thanhnien.vn
Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam: Tại sao không?
“Điểm yếu thể chế lớn nhất trong ngành gạo Việt Nam chính là sự trì trệ, kém hiệu quả đến mức cản trở sự phát triển ngành gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các doanh nghiệp nhà nước”, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận xét trong nghiên cứu “Đánh giá vai trò của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đối với ngành lúa gạo và đề xuất các biện pháp cải tổ Hiệp hội”, công bố ngày 30.3.
Chính sách giá sàn
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), hai vấn đề “nổi bật nhất” trong mối quan hệ giữa VFA với thị trường là giá sàn xuất khẩu gạo và sự nổi lên của thị trường Trung Quốc.
Theo Nghị định 109, VFA được giao nhiệm vụ công bố giá sàn gạo xuất khẩu trong từng thời kỳ để làm cơ sở cho việc ký kết và đăng ký hợp đồng xuất khẩu, quyền lực xác định và công bố giá sàn của VFA “tình cờ" có tác động đặc biệt lớn khi Vinafood I và Vinafood II ký kết các hợp đồng tập trung và cạnh tranh giá khốc liệt trên thị trường quốc tế.
Kinh nghiệm quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam đều cho thấy “chính sách giá sàn” là một thất bại của Chính phủ để giải quyết thất bại thị trường. Sự nổi lên của thị trường Trung Quốc khiến mối quan hệ, hay chính xác là quyền lực, của VFA với thị trường trở nên yếu hơn trước.
Theo TS. Thành, VFA đang không làm tròn vai trò bảo vệ hội viên, bị trỉ trích rất mạnh mẽ khi trực tiếp tham gia vào quá trình thực thi Nghị định 109 được cho là cản trở sự phát triển của hội viên.
VFA đang thực thi vai trò bảo vệ lợi ích cho các doanh nghiệp nhà nước, thay vì đông đảo doanh nghiệp tư nhân, thể hiện rõ qua triển khai hợp đồng tập trung (G2G). Các quyết định phân bổ của VFA dựa trên cách tiếp cận từ phía quản lý (top-down), không dựa trên sự đồng thuận và tự nguyện của hội viên từ trước.
Giá gạo theo hợp đồng tập trung trong nhiều trường hợp rất thấp, gây thua lỗ cho doanh nghiệp được phân giao chỉ tiêu và trực tiếp đẩy giá lúa thu mua cho nông dân giảm.
Một điểm đáng lưu ý, VFA không có giá trị định hướng trong chiến lược phát triển thị trường và liên kết năng động của khối doanh nghiệp tư nhân, đồng thời thất bại trong vai trò dẫn dắt khối doanh nghiệp nhà nước thu hẹp khoảng cách về năng lực phát triển thị trường và liên kết với khối doanh nghiệp tư nhân.
Tư duy thị trường của Hiệp hội xuất phát từ việc lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước kiêm nhiệm lãnh đạo VFA, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước đang tụt hậu so với khối doanh nghiệp tư nhân cả về năng lực phát triển thị trường và năng lực liên kết sản xuất.
VFA đã "thất bại" trong việc triển khai chính các nhiệm vụ trong Điều lệ, lẫn nhu cầu thực tế của doanh nghiệp thành viên, khi chỉ là hiệp hội của doanh nghiệp xuất khẩu và chỉ đại diện cho quyền lợi của doanh nghiệp lớn, ông Thành nhận xét.
VFA không còn là sân chơi riêng
Từ những phát hiện của nghiên cứu này, hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Vai trò thực tế hiện nay của Hiệp hội Lương thực Việt Nam là gì? Đâu là căn nguyên của sự khác biệt giữa vai trò thực tế của VFA so với những gì được quy định trong điều lệ Hiệp hội? VFA cần cải tổ những gì và như thế nào để trở về đúng vai trò của một Hội/Hiệp hội thông thường?
Theo phân tích từ nhóm nghiên cứu, việc ra đời VFA ngay từ đầu đã không phải ánh đúng nguyên tắc căn bản là dựa trên sự tự nguyện vì mục đích hoạt động của các thành viên, mà dựa trên ý chí của một bộ phận các cơ quan quản lý Nhà nước, với kỳ vọng sẽ trở thành “cánh tay nối dài” của Chính phủ để quản lý ngành gạo.
Điều lệ hoạt động của VFA vi phạm nguyên tắc cơ bản thứ hai của việc thành lập Hội và Hiệp hội là độc lập với các cơ quan Nhà nước. Cụ thể, VFA đang chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành khác, có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hiệp hội.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có Luật về Hội, hoạt động của Hội, Hiệp hội đều nằm dưới sự quản lý của các cơ quan Nhà nước theo quy định của Nghị định 45/2010/NĐ-CP, VFA cũng không nằm ngoài sự chi phối của Nghị định này.
Trên thực tế, VFA không còn là sân chơi của riêng các tổng công ty Nhà nước. Sự lớn mạnh của khối các doanh nghiệp tư nhân và sự thay đổi căn bản về thị trường đòi hỏi VFA cần có những sự thay đổi sâu rộng về mặt cơ cấu tổ chức, nhân sự lẫn vai trò, chức năng và nhiệm vụ để đáp ứng nhu cầu của sự thay đổi.
Thêm nữa, sự phát triển nội tại và khách quan của ngành lúa gạo đặt ra yêu cầu thay đổi về căn bản tư duy và cách tiếp cận khung phát triển chính sách.
“Chính phủ cần chủ động thay thế các chính sách đã lỗi thời, cải cách triệt để thể chế ngành lúa gạo, đặc biệt là VFA và doanh nghiệp nhà nước, xây dựng hệ thống chính sách, thể chế mới dựa trên kỷ luật, công bằng và minh bạch”, TS Thành nói.
Người đứng đầu VEPR cho rằng “Nhà nước kiến tạo” là một cách tiếp cận hoàn toàn hợp lý và có thể áp dụng ngay vào trường hợp ngành lúa gạo, cụ thể là trường hợp cải tổ VFA. Theo đó, Chính phủ trong ngắn hạn sẽ đẩy nhanh quá trình ban hành Nghị định sửa đổi hoặc thay thế triệt để Nghị định 109, qua đó xóa bỏ các đặc quyền mà VFA đang được trao theo Nghị định 109.
Mong muốn một tầm vóc dài hạn, thể hiện tham vọng chung của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu lúa gạo Việt Nam, Nhóm nghiên cứu đề xuất, Hiệp hội này nên giới hạn tên gọi trong phạm vi doanh nghiệp xuất khẩu, có thể là Hiệp hội Xuất khẩu gạo Việt Nam (Vietnam Rice Exporters Association – VREA), thay vì tên gọi chung cho ngành lương thực.
Dựa trên phạm vi tên gọi này, các vai trò hàng đầu của Hiệp hội mới được đề xuất là: bảo vệ quyền lợi của hội viên chủ yếu trên thị trường quốc tế, tương tự VASEP, là dẫn dắt/định hướng phát triển thị trường lúa gạo theo mục tiêu tăng chất lượng, tăng giá trị và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, cung cấp các dịch vụ công xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu.