Sự tích cực của doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát mang lại nhiều lạc quan cho ngành sản xuất thép sau chu kỳ thoái trào. Ảnh: TL.
Hòa Phát đã qua cơn bĩ cực?
Mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo của nhiều công ty sản xuất thép nhận định rằng “cơn bĩ cực đã qua với các doanh nghiệp ngành thép”. Đối với Hòa Phát, sau năm lỗ kỷ lục, báo cáo thường niên của Công ty có đánh giá: “Ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục”. Công ty còn thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm nay là 150.000 tỉ đồng doanh thu, 8.000 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hòa Phát, khẳng định giai đoạn khó khăn, khốc liệt nhất của ngành thép đã qua. “Từ nay trở đi, Hòa Phát sẽ chuyển rất mạnh sang sản xuất thép chất lượng cao, nhường sân chơi thép cơ bản như thép xây dựng cho doanh nghiệp khác vì Công ty sẽ đầu tư chiều sâu để sản xuất thép chế tạo, cho ngành đóng tàu, ô tô, ốc vít, dự lực. Tăng cường đầu tư và xuất khẩu các mặt hàng thép chất lượng cao như vậy”, ông nói.
Sự tích cực của doanh nghiệp đầu ngành như Hòa Phát mang lại nhiều lạc quan cho ngành sản xuất thép sau chu kỳ thoái trào. Thực tế, sau quý I/2023, tình hình kinh doanh của ngành thép đã khả quan hơn sau thời gian dài suy giảm liên tiếp. Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp thép trên sàn chứng khoán ước đạt khoảng 500 tỉ đồng, so với mức âm 4.700 tỉ đồng quý trước.
Dù các tên tuổi lớn trên thị trường như Hòa Phát, Hoa Sen đưa ra những công bố tích cực nhưng nhiều lo ngại vẫn xuất hiện. Đó là mặc dù lợi nhuận cải thiện nhưng nhu cầu tiêu thụ vẫn ảm đạm. Vấn đề này xuất hiện trong bối cảnh thị trường bất động sản Trung Quốc chưa hồi phục, nhu cầu xây dựng vẫn rất yếu, tác động xấu tới giá thép trong năm 2023. Nhu cầu tại các thị trường như EU, Mỹ cũng được đánh giá kém tích cực khi mặt bằng lãi suất duy trì ở mức cao. Trong nước, nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm thép tại Việt Nam tiếp tục đà giảm.
Nhu cầu thấp liên tục tạo áp lực khiến giá thép bắt đầu giảm mạnh từ đầu tháng 4 đến nay. Xu hướng này nếu tiếp diễn sẽ khiến áp lực dự phòng tăng trở lại đối với các doanh nghiệp thép trong thời gian tới dù mức độ có thể không lớn như giai đoạn tồn kho cao kỷ lục giữa năm ngoái. Trong bối cảnh này, cổ phiếu HSG của Tập đoàn Hoa Sen bị cắt margin trên HOSE với lý do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ trên báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng niên độ tài chính 2022-2023 là số âm.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, giá thép xây dựng trong nước liên tục giảm trong thời gian gần đây là do nhu cầu yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước cũng giảm mạnh khiến doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy nhanh hàng tồn kho. Xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới.
Vì vậy, một số doanh nghiệp vừa có lãi trở lại trong quý I/2023 do hoàn nhập dự phòng nhờ giá thép hồi phục, nhưng nay tiếp tục đối mặt với nhu cầu suy yếu và giá thép quay đầu giảm. Số liệu của VSA cho thấy, trong quý I/2023, sản xuất thép thành phẩm giảm 20,9%, còn 6,692 triệu tấn; bán hàng thép thành phẩm giảm 25,4%, còn 6,068 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép giảm 8,9%, đạt 1,659 triệu tấn. Như vậy, số liệu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu của doanh nghiệp thép vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục.
VNDirect trong báo cáo gần đây cho rằng nhu cầu ảm đạm kéo dài của lĩnh vực xây dựng dân dụng nội địa sẽ tác động đáng kể đến nhu cầu vật liệu xây dựng, dự báo tổng nhu cầu thép trong nước vẫn sẽ tăng trưởng âm một con số vào năm 2023.
Nhiều doanh nghiệp ngành thép cũng đặt nhiều kỳ vọng vào việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong năm 2023, qua đó tăng trưởng nhu cầu sắt thép phục vụ xây dựng. Tuy nhiên, nhóm ngành thép hiện chỉ ghi nhận Hòa Phát kinh doanh và có thị phần lớn ở mảng thép xây dựng trong khi các doanh nghiệp còn lại chủ yếu hoạt động trong mảng tôn mạ.
Ngay cả khi như vậy, kỳ vọng của Hòa Phát về cú hích đầu tư công sẽ không được như tính toán. Công ty Chứng khoán VCBS trong báo cáo mới cập nhật cho rằng tỉ trọng tiêu thụ thép trong đầu tư công là không đáng kể, chỉ 10-15% và hiện nay tốc độ giải ngân vốn đầu tư công còn khá chậm. Do đó, kỳ vọng về tăng trưởng tiêu thụ sẽ tiếp tục tiêu cực trong năm nay.
Bên cạnh đó, triển vọng kinh doanh ngành thép những tháng còn lại của năm 2023 được cho sẽ không hoàn toàn dễ dàng sau thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân. Việc giá điện tăng sẽ gây áp lực không nhỏ tới các doanh nghiệp sản xuất thép khi đây là lĩnh vực công nghiệp nặng, sử dụng điện nhiều trong sản xuất. Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, với giả định chi phí điện tăng thêm và doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng, ước tính chi phí điện tăng 3% có thể khiến tổng lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm tới 15%.
Trên cơ sở này, các chuyên gia phân tích của VNDirect cho rằng lợi nhuận ròng của Hòa Phát vẫn sẽ ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023, trước khi tăng trưởng tích cực trở lại từ quý III nhờ (1) sản lượng tiêu thụ thép tăng trở lại từ mức thấp của nửa cuối năm 2022; (2) biên lợi nhuận gộp được cải thiện khi giá nguyên liệu đầu vào giảm và dự phóng giảm giá hàng tồn kho thấp hơn; (3) cải thiện lỗ ròng chi phí tài chính khi lỗ tỉ giá giảm mạnh. Do đó, lợi nhuận ròng năm 2023-2024 sẽ tăng trưởng lần lượt 22,2-41,9% so với cùng kỳ lên 10.366-14.711 tỉ đồng.
Có thể bạn quan tâm: