Hồ Điệp Thứ Ba | 30/10/2018 06:30

Hòa Phát gặp thời

Hòa Phát liên tục đạt kỷ lục về sản lượng cho thấy tiềm lực của nhà sản xuất thép.

Tháng 9.2018, tin từ Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cho biết doanh nghiệp này đạt sản lượng 220.998 tấn, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, lượng thép xuất khẩu đạt 26.000  tấn, cao gấp 2,6 lần so với tháng 9.2017. Câu hỏi khiến thị trường băn khoăn là vì đâu sản lượng Hòa Phát tăng mạnh, và lượng thép này được ai tiêu thụ?

Top 50 rất gần

Trong vòng 10 tháng ngắn ngủi, Hòa Phát vượt mốc kỷ lục 220.000 tấn/tháng 2 lần; lũy kế 9 tháng bán ra thị trường đạt hơn 1,7 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong báo cáo thường niên 2017, Hòa Phát tự tin khẳng định: “Top 50 công ty sản xuất thép lớn nhất thế giới đã rất gần tầm tay Hòa Phát”.

Hoa Phat gap thoi
 

Tin vui của Hòa Phát rơi vào thời điểm từ đầu tháng 8 đến nay, ngành thép Việt Nam đã liên tiếp phải đối mặt với gần 10 vụ kiện phòng vệ thương mại. Mặc dù từ trước đến nay, thép vẫn luôn là ngành bị khởi kiện nhiều nhất nhưng với tốc độ tăng mạnh như hiện nay (8 vụ/tháng, 7 thị trường khởi kiện), các doanh nghiệp sản xuất thép đều không tránh khỏi sự lo lắng. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, các vụ điều tra này sẽ ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu mặt hàng thép của Việt Nam, có thể làm giảm khối lượng xuất khẩu của mặt hàng này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, sự tự tin của Hòa Phát là có cơ sở khi nhiều chuyên gia cho rằng Hòa Phát hiện hội tụ đủ yếu tố về thời cơ, vị thế qua nhiều năm kinh doanh. Cụ thể hơn, Hòa Phát đang giảm nhẹ áp lực cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài, từ tháng 3.2016, Chính phủ chính thức áp thuế chống bán phá giá lên thép nhập khẩu. Thị trường xuất khẩu của thép Hòa Phát khá đa dạng với các thị trường chính gồm Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Hàn Quốc, New Zealand, các nước ASEAN. Trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới tăng cường áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại, thép xây dựng Hòa Phát vẫn duy trì đà tăng trưởng sản lượng xuất khẩu tốt. Về xuất khẩu, Công ty đã xuất tổng cộng 145.000 tấn, tăng 14% so với 9 tháng năm 2017.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, ít có doanh nghiệp nào có thể so sánh với “đại gia” ngành thép như Hòa Phát. Tính đến tháng 8.2018, thị phần sản phẩm ống thép của Hòa Phát là lớn nhất với 27%, xếp sau là Hoa Sen (17,6% năm 2017), số thị phần còn lại chia đều cho các doanh nghiệp khác.

Tăng trưởng toàn ngành thép năm 2018 dự báo sẽ đạt tốc độ khả quan từ 20-22%, trong đó cao nhất là thép xây dựng (10%), tôn mạ và sơn phủ màu (12%). Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), việc Chính phủ đưa ra mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% và nhiều dự án hạ tầng, xây dựng, bất động sản được triển khai trong năm nay sẽ giúp nhu cầu sắt thép tiếp tục tăng.

Không ngại Formosa

Hòa Phát đang ở vị thế thuận lợi khi nắm trong tay hàng loạt lợi thế so với các đối thủ trong nước. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, Hòa Phát đang ở vị thế tốt để tận dụng chu kỳ đi lên của ngành xây dựng, nhờ các yếu tố như: 1) chi phí sản xuất 1 đơn vị phôi thép của Hòa Phát tiết kiệm chi phí khoảng 20% so với doanh nghiệp cùng ngành khi sử dụng công nghệ lò hồ quang (EAF) và hấp dẫn hơn khoảng 10% so với phôi thép nhập khẩu (giả định thuế chống bán phá giá neo ở mức 19,3%); 2) Công ty có nền tảng tài chính vững vàng để sẵn sàng cho việc mở rộng dây chuyền sản xuất mà không phải chịu áp lực cao về lãi vay.

Hoa Phat gap thoi
 

Hội tụ đủ thiên thời, địa lợi và sở hữu những cụm nhà máy công suất lớn như khu liên hợp gang thép tại Kinh Môn - Hải Dương (công suất 1,7 triệu tấn/năm), việc Hòa Phát tăng cường sản lượng mạnh mẽ cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, Hòa Phát cũng không ngần ngại thể hiện tham vọng với dự án Dung Quất, tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD. Dự án Dung Quất là khu liên hợp bao gồm lò cao luyện thép, nhà máy điện, nhà máy nước và cảng nước sâu - một vòng sản xuất khép kín hoàn toàn. Nếu dự án này hoàn thành đúng thời điểm vào năm 2019, Hòa Phát sẽ trở thành doanh nghiệp thứ 2 có năng lực sản xuất thép cán nóng sau Formosa.

Thậm chí, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hòa Phát, cho biết, tỉ suất đầu tư của Hòa Phát rất thấp, chưa bằng 1/3 so với Formosa tính trên mỗi tấn sản phẩm. Vì thế, Hòa Phát chẳng lo không cạnh tranh được với Formosa.

Theo Tạp chí Metal Bulletin, các nhà máy cán thép Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn đến tiêu thụ HRC nội địa thay vì hàng nhập khẩu để tránh bị chính quyền Mỹ đưa vào danh sách bị áp thuế chống bán phá giá. Theo nhiều nguồn tin, lượng thép bán ra của Hòa Phát vào tháng 9.2018 tại khu vực miền Nam đạt gần 30.000 tấn, cao nhất từ đầu năm đến nay, trong khi khu vực miền Trung có mức tăng trưởng 30%. Lũy kế 9 tháng vừa qua, Hòa Phát đã bán hơn 340.000 tấn thép xây dựng tại khu vực miền Trung và miền Nam, chiếm hơn 20% tổng khối lượng thép bán ra thị trường
Hồ Điệp