Thứ Tư | 09/10/2013 15:40

Hiệp hội vàng: Chưa nên đánh thuế TBĐB đối với nữ trang

Trong thời điểm ngành trang sức còn gặp nhiều khó khăn, việc đánh thuế TTĐB lên các mặt hàng nữ trang sẽ khiến doanh nghiệp khó chống đỡ.
Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất nữ trang vì đây là các mặt hàng xa xỉ cũng hợp lý. Tuy vậy, với mức thuế như đề xuất của Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính là khoảng 20% lại quá cao, và chưa nên áp dụng lúc các doanh nghiệp khó khăn như hiện nay.

Theo ông Long, đặt trong bối cảnh hàng nữ trang Việt Nam đang chật vật trong việc tiêu thụ bởi sự cạnh tranh của hàng Trung Quốc thì việc đánh thuế lại vô tình tạo cho hàng Trung Quốc có thể chiếm lĩnh thị trường.

Theo ông Long, hiện tại các doanh nghiệp nữ trang đang gặp khó vì nguồn nguyên liệu không thể nhập từ nước ngoài, trong khi mua trong nước giá cao do chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng không được vay tiền mua vàng, thì việc đánh thuế sẽ khiến doanh nghiệp đã khó còn khó hơn.

Ông Long cho rằng trong khi các nước trong khu vực đều đánh giá ngành trang sức là một ngành quan trọng và tạo điều kiện để phát triển thì ở Việt Nam ngành hàng này lại gặp khó bởi nhiều chính sách nhà nước.

Hiệp hội Kinh doanh vàng đã có ý kiến như trên sau khi Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đề xuất đưa vàng miếng, vàng nhẫn vào đối tượng của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt như các mặt hàng bia giải khát, ô tô, xe máy vì bản chất của vàng miếng, vàng nhẫn là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết. Đề xuất này nói rằng nhà nước chỉ nên thu thuế tiêu thụ đặc biệt với hoạt động mua vàng miếng, vàng nữ trang với thuế suất 20%, còn với hoạt động người dân bán vàng thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc làm này sẽ giúp nhà nước không cần sử dụng dự trữ ngoại hối nhiều để nhập vàng về bán.

Trước trao đổi của hiệp hội vàng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng việc đề xuất áp thuế trên nằm trong 5 giải pháp mà VAFI đề nghị nhằm giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Theo ông Hải, hiện tại việc cần làm hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là phải hạ lãi suất cho vay xuống dưới 5% để giúp doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Muốn vậy, đối với vàng miếng và nữ trang, nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt để người dân không bỏ quá nhiều tiền vào kênh này, mà nếu có tiền nhàn rỗi thì sẽ bỏ vào các kênh khác, trong đó có gửi tiết kiệm, đồng thời NHNN cũng sẽ không phải dùng tiền để nhập vàng về bán. Điều này sẽ tạo cho NHNN có thêm dư địa để hạ lãi suất.

Theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vàng, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập đối với hoạt động kinh doanh vàng phù hợp trong từng thời kỳ.

Tuy vậy, theo một nguồn tin từ Bộ Tài chính, hiện tại cơ quan này mới chỉ đang thực hiện việc thay đổi thuế suất xuất khẩu vàng nữ trang, chưa xây dựng các loại thuế khác.

Nguồn TBKTSG


Sự kiện