Hiệp hội Mía đường Việt Nam không phản đối đề xuất nhập 50.000 tấn đường
Trong một bài viết gần đây của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú có đề cập đến vấn đề sản xuất đường của Hoàng Anh - Gia Lai tại Lào. Trong đó nêu lên vấn đề đường này xem như sản phẩm đường của Việt Nam. Vậy Hiệp hội Mía đường Việt Nam có ý kiến gì về nhận định này?
Ông Nguyễn Hải: Chúng tôi cho là không hợp lý. Nếu căn cứ vào luật pháp Việt Nam, cũng như những Hiệp định thương mại ký kết với quốc tế thì chắc chắn nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa đó không thể xem là sản phẩm của Việt Nam. Còn về quy hoạch và phát triển mía đường của Việt Nam năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 thì không cho phép xây dựng nhà máy đường mới.
Tiếp theo, nếu xem đó là nhà máy của Việt Nam thì một công ty khác là Nilv, chủ đầu tư Ấn Độ tại Long An có một nhà máy đường ở đó. Họ cũng có xây dựng một nhà máy đường ở Campuchia, cũng vay vốn Việt Nam để xây dựng nhà máy, cũng nhận công nhân Việt Nam sang làm. Nếu quan niệm như vậy thì xem như nhà máy đó cũng là nhà máy của Việt Nam.
Quan điểm của Hiệp hội Mía đường Việt Nam như thế nào về đề xuất của Bộ Công Thương cho phép nhập 50.000 tấn đường vào Việt Nam với thuế suất 0%?
Ông Nguyễn Hải: Chúng tôi không phản đối, chúng tôi chỉ đề nghị thực thi theo pháp luật. Hiện nay Việt Nam cho nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hàng năm, nếu như 50.000 tấn đường đó về thì trừ trong hạn ngạch thuế quan hàng năm mà chúng ta đã có thỏa thuận với WTO. Còn về thuế suất, áp dụng thuế suất của AFTA là 5%, nhưng đồng thời cũng có thể áp dụng hiệp định song phương giữa Việt Nam và Lào là 50% của thuế suất đó. Có nghĩa là ít nhất cũng phải áp thuế suất 2,5% là hợp lý, đó là rất ưu đãi rồi chứ không thể áp mức thuế quan 0%, không hợp lý.
Trong bài viết của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú có nêu lên vấn đề ngành mía đường Việt Nam, các doanh nghiệp mía đường không nên trông chờ vào chính sách bảo hộ từ phía Nhà nước mà nên học tập tính cạnh tranh của Hoàng Anh - Gia Lai. Hiệp hội Mía đường Việt Nam tiếp thu đề xuất này như thế nào?
Ông Nguyễn Hải: Tôi nghĩ rằng các nhà máy đường Việt Nam nhiều năm nay đã học tập rất nhiều nhà máy trên thế giới, trong đó có cả nhà máy đường Hoàng Anh - Gia Lai. Về công nghiệp, nhà máy đường Hoàng Anh - Gia Lai cũng không hơn một số nhà máy đường của Việt Nam. Sản phẩm đường của Việt Nam tốt hơn sản phẩm đường của Hoàng Anh - Gia Lai. Vấn đề nguyên liệu mía thì rất khó để học tập vì Hoàng Anh - Gia Lai là chủ đầu tư duy nhất, cũng chính là nông dân được cấp đất với diện tích rất lớn nên đủ điều kiện áp dụng cơ giới hóa và kỹ thuật canh tác để hạ giá thành nông nghiệp. Trong khi ở Việt Nam hoàn toàn khác, một chủ nông hộ mía ở Việt Nam làm chủ khoảng 0,4ha thì khó có thể áp dụng cơ giới hóa hay nhiều biện pháp canh tác để có thể hạ giá thành. Cho nên điều đó rất khó để có thể học tập.
Xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!.
Nguồn VTV