Hồ tiêu lên sàn: Làm sao để thành công?
Theo anh Đồng Văn Chia, một nông dân trồng tiêu ở Đắk Lắk, trước đây, sau khi chăm sóc và thu hoạch, công việc của nông dân xem như hoàn tất, chỉ còn chờ thương lái đến tận vườn để thu mua. Do đó, anh rất hào hứng khi biết có mô hình mà nông dân chủ động chở hàng đến trung tâm kiểm định chất lượng và niêm yết giá, nếu có người mua đặt lệnh khớp giá thì xem như bán được lô hàng. Đây không phải là một viễn cảnh mà có thể sớm trở thành hiện thực nếu sàn giao dịch hồ tiêu được tổ chức theo như đề xuất của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA).
Sàn giao dịch hàng hóa không phải là một mô hình mới mà đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Mỗi sàn có thể giao dịch tích hợp nhiều loại hàng hóa khác nhau hoặc chỉ dành riêng cho một loại hàng hóa duy nhất. Sàn giao dịch Liffe tại Anh, Nybot của Mỹ hay sàn giao dịch hoa Aalsmeer tại Hà Lan là những cái tên nổi bật khi nhắc đến mô hình này.
Ở Việt Nam, từng có Sở Giao dịch Hàng hóa Triệu Phong, Sàn Giao dịch Hàng hóa Sài Gòn Thương Tín hay gần đây là Sở Giao dịch Cà phê và Hàng hóa Buôn Ma Thuột... Vì nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan, những mô hình này chưa đem lại hiệu quả. Mới đây, VPA vừa đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập một sàn giao dịch hồ tiêu cho Việt Nam để ngành hồ tiêu nội địa tiếp cận được những quy chuẩn quốc tế. Việt Nam đang là nước có ưu thế xuất khẩu, chiếm hơn 50% sản lượng tiêu thương mại thế giới.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất khẩu 69.324 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch 561,68 triệu USD, tăng 23,98% về lượng, 9,36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường nhập khẩu nhiều hồ tiêu nhất của Việt Nam là Mỹ, Đức, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả rập, Ấn Độ và Trung Quốc...
Lượng hồ tiêu xuất khẩu chiếm hơn 95% tổng sản lượng cả nước và đang trong thời kỳ được giá ở mức trung bình 8.000 USD/tấn tiêu đen, 11.550 USD/tấn tiêu trắng. Hạn hán và hiện tượng El Niño kéo dài đã gây ảnh hưởng nhiều đến các thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn như Ấn Độ, Indonesia. Trong khi đó, Việt Nam tuy có sụt giảm về sản lượng nhưng thời gian tới vẫn đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu nhờ 15.000 ha diện tích trồng tiêu mở rộng, nâng tổng diện tích trồng tiêu cả nước lên khoảng 100.000 ha, tương đương 168.000 tấn/năm.
Ở thị trường nội địa, giá tiêu từng biến động mạnh khi xuống đến mức 130.000-140.000 đồng/kg tiêu đen vào tháng 2-3, nay đã tăng lên lại 170.000-180.000 đồng/kg. Đây là một tín hiệu tốt khi nhiều mặt hàng nông sản rớt giá, còn giá hồ tiêu vẫn tăng. Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch VPA, tiêu là mặt hàng có thể bảo quản trong kho từ 2-3 năm nên nông dân biết cách giữ hàng chờ thời điểm được giá mới bán, điều chưa từng xảy ra ở các mặt hàng nông sản khác. Thế nhưng, tâm lý này khiến cho thị trường tiêu không ổn định. Đó cũng là một trong những lý do chính để VPA xây dựng ý tưởng thành lập sàn giao dịch hồ tiêu.
Tại hội nghị thường niên gần đây của Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC), ông Rajani Ranjan Rashmi, Phó Chánh Thư ký Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ, cho rằng, việc thành lập sàn giao dịch tại Việt Nam sẽ thúc đẩy tính minh bạch giá, giúp ổn định thị trường. Ấn Độ là nước đã xây dựng được sàn giao dịch hồ tiêu tại Cochin và sàn giao dịch hàng hóa tổng hợp tại Mumbai. Trong hội nghị của IPC, đại diện Ấn Độ khẳng định sẵn sàng hỗ trợ về kỹ thuật, quản trị và vốn để thành lập sàn giao dịch hồ tiêu Việt Nam để giúp cho giao dịch giữa 2 nước thuận lợi hơn. Tình hình khả quan đến mức có thông tin Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết biên bản ghi nhớ về thành lập sàn giao dịch hồ tiêu. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của NCĐT, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch VPA Việt Nam, cho biết, đề xuất này vẫn đang được các bộ ngành và VPA cân nhắc.
Theo bà Oanh, một sàn giao dịch hồ tiêu nói riêng, sàn giao dịch hàng hóa nói chung có 2 loại hình. Gồm sàn giao dịch giao ngay (spot market) và sàn giao dịch tương lai (future market). Được định hướng hoạt động 24/7 dựa trên hình thức “giá đấu giá”, sàn giao dịch hồ tiêu được kỳ vọng sẽ giúp cho người bán, người mua dễ dàng tham chiếu giá cả, nông dân chủ động tìm đầu ra chứ không phải phụ thuộc vào thương lái. Đồng thời cũng giảm thiểu được những rủi ro có thể gặp trong mua bán truyền thống như người bán hủy giao hàng, hàng hóa không đúng chất lượng và số lượng...
Dù có nhiều lợi ích nhưng nhìn lại kinh nghiệm của một số sàn giao dịch hàng hóa trong nước và quốc tế, còn nhiều vấn đề cần quan tâm. Trước hết, theo ý kiến của các chuyên gia, bộ, ngành cần làm việc để thống nhất hành lang pháp lý quy định về giao dịch, thanh toán, cơ chế hoạt động của sàn, không chỉ với giao dịch trong nước mà còn với những giao dịch quốc tế. Quy định về các thành viên quản lý và tham gia giao dịch trên sàn phải được chọn lọc và đánh giá để tránh những nhóm lợi ích, cạnh tranh không lành mạnh, không tạo ra các giấy phép con hoặc vi phạm những thỏa thuận quốc tế.
Bài học từ sàn giao dịch Sicom của Singapore, dù có vốn đầu tư lớn và lợi thế công nghệ nhưng lại thất bại cho thấy sàn giao dịch hàng hóa của các quốc gia chỉ thành công nếu được gắn bó với vùng nguyên liệu ngay tại đó. Thị trường hồ tiêu Việt Nam đáp ứng được nhu cầu này. Thế nhưng theo ghi nhận của NCĐT, chỉ có những nông dân, hộ gia đình hay doanh nghiệp có sản lượng hồ tiêu lớn mới mặn mà với ý tưởng giao dịch qua sàn. Còn những hộ có quy mô nhỏ lại không muốn thay đổi cách làm lâu nay. Mặt khác, về lâu dài, để đảm bảo được tính công bằng và sự phát triển bền vững của sàn giao dịch, cần loại trừ các nhóm lợi ích trong vai trò nhà đầu tư hoặc ban quản trị để tránh thao túng thị trường.
Lan Anh