Hiệp định thương mại tự do mở đường cho doanh nghiệp Hàn vào Việt Nam
Vào ngày hôm qua 4/12, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM đã phối hợp tổ chức "Hội thảo song phương giữa các nhà tín dụng, doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc."
Theo đó, Hội thảo tập trung trao đổi về các chính sách của Việt Nam trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa, cũng như các cơ chế giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội giới thiệu các hoạt động của khối doanh nghiệp Hàn Quốc tại TPHCM.
Nhận định về triển vọng đầu tư tại Việt Nam, ông Kim Su Ho hiện đang là Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM đánh giá Việt Nam là nước nhiều tiềm năng phát triển cho các doanh nghiệp Hàn trong thời gian sắp tới. Ông cũng đưa ra đánh giá rằng Việt Nam hiện đang có GDP ổn định và không ngừng tăng lên.
Theo số liệu ước tính của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thì nhiều khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay đạt 6,5% và có thể tăng lên 6,6% trong năm tới. "Trong đó, điểm nổi bật là việc Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khu vực Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế khởi sắc, trong bối cảnh các nước láng giềng sụt giảm", ông Kim nói.
Bên cạnh đó, trong năm 2015 Việt Nam duy trì được mức lạm phát thấp. Theo tài liệu báo cáo của ADB, lạm phát của Việt Nam trong năm 2015 ước đạt 0.9% và năm tới có thể tăng lên 4%.
Chính vì thế, Việt Nam cùng với Thái Lan đang là hai nước thu hút nhiều nhất các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp Hàn, ông Kim nhấn mạnh.
Một trong những lý do khác nữa mà ông Kim đề cập đến trong cuộc hội thảo là lợi ích mà các doanh nghiệp nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam đạt được, khi TPP chính thức có hiệu lực. Một khi TPP chính thức đi vào hoạt động thì biểu thuế quan mà các doanh nghiệp sẽ được giảm về 0%.
Theo đó, ông Kim nhấn mạnh 3 lĩnh vực mà các doanh nghiệp Hàn Quốc hiện đang rất quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam là vải, may mặc và thiết bị điện tử.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết thêm hiện vẫn đang tồn tại một số khó khăn cho các doanh nghiệp Hàn tiếp cận thị trường Việt Nam. Doanh nghiệp Hàn khi đầu tư vào Việt Nam cũng chịu nhiều rủi ro và tổn thất, nên ông Kim đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp nước này là nên thận trọng, nhất là khi đầu tư vào ngành tài chính ngân hàng.
Ông Kim cũng cho biết thêm nhiều doanh nghiệp Hàn hiện đang gặp rất nhiều khó khăn do vấn đề hành lang pháp lý tại Việt Nam. Nhiều văn bản luật đang thiếu các văn bản hướng dẫn, cũng như thiếu phiên bản tiếng Anh nên rất khó cho các doanh nghiệp Hàn Quốc nắm vững vấn đề luật. Vì vậy, ông Kim cũng đưa ra lời đề nghị chính phủ Việt Nam nên có các văn bản hướng dẫn luật bằng tiếng Anh và chú trọng hơn tới vấn đề dịch thuật để sự hợp tác giữa hai bên đạt hiệu quả hơn.
Hạnh Đinh