La Quang Trí (*) Thứ Tư | 08/06/2022 14:00

"Hiệu ứng domino" do cước vận tải biển tăng

Khó khăn của ngành vận tải biển đang có những tác động tiêu cực tới nhiều ngành nghề...

Những ngày này nhiều người làm kinh doanh quốc tế ở các nước Mỹ, Canada, châu Âu ai cũng rối lên đi tìm các đầu mối vận chuyển mới. Bởi các đối tác vận chuyển đường biển lâu năm của họ đang và sẽ hẹn lần mà lịch xếp hàng vẫn cứ thay đồi theo hướng lùi dần dù hợp đồng đã chốt tiến độ giao hàng. Giá cước thì vẫn cứ nằm ở mức cao và vẫn đang trên đà tăng.

Chị Bình là doanh nhân chuyên sản xuất các hàng nội thất từ Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ. Chị liên tục tìm kiếm các công ty vận chuyển quốc tế mới để cố gắng đảm bảo tiến độ giao hàng cho các đối tác và khách hàng của công ty mình ở Mỹ. Chị bảo, giá cước đã tăng đến 3, 4 lần rồi nhưng vẫn chưa có doanh nghiệp vận chuyển nào có thể đáp ứng chính xác tiến độ giao hàng cho công ty chị như trước đây nữa. Hiện chị không dám đảm bảo tiến độ giao hàng cho đối tác bởi không thể tìm ra đối tác vận tải đảm bảo việc đó cho chị. 

Anh Dũng, một doanh nhân chuyên về ngành ăn uống ở Canada cũng có nhu cầu nhập nguyên vật liệu từ Việt Nam qua Canada nhưng hiện tại, tất cả các đại lý vận tải cho tuyến này đang chào giá khá cao. Giá đã tăng đến 4, 5 lần mà thời gian tàu đến ngày càng khó đoán.

Anh Giang sống ở Vancouver, Canada, một doanh nhân chuyên xuất khẩu các mặt hàng thực phẩm từ Việt Nam qua Canada và Mỹ cho rằng, 30 năm làm ngành này, đây là thời điểm doanh nghiệp thật sự đang gặp quá nhiều khó khăn, giá vận chuyển tăng đến hơn 5 lần. Cứ mỗi lần giá cước tăng, thật khó khăn khi phải đàm phán lại với các đối tác bởi hợp đồng thì ký dài hạn, mà các đối tác thì cũng phải lên kế hoạch sản xuất trong dài hạn. Nếu không thể đàm phán lại thì phải chịu bù lỗ rất lớn.

Ở các tuyến ngắn thì tỷ lệ tăng còn thấy kinh hoàng hơn nhiều. Một số tuyến từ Việt Nam đi tới các cảng Trung Quốc không có tàu trực tiếp thì giá từ vài trăm USD đã lên đến 4.000-5.000USD.

Tương tự như vậy, các tuyến vận tải hàng rời cũng liên tục lập kỷ lục trong rất nhiều năm. Giá cước hàng rời từ Thailand về Việt Nam tăng từ 7USD/tấn lên đến 16-17USD/tấn có thời điểm lên đến 24-26USD/tấn. Hàng than từ Indonesia về Việt Nam tăng từ mức giá khoảng 9USD/tấn đã lên đến 23-24USD/tấn có thời điểm tăng đến 27-28USD/tấn. 

Có những tuyến ngắn như từ Việt Nam đi Singapore cách đây 2 năm chỉ có giá 3.5-4.5USD/tấn thì hiện nay đang ở mức 13USD/tấn. Tuy nhiên, vẫn đang rất khó để có tàu sắp xếp vận tải cho các tuyến này. 

Ở hầu hết các tuyến khác cũng vậy. Giá cả đang ở mức gấp 3, 4 lần so với thời điểm khoảng hai năm về trước. Tất nhiên, cũng đã vượt qua rất xa rồi thời điểm giá cước cực thịnh nhưng năm 2007, 2008. Hiện nhu cầu vận tải đang cao hơn số lượng tàu cung cấp nên các hy vọng giá cước giảm nhiệt trong thời gian ngắn tới có lẽ là rất mong manh. 

Đối với các loại hàng rời, việc giá cước vận chuyển đôi khi cao hơn giá trị hàng hoá là bình thường, song đối với các loại hàng hoá đi bằng tàu container thì thời điểm này đã có nhiều chuyển biến, có rất nhiều tuyến vận tải mà giá trị tiền cước cao hơn giá trị hàng hoá chứa trong các container đang vận chuyển.

Đối với các loại hàng hoá vận chuyển bằng container do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trước đây làm cho thời gian thông quan kéo dài hơn, khâu kiểm dịch đối với tàu và thuyền viên cũng dài hơn làm cho tốc độ vòng quay container chậm lại gây nên tình trạng ùn ứ container ở một số thị trường có lượng tiêu thụ nhiều như Bắc Mỹ, châu Âu và cả Trung Quốc. Đặc biệt là việc Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero-covid của họ cũng làm cho tình trạng tàu, container phải nằm lại tại các cảng của họ kéo dài hơn. Việc vòng quay của tàu, của container chậm hơn cũng là nguyên nhân làm tăng thêm giá thành vận tải. 

Đối với vận tải hàng rời thì ngoài việc bị chậm vòng quay tàu như trên, thì ngành này còn đang thiếu hụt công suất vận tải khá lớn sau đại dịch bởi nhu cầu vận tải hàng hoá để đáp ứng cho các ngành năng lượng, xây dựng là rất lớn trong khi đó lượng tàu vận tải hiện có không thể tăng lên ngày một ngày hai được.

Hơn nữa, đóng góp vào với các nguyên nhân làm tăng giá khác thì tình trạng giá nhiên liệu vẫn cứ liên tục tăng như hiện tại thì hy vọng giảm giá vận tải biển nói chung là khá mong manh.

Không chỉ là giá cước, giá cả hàng hoá ở nhiều lĩnh vực cũng tăng theo rất đáng kể. Do đó, đời sống của người dân và doanh nghiệp có lẽ ngày càng căng thẳng hơn. Khi xuất khẩu đi các nước xa xôi như Châu Âu, Mỹ đang chậm bởi việc tăng cước, tăng giá nguyên vật liệu đầu vào cũng gây tình trạng khan hiếm hàng hoá trên thị trường.

Thị trường xe hơi ở các nước Mỹ, Canada hiện cũng đang khá căng thẳng khi rất nhiều đơn đặt hàng phải chờ đợi rất lâu. Có những loại xe vì sự khan hiếm nên đã đội giá gấp đôi. Thường phải chờ đợi đến 3-6 tháng, thậm chí nhiều nơi lâu hơn. Thị trường xe cũ cũng tăng dần đều những tháng gần đây, tỷ lệ tăng đến gấp đôi, gấp ba. Giá tiêu dùng cũng tăng rất nhiều bởi nguyên liệu tăng, nhiên liệu tăng, giá vận chuyển tăng. 

Cuộc xung đột của Nga và Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại thì tình trạng giá nhiên liệu vẫn cứ tăng cao là yếu tố then chốt làm ảnh hưởng đến tình trạng giá cước toàn cầu khó có có hội giảm. Như trên đã phân tích, kéo theo đó là hệ luỵ giá cả tất cả mọi thứ cần thiết cho đời sống đều buộc phải tăng theo. Nguy cơ lạm phát hay khủng hoảng kinh tế toàn cầu liệu có xảy ra?

(*): Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty SHIPOFFER PTE. LTD.