Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC. Ảnh: TL.
Hòa Bình thắng kiện, buộc FLC phải thanh toán hàng trăm tỉ đồng
Cụ thể, Công ty Luật TNHH ALB &Partners đã tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ tranh chấp giữa Hoà Bình và FLC liên quan đến hai hợp đồng xây dựng công trình (Hợp đồng 57 và Hợp đồng 18).
Ngày 6.2.2020, đơn vị này đã chính thức nộp các đơn khởi kiện liên quan đến Hợp đồng 57 tại Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy, Hà Nội (Tòa án) và Hợp đồng 18 tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chi nhánh TP.HCM (VIAC).
ALB &Partners cũng chính là đơn vị đã thay mặt và đại diện Hòa Bình tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm tại Tòa án và phiên họp cuối cùng để giải quyết tranh chấp tại VIAC.
Đối với Hợp đồng 57, Tòa án đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình về việc buộc FLC thanh toán khoản nợ còn thiếu phát sinh từ Hợp đồng 57 là hơn 42 tỉ đồng. Đồng thời, Tòa án cũng bác toàn bộ yêu cầu phản tố của FLC với số tiền 2,29 tỉ đồng.
Hiện tranh chấp liên quan đến Hợp đồng 57 đang tiếp tục được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội theo đơn kháng cáo của FLC.
Hòa Bình chính thức thắng kiện. |
Đối với Hợp đồng 18, VIAC đã chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Hòa Bình, buộc FLC sẽ phải thanh toán cho Hòa Bình số tiền hơn 234,85 tỉ đồng.
Phán quyết có giá trị chung thẩm, ràng buộc các bên và có hiệu lực từ ngày 14.11.2020. Ngoài ra, trong trường hợp FLC không thực hiện thanh toán số tiền nêu trên quá 30 ngày kể từ ngày Phán quyết có hiệu lực, FLC còn phải thanh toán tiền lãi do chậm thanh toán với mức lãi suất 12%/năm (đối với nợ gốc hơn 163 tỉ đồng) và 10% đối với các số tiền còn lại.
Đặc biệt, ngày 9.3.2021 Tòa án Nhân dân TP.HCM đã chính thức không chấp nhận yêu cầu của FLC Group về việc hủy Phán quyết và quyết định Phán quyết tiếp tục có hiệu lực chung thẩm và bắt buộc thi hành kể từ ngày 14.11.2020.
Các khoản nợ quá hạn của Hòa Bình tại thời điểm 30.6.2020. |
Số liệu thể hiện trên báo cáo tài chính soát xét bán niên niên độ 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, tại thời điểm 30.6.2020, tổng số nợ quá hạn của FLC đối với Hòa Bình là hơn 174,5 tỉ đồng, với khoản trích lập dự phòng hơn 106 tỉ đồng.
Theo như truyền thông đưa tin, FLC cho biết có nhiều nội dung, tài liệu và chứng cứ do đơn vị này đệ trình đã không được xem xét một cách đầy đủ, toàn diện, khách quan và công bằng. Cụ thể, một số tài liệu, chứng cứ do FLC cung cấp liên quan đến một số tài liệu đã bị bỏ qua trong phán quyết.
FLC cũng cho biết không đồng tình với phán quyết của VAIC và Tòa án Nhân dân TP.HCM. Ngày 8.3 vừa qua, FLC khởi kiện Hòa Bình về vấn đề vi phạm trong tiến độ, chất lượng xây dựng của doanh nghiệp này tại dự án FLC Sầm Sơn. FLC cũng cho rằng số tiền mà Hòa Bình đưa ra buộc FLC phải chấp nhận thanh toán là "vô căn cứ".
* Có thể bạn quan tâm
► Giải bài toán logistics tạo sức bật cho nông sản đồng bằng sông Cửu Long