Ảnh: Vnexpress.net

 
Tú Cẩm Thứ Ba | 18/08/2020 11:00

Hoa lan mộng tỉ đô

Học Thái Lan để xây dựng ngành công nghiệp hoa lan trị giá hàng tỉ đô.

Thời gian qua, cơn sốt hoa lan đột biến gen tại nhiều tỉnh thành Việt Nam đã gây xôn xao giới kinh doanh hoa cảnh. Cơn sốt rồi sẽ lắng dịu, song không thể phủ nhận giá trị kinh tế mà hoa lan mang lại đang ngày càng lớn. Ngành kinh doanh hoa lan tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng nhưng chưa phát triển đúng hướng. Nhìn sang các nước xung quanh có thể thấy Thái Lan, một nước có thổ nhưỡng khí hậu tương tự, xây dựng được công nghiệp hoa lan trị giá hàng tỉ đô.

Vẫn phải nhập siêu hoa lan

Tại TP.HCM, diện tích sản xuất hoa lan ngày càng tăng qua các năm. Năm 2010, diện tích sản xuất chỉ đạt 190 ha, đến hết năm 2018 diện tích trồng lan đã lên tới 375 ha. Cùng với sự gia tăng về diện tích, quy mô cung ứng hoa lan của TP.HCM cũng tăng từ mức 84,5 triệu cành năm 2010 lên 134,5 triệu cành vào năm 2018, gấp 1,6 lần. Từ các nguồn cung ra thị trường, hoa lan được bán cho các cửa hàng (19,5%), chợ đầu mối (45%), các tỉnh (30,5%) và xuất khẩu (5%). Đặc biệt trong năm 2018, TP.HCM đã xuất khẩu được 180.000 cành hoa lan Mokara sang thị trường Campuchia, tăng trên 45% so với năm 2017.

 

Theo đại diện Công ty Hoa lan Hoàng Hà, xu hướng tiêu dùng hoa lan tăng lên đáng kể và dự đoán sẽ tăng mạnh trong thập niên tới. Trong giai đoạn 2013-2017, giá trị nhập khẩu hoa lan trong nước tăng từ 5,5 triệu USD năm 2014 lên gần 13 triệu USD năm 2018.

Trong đó, Thái Lan là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần như tuyệt đối 100%. Theo số liệu từ Trademap.org, giá trị xuất khẩu hoa lan toàn thế giới từ mức hơn 193 triệu USD năm 2016 đã lên đến hơn 217 triệu USD trong năm 2018. Trong đó, Thái Lan chiếm hơn 40%, Việt Nam chiếm chưa đến 2%. Xét về điều kiện thời tiết khí hậu, các tỉnh Nam bộ rất thuận lợi để trồng lan nhiệt đới. Hiện nay, người trồng lan có thu nhập cao gấp 4-5 lần so với người trồng các loại cây nông nghiệp khác, với lợi nhuận lên tới khoảng 800 triệu đồng/ha.

Ảnh:
Ảnh:dalat.info.vn

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là công tác nghiên cứu giống, lai tạo những loài lan đặc hữu, có bản quyền còn chậm, chưa được đầu tư đúng mức đã dẫn đến sự phụ thuộc rất lớn vào giống từ Thái Lan, là những giống rất xưa có giá trị không cao, thậm chí có nguy cơ thoái hóa do tích lũy mầm bệnh tiềm tàng.

Ngoài ra, do quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, tỉ lệ số hộ trồng hoa lan ở TP.HCM có diện tích dưới 1.000 m2 chiếm tới hơn 90% số hộ trồng. Dịch vụ đầu vào cho ngành trồng lan chưa được tổ chức đồng bộ và còn thiếu rất nhiều, từ lưới che, thiết bị nhà lưới đến vật tư, phân bón. Đặc biệt là kỹ thuật trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm lâu năm mà chưa có các nghiên cứu sâu.

Hoa lan chờ Chính sách

Nhìn sang Thái Lan, từ những năm 1970, nước này đã hình thành chiến lược quốc tế hóa thương hiệu hoa lan. Theo đó, Chính phủ Thái đặc biệt quan tâm phát triển trồng hoa lan, xây dựng tiêu chuẩn, luật bảo vệ cây giống, hỗ trợ nông dân và nhà làm vườn về giống, giá cả, quảng bá sản phẩm. Năm 2007, Thái Lan lập Hội đồng Hoa lan Quốc gia (NOB) với Chủ tịch là Bộ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác xã.

Tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM, cho biết: “Trước hết, khâu nghiên cứu, chọn lọc, lai tạo và nhân giống hoa lan của Thái Lan rất tốt. Họ có nhiều công ty tư nhân, viện nghiên cứu tham gia vào việc lai tạo các giống mới và hằng năm đưa ra hàng chục giống mới phù hợp với thị hiếu trong nước và thị trường xuất khẩu. Quy mô của những hộ trồng hoa lan tại Thái Lan rất lớn, các hộ thông thường có 1-3 ha, thậm chí 5 ha; còn các trang trại, vườn của doanh nghiệp có thể 10-15 ha. Như vậy, số lượng hoa lan mới đủ để trở thành một loại hàng hóa công nghiệp, đủ đáp ứng cho khách hàng”.

 

Nhiều người cho rằng để phát triển ngành lan, TP.HCM cần kêu gọi và hỗ trợ đầu tư mở rộng năng lực sản xuất giống cấy mô đồng bộ về số lượng và chất lượng giống, giảm dần tỉ trọng nhập khẩu giống từ nước ngoài. Đồng thời, xúc tiến liên kết với các doanh nghiệp nhân giống từ nước ngoài nhằm giảm bớt áp lực chất lượng giống không đồng đều và giá giống phụ thuộc lớn vào biến động tiền tệ của nước xuất khẩu giống. Về lâu dài, cần tập trung đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học trong nghiên cứu, lai tạo giống.

Bên cạnh đó, cần sưu tập, thuần hóa và làm nguồn lai tạo các loài lan rừng đặc hữu của Việt Nam, tiến đến đăng ký bản quyền quốc tế các giống lan đã thuần hóa và lai tạo. Nhìn chung, khó khăn lớn nhất là Nhà nước chưa có chính sách phát triển ngành lan, chưa có văn bản nào để khuyến khích, chính sách thuế không rõ ràng. Mặt khác, sản xuất lan còn tản mạn, chưa tập trung vào các loài lan có giá trị kinh tế cao như Cattleya, Dendrobium, Oncidium...

 

Theo ông Trần Trường Sơn, Hội Nông dân TP.HCM, các nhà vườn nhỏ muốn cân bằng được cung - cầu nhằm ổn định giá phải liên kết chặt chẽ với nhau. Tại Nhật, Trung Quốc..., việc xúc tiến thị trường do các hiệp hội có chức năng thực hiện nhằm thúc đẩy sản xuất, đảm bảo đầu ra thị trường, Nhà nước chỉ có nhiệm vụ đưa ra các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ. Tại Việt Nam, các sở, ngành giữ vai trò xúc tiến mới dừng ở mức độ gửi thư mời thương nhân đến họp nên hiệu quả chưa cao.

Hiện tại, việc đưa lan vào siêu thị còn gặp khó khăn. Sự liên kết giữa nhà vườn với nhau, nhà vườn với các ngành khác như du lịch, xúc tiến thương mại tại sân bay còn yếu, nhiều nhà vườn còn bị thiếu thông tin trong kết nối tiêu thụ