"Hiệu ứng tháng Giêng" và thị trường chứng khoán Việt Nam
Hiện tượng này được nhân viên một ngân hàng đầu tư phát hiện vào năm 1942, khi thực hiện các thống kê từ năm 1925. Và những thống kê này cho thấy, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ thường tăng mạnh hơn thị trường trong tháng 1 và đặc biệt là nửa đầu tháng 1.
Có nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải hiện tượng này, như nhà đầu tư muốn bán các cổ phiếu đang thua lỗ, để giảm tổng lợi nhuận thu được trong năm và tránh nộp thuế. Sau đó, cũng chính những nhà đầu tư này sẽ ngay lập tức mua lại trong các phiên đầu năm sau.
Một lý thuyết khác thì cho rằng, các khoản tiền thưởng cuối năm thường được nhà đầu tư rót vào tài khoản chứng khoán thay vì tiêu dùng hay gửi tiết kiêm. Điều này cũng làm tăng dòng tiền cho thị trường.
Tháng 1/2013, nhìn ra thị trường chứng khoán thế giới, chỉ số S&P 500 tăng 5%, Dow Jones tăng hơn 6%, Nikkei 225 của Nhật Bản tăng hơn 7%, Hang Seng tăng gần 5%.
Với chứng khoán Việt Nam, dù mất điểm trong phiên cuối tháng nhưng VN-Index vẫn tăng tới 16% trong tháng 1. Đây là năm thứ 3 liên tiếp thị trường tăng điểm trong tháng đầu năm (tăng 5,34% năm 2011 và 10,35% năm 2012).
Trong tháng 1 vừa qua, nửa đầu tháng chứng kiến đà tăng của các cổ phiếu penny, đặc biệt là nhóm bất động sản khi có thông tin về việc xử lý nợ xấu và giải cứu thị trường bất động sản. Những phiên cuối năm, thị trường do các cổ phiếu bluechips dẫn dắt sau khi có thông tin về việc nới room khối ngoại có thể thực hiện ngay trong quý I. Nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trong cả 22 phiên giao dịch tháng 1.
Tháng 2 tới, thị trường sẽ chỉ có 14 phiên giao dịch, do thị trường nghỉ Tết nguyên đán và tháng này có 28 ngày. Thống kê 12 năm trước cho thấy, thị trường chứng khoán có 7 năm tăng điểm trong tháng 2 và 5 năm giảm điểm.
Nguồn Khampha