Thứ Năm | 28/06/2012 15:53

Hiệp định FTA là bước tiến mới trong quan hệ hợp tác Việt Nam - EU

Ngày 26/6/2012, tại Brussels, Bỉ, Việt Nam và EU chính thức thông báo khởi động tiến trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Nhân sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời báo chí về ý nghĩa và tầm quan trọng của hiệp định trên.

Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết về một số điểm nổi bật trong quan hệ thương mại Việt Nam-EU?

Quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam-EU đang tiến triển tích cực. Trong vòng 11 năm, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam-EU đã tăng từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên 24,29 tỷ USD năm 2011; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 5,8 lần và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 5,9 lần.

Riêng quý I năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và EU đạt trên 6 tỷ USD, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2011. Cơ cấu kinh tế Việt Nam và cơ cấu kinh tế Liên minh châu Âu, xét về mặt tổng thể, có tính bổ sung mạnh mẽ lẫn nhau nhiều hơn tính cạnh tranh đối đầu.

Về quan hệ xuất - nhập khẩu: nhu cầu nhập khẩu của EU phần lớn là giày da, dệt may, cà phê hạt xanh, đồ gỗ, hải sản. Đây là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh, tạo được uy tín khá vững chắc đối với người tiêu dùng EU. Ngược lại, phần lớn các mặt hàng máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải và phụ tùng, dược phẩm, nguyên vật liệu dệt may, phân bón...Việt Nam nhập khẩu từ EU.

Trong quan hệ đầu tư, EU là đối tác đầu tư FDI hàng đầu vào Việt Nam với 1.687 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký là 32,85 tỷ USD và thực hiện là 13,07 tỷ USD (tính đến hết năm 2011).

Hiện đã có 22 trong số 27 nước thành viên EU có các dự án đầu tư vào các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, tập trung nhiều nhất vào các ngành công nghệ cao, bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ.

Bên cạnh đó, một văn kiện quan trọng là Hiệp định đối tác và hợp tác toàn diện (PCA) giữa EU và Việt Nam đã được hai bên ký tắt vào năm 2010 và cũng sẽ được ký kết chính thức ngay trong thời gian này.

Đối với Việt Nam, hiệp định thương mại (FTA) với EU là một nội dung quan trọng trong chính sách thương mại của Việt Nam là một bước đi thiết thực nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU cũng như giữa ASEAN và EU.

Xin Bộ trưởng cho biết khi tham gia FTA song phương với EU, Việt Nam sẽ có những lợi ích và thách thức nào?

Giống như đàm phán các Hiệp định FTA khác, Việt Nam có thể phải đối mặt với một số thách thức. Cụ thể là sức ép cạnh tranh từ phía hàng nhập khẩu có thể tăng. Tuy nhiên, tôi cho rằng tác động này của Hiệp định FTA Việt Nam-EU sẽ tích cực do cơ cấu kinh tế của ta và EU mang tính bổ trợ cho nhau nhiều hơn.

Trên phương diện kinh tế, một FTA song phương với EU sẽ đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho cả EU và Việt Nam.

Đối với Việt Nam, FTA với EU sẽ là một cú hích quan trọng để Việt Nam tiếp tục thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại với EU. Hiện nay, có 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0%, trong khi tỷ lệ này của một số nước ASEAN lên tới 80-85%.

Tiếp đến, việc thiết lập FTA với EU chắc chắn góp phần vào quá trình tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư cởi mở, thông thoáng hơn, từ đó sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ EU, các nước khác vào Việt Nam,và không ngoại trừ cả cơ hội cho Việt Nam trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của EU tại khu vực ASEAN.
Thưa Bộ trưởng, xin ông cho biết đâu là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường EU?

Thứ nhất, thị trường EU là thị trường chung của 27 nước thành viên có sức mua lớn, với quy mô 500 triệu người tiêu dùng. GDP của EU đạt hơn 17 nghìn tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người khoảng 34.000 USD/năm.Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của ta sang EU mới chiếm khoảng 0,8% kim ngạch nhập khẩu của EU. Đây là con số còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của Việt Nam.

Thứ hai, EU có nhu cầu nhập khẩu lớn hàng hóa là giày dép, hàng may mặc, đồ gỗ, thuỷ sản, cà phê, chè, hạt tiêu, v.v. Đây là những mặt hàng Việt Nam có lợi thế so sánh so với nhiều nước khác và có nguồn cung tương đối dồi dào, đã tạo được uy tín khá vững chắc đối với người tiêu dùng EU.

Thứ ba, cộng đồng người Việt Nam tại một số nước như Đức, Pháp, Ba Lan tương đối lớn. Các doanh nhân người Việt năng động này có khả năng phân phối hàng hóa Việt Nam tới doanh nghiệp và người Việt Nam đã có hiện diện tại EU.

Nguồn VietnamPlus


Sự kiện