Hình thành vùng tam giác phát triển cao su Việt Nam - Lào - Campuchia
Trên thực tế, trong vòng gần 10 năm lại đây, cây cao su đã thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững cho người dân Việt Nam ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa.
Cao su phát triển tới đâu kéo theo hạ tầng cơ sở được đầu tư xây dựng tới đó, góp phần mang lại diện mạo mới cho các vùng nông thôn nghèo Việt Nam. Bên cạnh việc phát triển cao su theo kiểu đại điền thì thời gian qua, các tỉnh hiện cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân nghèo có thể trồng cao su tiểu điền như hỗ trợ, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật…
Hiện tại Việt Nam rất có lợi thế trong việc trồng cao su, trong đó, 5 tỉnh của Việt Nam là: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước đã hình thành được các vùng chuyên canh cây cao su từ hàng chục năm qua.
Không chỉ thúc đẩy, mở rộng diện tích trông cây cao su ở trong nước, thời gian gần đây, Tập đoàn Cao su Việt Nam còn hợp tác phát triển cao su sang Lào, Campuchia. Đây là lợi thế và là hướng đi đúng. Bởi nếu thực hiện thành công mục đích này thì vùng tam giác phát triển cao su bao gồm 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia có thể phát triển được 1 triệu ha cao su và là vùng phát triển cao su lớn nhất thế giới.
Được biết, hiện nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn thứ 4 sau Thái Lan, Indonesia và Malaysia, vượt Ấn Độ vì sản lượng của quốc gia này phần lớn được tiêu thụ nội địa. Sự thay đổi tiềm năng này trong xếp hạng sản lượng cho thấy tầm quan trọng của Việt Nam như là một quốc gia sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên.
Nguồn SGGP