Hiệu quả cây cao su là cả chu kỳ 20-25 năm
- Diện tích cao su mới trồng hoặc đang kinh doanh bị đốn chặt chuyển đổi sang cây trồng khác, chủ yếu diễn ra ở Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Ngoài nguyên nhân giá mủ xuống thấp, giảm thu nhập đáng kể so với các năm trước, thì còn các nguyên nhân khác.
Trước đây khi giá mủ lên cao, người dân trồng caosu cả trên chân đất thấp, trũng không phù hợp, chăm bón kém hoặc trồng trên đất dốc, xấu, vườn cây sinh trưởng kém, nên nông dân tiến hành phá bỏ để trồng cây khác. Một số diện tích cao su khi có giá cao, nông dân tranh thủ trồng cao su xen trong vườn tiêu, càphê, chờ caosu lớn sẽ đốn bỏ cà phê, tiêu... Nay cà phê, tiêu đang được giá, cao su giá thấp nên đốn bỏ cây cao su để thông thoáng vườn.
Một số nơi khi giá mủ lên cao, nông dân thu hoạch khi cây chưa đến tuổi hoặc cạo mủ chưa đúng quy trình, dẫn đến cây cao su cho ít mủ, thậm chí không cho mủ... Theo đánh giá của các địa phương, diện tích cao su trồng trên đất không phù hợp hoặc chăm sóc, thu hoạch chưa đúng kỹ thuật như nêu trên là không nhỏ, trong bối cảnh giá mủ cao su vẫn thấp như hiện nay, thì sẽ có thêm nhiều diện tích cao su bị chặt phá chuyển đổi sang cây trồng khác.
Diễn biến và dự báo thị trường cao su thời gian tới như thế nào? Việc chặt bỏ cao su như vừa qua liệu có làm ảnh hưởng nguồn cung cao su và gây thiệt hại cho người trồng không, thưa ông?
- Thị trường cao su thiên nhiên vẫn có xu hướng tăng, nhất là trong bối cảnh nguồn dầu mỏ ngày càng giảm. Rubber Economist dự báo, sản lượng caosu tiêu thụ trong năm 2014 là 11,5 triệu tấn với mức tăng 1,7%; năm 2015 tiêu thụ sẽ tăng 4,1% và 2016 tăng 3,8%. Tuy nhiên, giá xuống thấp là do cung đang vượt quá cầu.
Theo Rubber Economist, thế giới thừa 652.000 tấn cao su trong năm 2014, chủ yếu do sản lượng mủ của Thái Lan tăng nhanh. Thị trường cao su thế giới sẽ tiếp tục dư thừa trong 2 năm tới. Tuy nhiên, mức chênh lệch sẽ thu hẹp lại khi nhu cầu tăng trưởng tốt hơn (năm 2015 thế giới sẽ thừa 483.000 tấn và 2016 là 316.000 tấn mủ cao su).
Kinh tế thế giới đang phục hồi, ngoài việc tiếp tục duy trì thị trường Trung Quốc, chúng ta đang mở rộng các thị trường mới và từng bước phát triển công nghiệp cao su trong nước. Vì vậy, cần tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân nắm bắt thông tin, bình tĩnh trước khó khăn trước mắt, vì cây cao su phải tính toán hiệu quả trong cả chu kỳ 20-25 năm, chứ không thể trong ngắn hạn.
Việc chặt cao su để trồng tiêu có giải quyết được vấn đề lợi nhuận cho người nông dân không? Việc ồ ạt chuyển đổi sang trồng tiêu có làm vỡ thị trường tiêu thụ hạt tiêu hiện nay không, thưa ông?
- Do giá tiêu liên tục tăng cao, trong khi giá cao su xuống thấp, nên nông dân ở một số địa phương chuyển đổi từ cao su hoặc cà phê, điều sang trồng hồ tiêu. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu trên thế giới là có giới hạn, hiện Việt Nam đã cung cấp khoảng 50% nhu cầu tiêu thế giới và đến thời điểm này, diện tích hồ tiêu cả nước đã vượt quá diện tích quy hoạch đến 2015 (50.000ha), nếu tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu, trong vài ba năm tới, sản lượng hạt tiêu sẽ tăng đột biến, dẫn đến cung vượt quá cầu, giá sẽ giảm thấp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người trồng tiêu, trong khi đầu tư cho 1ha hồ tiêu trồng mới khá cao, khoảng 150 triệu đồng và chi phí chăm sóc, thu hoạch 25-30 triệu đồng/ha/năm.
Cục Trồng trọt Bộ NNPTNT có khuyến cáo việc đốn chặt cao su để trồng hồ tiêu của bà con nông dân không, thưa ông?
- Thị trường cao su tuy đang gặp khó khăn, nhưng cũng đã xuất hiện những tín hiệu khả quan trước sự phục hồi của kinh tế thế giới. Hơn nữa, cây cao su là cây dài ngày, nên tính toán hiệu quả kinh tế cần xét cho cả chu kỳ kinh doanh, không nên vì khó khăn trước mắt mà chặt bỏ, nhất là những diện tích cao su được trồng, chăm sóc, thu hoạch đúng quy trình kỹ thuật.
Trong điều kiện giá mủ cao su xuống thấp như hiện nay, bà con nông dân có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc, thu hoạch hợp lý để giảm chi phí như: Đối với cao su kiến thiết cơ bản, có thể giảm đầu tư phân bón, trồng xen cây ngắn ngày để có thu nhập trước mắt. Những vườn cao su đang kinh doanh có thể giảm đầu tư phân bón, thay đổi chế độ cạo từ D2 sang D3, D4 để giảm chi phí nhân công. Đối với cao su đến giai đoạn khai thác, có thể chưa tiến hành mở miệng cạo.
Đối với những vườn cao su kiến thiết cơ bản hoặc bắt đầu cho thu hoạch nhưng trước đây trồng tự phát, nằm ngoài vùng quy hoạch, trồng trên đất thấp trũng, đất dốc không phù hợp, vườn cây sinh trưởng kém, không đồng đều hoặc những vườn cây do chăm sóc, cạo mủ không đúng quy trình kỹ thuật cây sinh trưởng kém, cho năng suất mủ thấp, khó có khả năng phục hồi thì có thể chuyển đổi sang trồng cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tuy nhiên, như phân tích ở trên, trong khi diện tích hồ tiêu nước ta đã vượt quá quy hoạch, nếu tiếp tục mở rộng diện tích hồ tiêu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn trong những năm tới. Vì vậy, bà con nông dân không nên phá bỏ caosu chuyển đổi sang trồng hồ tiêu tự phát như hiện nay, và cần thực hiện theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp các địa phương.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn Lao động