Hòa Phát: Không chỉ có thép
Không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) trên sàn HOSE luôn nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Tập đoàn đã chứng minh sức bền của doanh nghiệp với việc có mặt 5 năm liền trong bảng xếp hạng 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam (Top 50), một sự kiện thường niên do NCĐT tổ chức. Theo đó, tăng trưởng doanh thu kép trung bình, ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) và stock return (tỉ suất lợi nhuận cho nhà đầu tư) lần lượt là 14%, 21,8% và 97,8% (trung bình giai đoạn 2011-2015).
Mới đây, Công ty Chứng khoán BSC có khuyến nghị mua trung và dài hạn cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 43.500 đồng, cao hơn giá hiện tại (38.800 đồng/cổ phiếu). Những yếu tố nào đã tạo sức bật cho HPG?
Lợi thế chu trình khép kín
Mảng sản xuất kinh doanh cốt lõi của HPG là thép (gồm thép xây dựng và ống thép) gần đây gặp phải không ít áp lực cạnh tranh bởi thép giá rẻ của thép Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ khả năng quản trị sản xuất tốt với sản lượng lớn, sức khỏe tài chính lành mạnh, hệ thống phân phối ngày càng được củng cố và mở rộng, HPG đã luôn hoàn thành và vượt kế hoạch lợi nhuận hằng năm.
Với việc quản lý ngày càng kinh nghiệm, kiểm soát tốt chi phí sản xuất, biên lợi nhuận của HPG đã được cải thiện. Theo thống kê của Dragon Capital, vào ngày 17.6.2016, HPG là 1 trong 10 công ty có mức vốn hóa cao nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. HPG cũng là 1 trong 2 công ty vốn hóa lớn có ROE cao nhất và được cải thiện liên tục trong những năm gần đây (công ty còn lại là Vinamilk).
Hiện tại, HPG có hơn 10.000 cổ đông và tỉ lệ sở hữu cổ phiếu của cổ đông nước ngoài trên 36%. Theo số liệu của Báo Đầu tư Chứng khoán số ra từ ngày 1.6 đến 22.6, HPG luôn là cổ phiếu đứng đầu về giá trị giao dịch trên thị trường và thường xuyên nằm trong Top 5 cổ phiếu thanh khoản cao nhất và được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất, Top 10 công ty có giá trị niêm yết lớn nhất.
Nhờ vào công nghệ lò cao BOF và quy trình khép kín, HPG đã tạo ra sản phẩm với giá thành thấp hơn so với các công ty khác sử dụng công nghệ EAF khoảng 5-15%. Nguyên liệu than cốc cũng được HPG tự sản xuất, giúp giảm giá thành. Ngoài ra, nhiệt lượng trong quá trình sản xuất than cốc cũng được HPG sử dụng để sản xuất điện. Ước tính đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu của khu liên hợp với giá chỉ bằng một nửa giá bán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Với chu trình khép kín, biên lợi nhuận gộp của HPG cao hơn nhiều doanh nghiệp thép khác trong ngành.
Cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản và đầu tư cơ sở hạ tầng, sản lượng thép xây dựng HPG tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2015, sản lượng thép xây dựng bán ra của Tập đoàn đạt trên 1,2 triệu tấn. Dự kiến trong năm 2016 con số này sẽ đạt trên 1,6 triệu tấn. HPG ngày càng khẳng định được lợi thế cạnh tranh vượt trội bằng cách gia tăng thị phần và hiệu quả kinh doanh.
Không chỉ có thép
Ngoài mảng kinh doanh chính là thép, những mảng kinh doanh khác của HPG cũng tăng trưởng khá ấn tượng. Đặc biệt là mảng nội thất khi năm 2015 tăng đến 39%. Năm 2016, với tình hình nhiều dự án bất động sản hoàn thành, mảng nội thất được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khả quan: chỉ riêng quý I, mảng nội thất có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 70% so với cùng kỳ. Trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế, mảng thép đóng góp chính với 78% tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2016.
Nhiều người lo ngại HPG chưa có kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, HPG có thể tận dụng thế mạnh lâu nay trong lĩnh vực mới: tổ chức sản xuất tốt, quy mô lớn để tăng hiệu quả, giảm giá thành sản phẩm và sau đó là hệ thống phân phối, bán hàng mạnh. Năm 2001, khi HPG bắt đầu làm thép xây dựng, không ai nghĩ Tập đoàn có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp FDI tên tuổi trong ngành thép, vốn đòi hỏi tiềm lực tài chính và công nghệ. Tuy nhiên, chỉ sau 10 năm, Tập đoàn đã trở thành doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam.
Đại diện của Hòa Phát nhận giải thưởng 10 công ty liên tục nằm trong Top 50 doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất - Ảnh: Hữu Hậu |
Hơn nữa so với việc đầu tư thép trước đây, mảng nông nghiệp hiện nay của HPG có nhiều thuận lợi hơn về vốn, kinh nghiệm phát triển kênh phân phối và đặc biệt là thương hiệu Hòa Phát. Theo Tổng Giám đốc Trần Tuấn Dương, lợi thế của người đi sau như HPG là học tập được kinh nghiệm của người đi trước, định hướng triển khai mô hình khép kín 3F (từ trang trại đến bàn ăn) ngay giai đoạn đầu làm nông nghiệp. Quý II/2016, sản phẩm thức ăn chăn nuôi của HPG đã chính thức ra mắt thị trường theo đúng kế hoạch.
Theo nhận định của Dragon Capital, ngoài tin tưởng vào sự tăng trưởng của HPG, Quỹ còn đánh giá Hòa Phát là một trong những công ty chuyên nghiệp, minh bạch, được nhà đầu tư, đối tác và thị trường đánh giá cao. “Với các bước đi thận trọng, bài bản và mục tiêu rõ ràng, cùng với tiềm lực mạnh mẽ, chúng tôi tin HPG sẽ sớm thành công trong lĩnh vực nông nghiệp”, Dragon Capital nhận xét.
Gia Khang