Nhà máy Hòa Phát miền Trung
Hòa Phát có thể vượt chỉ tiêu kinh doanh năm 2019
Tiếp tục đầu tư mới
Theo số liệu từ Tập đoàn Hòa Phát, thị phần sản phẩm ống thép của tập đoàn này đã tăng lên 27,06%, trong khi cùng kỳ năm trước ở mức 26,42%. Tại thị trường trong nước, khu vực miền Trung ghi nhận mức tiêu thụ tăng cao nhất với trên 15%.
Thị trường xuất khẩu của ống thép Hòa Phát bao gồm Mỹ, Canada, các nước ASEAN với các dòng sản phẩm như ống thép mạ nhúng nóng, ống thép tôn mạ kẽm, ống thép đen hàn.
Sản lượng tiêu thụ tăng và kỳ vọng mở rộng thị phần sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh của Hòa Phát trong bối cảnh giá thép dự kiến giảm 8% trong năm 2019.
Cũng trong quý III/2018, Công ty Ống thép Hòa Phát đã quyết định đầu tư xây dựng, lắp đặt dây chuyền sản xuất ống thép cỡ đại tại nhà máy ở Hưng Yên, bao gồm 1 máy xả băng 1800x12mm, 1 máy uốn ống kích cỡ lên đến 325mm (ống vuông lên đến 250mm), độ dày lên tới 12mm, máy thử áp lực, máy nạo đường hàn trong, máy vét đầu ống, máy đóng bó tự động… Dây chuyền này dự kiến chính thức cho ra sản phẩm mới vào đầu năm 2019.
Trong đó, dự án Dung Quất triển khai đúng tiến độ nhà máy cán số 1 đã đưa vào hoạt động, gần đạt công suất định mức; lò cao số 1 dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào giai đoạn cuối quý I, đầu quý II/2019. Dự kiến sang năm 2020, HPG sẽ cho ra thị trường sản phẩm HRC đầu tiên.
Công ty dự kiến sẽ hoàn tất đầu tư 28.000 trên 40.000 tỉ đồng đầu tư dự án Dung Quất trong năm 2018. Toàn bộ 20.000 tỉ từ vốn chủ sở hữu đã được đầu tư, 20.000 tỉ còn lại từ nguồn vốn vay, HPG đã ký 2 hợp đồng Vietinbank và Vietcombank với lãi suất rất cạnh tranh để đầu tư cho dự án.
Mặt khác, HPG sẽ hoàn thành dự án tôn mạ với 100% trong quý IV/2018. Các sản phẩm tôn mạ của HPG đã được doanh nghiệp phân phối ra thị trường trong nửa cuối năm 2018, với chiến lược thăm dò thị trường miền Bắc, sau đó sẽ phát triển ra thị trường phía Nam và xuất khẩu.
Biên lợi nhuận ổn định
Sản lượng tiêu thụ 2018 dự kiến tăng 11%. Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng dự kiến năm 2018 khoảng 2,3 triệu tấn. Giá bán thép trong 3 quý đầu năm 2018 đã tăng khoảng 20% so với năm 2017, đạt mức trên 13,5 triệu đồng/tấn trong khi giá quặng sắt vẫn giữ ở mức ổn định (65-70 USD/tấn), giúp cho HPG mặc dù phải tiến hành bảo trì lò cao nhưng vẫn duy trì được mức biên lợi nhuận tốt.
Tuy nhiên, giá bán dự kiến giảm từ cuối năm 2018. Lo ngại sụt giảm nhu cầu thép tại thị trường Trung Quốc khi kinh tế nước này tăng trưởng chậm do chiến tranh thương mại đã gây áp lực tương đối lên giá thép thế giới và Trung Quốc. Giá thép của HPG cũng bị ảnh hưởng, trong khoảng 3 tháng gần đây đã giảm 600.000 đồng/tấn, tương đương 4%.
BSC dự kiến, áp lực này vẫn sẽ duy trì trong năm 2019 cùng với đó là mục tiêu để có thể tiêu thụ hết toàn bộ sản phẩm từ dự án Dung Quất giai đoạn 1 cũng có thể ảnh hưởng đến giá bán của HPG trong năm 2019. BSC dự kiến giá thép của HPG sẽ giảm xuống mức khoảng 12 triệu đồng/tấn trong năm 2019, tương ứng với mức giảm khoảng 8% so với trung bình năm 2018.
BSC cũng đề cập đến tiềm năng từ thị trường xuất khẩu của HPG. Hiện tại các sản phẩm của HPG vẫn có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, bằng chứng là việc donah nghiệp vẫn có thể xuất khẩu sang Mỹ mặc dù bị đánh thuế lên đến 25%.
HPG đã mở văn phòng tại thị trường Campuchia, đây là thị trường khá tiềm năng, với sản lượng tiêu thụ khoảng 800.000 tấn/năm và đang tăng trưởng mạnh. Hiện tại, sản lượng tiêu thụ của HPG tại thị trường này đã có tháng đạt mức 20.000 tấn.
Năm 2019 với giả định giá bán giảm 8%, tổng sản lượng tiêu thụ dự kiến tăng thêm khoảng 1,5 -1,7 triệu tấn, tăng 70% lên mức 4 triệu tấn, nâng thị phần dự kiến từ 23% lên 35%, BSC dự kiến doanh thu của HPG đạt 73.000 tỉ đồng, lãi ròng đạt mức 10.030 tỉ đồng.