Envy loại 1 chỉ 94.900 đồng/kg (siêu thị giới thiệu giá thường 125.900 đồng/kg), táo Jazz New Zealand 60.000 đồng/kg (siêu thị giới thiệu giá thường 79.900 đồng/kg), táo Mỹ đỏ 60.900 đồng/kg (siêu thị giới thiệu giá thường 68.900 đồng/kg)…

Trong khi đó, siêu thị Lotte Mart (229 Tây Sơn, Hà Nội) hoa quả nhập khẩu nhiều loại có giá tương đương hoặc có loại giá bán cao hơn siêu thị Big C.

Cụ thể: táo fuji Mỹ có giá 89.000 đồng/kg, táo Gala Mỹ 88.500 đồng/kg, táo Ambrosia 109.000 đồng/kg, táo Queen New Zealand 98.500 đồng/kg, cam Mỹ 64.500 đồng/kg, kiwi vàng New Zealand 147.000 đồng/kg, táo Jazz New Zealand 79.000 đồng/kg, táo Envy (loại 1) 185.000 đồng/kg, nho đen không hạt Úc 185.000 đồng/kg, nho đỏ không hạt Úc 129.000 đồng/kg…

Thế nhưng, ở hệ thống cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu có tiếng ở Hà Nội như Klever Fruits thì giá cả các loại hoa quả lại cao hơn hẳn giá bán ở các siêu thị nêu trên. Cảm quan, hình dáng và màu sắc cũng có nhiều khác biệt.

Cụ thể: táo Envy (loại 1) 299.000 đồng/kg, cam vàng Mỹ 159.000 đồng/kg, táo Ambrosia Canada (loại 1) có giá 189.000 đồng/kg, nho tiêu Mỹ (loại 1) 499.000 đồng/loại, nho đen không hạt Úc 299.000 đồng/kg, táo đỏ Mỹ 99.000 đồng/kg, kiwi vàng (loại 1) New Zealand có giá 299.000 đồng/kg.

Từ những đơn giá được các siêu thị và cửa hàng nêu trên cho thấy, giá hoa quả nhập khẩu mỗi nơi đang có một giá.

Đơn cử, táo Envy (loại 1) có giá chênh lệch nhau rất nhiều, rẻ nhất là siêu thị Big C giá khuyến mãi chỉ 94.900 đồng/kg, siêu thị Lotte Mart là 185.000 đồng/kg, còn cửa hàng chuyên bán hoa quả nhập khẩu Klever Fruits có giá 299.000 đồng/kg. Nghĩa là, có sự chênh lệch đắt rẻ từ 60.000 - 204.000 đồng mỗi kg.

Hoặc, loại cam vàng Mỹ cũng có giá khác nhau tại siêu thị và cửa hàng, chênh lệch khoảng 80.000 đồng mỗi kg. Kiwi vàng cũng chênh lệch nhau tới hơn 100.000 đồng mỗi kg. Các loại hoa quả khác cũng chênh nhau vài chục ngàn mỗi kg.

Đi tìm sự thật

Vừa qua, ông Daniel Sauvaitre, Chủ tịch Hiệp hội quốc gia Táo cộng hòa Pháp đã có buổi làm việc tại Hà Nội. Ông cùng với đoàn của Chính phủ Pháp đến Việt Nam lần này nhằm tìm hiểu thêm về thị trường trái cây tươi của Việt Nam và các bước cần thiết để Chính phủ Pháp và Hiệp hội Táo chuẩn bị các thủ tục để tiến hành quá trình đàm phán.

Qua khảo sát thị trường, kể cả chợ đầu mối Long Biên, ông Sauvaitre cho biết tại đây có nhiều các giống táo trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam như táo gala, táo đỏ red delicious, táo xanh, táo ambrosia, táo envy. Tuy nhiên, khảo sát tại chợ đầu mối Long Biên, ông vẫn còn thấy khá nhiều loại táo có chất lượng rất thấp so với tiêu chuẩn châu Âu, còn nhiều sản phẩm chưa đạt chuẩn chất lượng trà trộn vào các sản phẩm trái cây nhập.

Thông tin về các loại hoa quả được phép nhập khẩu vào Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và Đầu tư Kleve, công ty sở hữu chuỗi cửa hàng trái cây nhập khẩu cao cấp Klever Fruits cũng cho hay, hiện tại có tất cả 14 quốc gia đang có giấy phép xuất khẩu trái cây tươi vào Việt Nam theo các quy định về kiểm dịch thực vật của Chính phủ. Các nước này bao gồm: Ấn Độ (1 loại), Argentina (4 loại), Canada (2 loại), Chile (4 loại), Hàn Quốc (3 loại), Hoa Kỳ (4 loại), Mexico (1 loại), Nam Phi (3 loại), New Zealand (8 loại), Peru (4 loại), Philippines (1 loại), Thái Lan (24 loại), Trung Quốc (4 loại), Úc (38 loại).

Chấp nhận chi thêm tiền để mong muốn mua được hoa quả nhập ngoại chất lượng, an toàn, song người tiêu dùng cũng có nhiều băn khoăn, vì sao giá bán trái cây nhập lại có chênh lệch lớn như vậy? Băn khoăn này không có gì lạ bởi hiện tượng “phù phép” trái cây, ghi sai nguồn gốc để bán với giá cao không phải hiếm.

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Sự kiện