Rạng Đông đang chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm kết nối IoT (vạn vật kết nối). Ảnh: ndh.vn

 
Ngọc Thuỷ Thứ Ba | 08/06/2021 13:30

Hiện tượng Rạng Đông

Dù có những phiên điều chỉnh giảm nhưng cổ phiếu RAL của rạng đông vẫn là một hiện tượng đặc biệt.

Giá cổ phiếu RAL của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã về mức 226.000 đồng (ngày 31.5) sau khi từng chạm mốc 241.900 đồng/cổ phiếu. Dù mức giá mới này đã giảm đáng kể, khiến RAL phải nhường lại ngôi vị “cổ phiếu có thị giá lớn nhất Việt Nam” cho VCF của Vina Café Biên Hòa nhưng đối với thị trường, cổ phiếu RAL vẫn là hiện tượng đặc biệt.

RAL lên sàn từ khá sớm vào năm 2006. 15 năm qua, cổ phiếu này chủ yếu giao dịch ở mức dưới 100.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, từ ngày 21.8.2020, tình hình đã khác hẳn. Đây là cột mốc đánh dấu sự thay đổi ngoạn mục của cổ phiếu RAL, chính thức gia nhập câu lạc bộ có thị giá hàng trăm ngàn đồng. 

Thực tế, trên sàn chứng khoán, những cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng đã ít, trên 200.000 đồng/cổ phiếu càng hiếm hơn. Ngoài cổ phiếu VCF và RAL, trước đây, cổ phiếu WCS của Bến xe Miền Tây và NCT của Khu Công nghiệp Nam Uyên cũng từng vượt mốc 200.000 đồng. Nhưng WCS, NCT hiện đã giảm giá và đang tìm cách trở lại mốc này. 

RAL được đánh giá là có thể trụ lại trong nhóm “200.000 đồng” bởi có những yếu tố giữ giá cổ phiếu. Thứ nhất, Rạng Đông có lượng cổ phiếu ít, chỉ hơn 12 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu RAL còn khá cô đặc do 3 nhà đầu tư lớn ở Rạng Đông gồm Công đoàn Công ty, bà Lê Thị Kim Yến và ông Lê Đình Hưng nắm hơn 64% vốn điều lệ. Điều này cho phép cổ phiếu RAL có thể giao dịch chừng mực, chỉ vài chục ngàn cổ phiếu mỗi phiên và giúp giá cổ phiếu ít chịu biến động mạnh. 

Thứ 2, nhờ lượng cổ phiếu ít nên khi Công ty ghi nhận lợi nhuận ròng năm 2020 là hơn 336 tỉ đồng, gấp 2,6 lần cùng kỳ và là mức lợi nhuận cao nhất kể từ khi lên sàn, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đã đạt hơn 29.224 đồng/cổ phiếu, dẫn đầu thị trường và trở nên nổi bật so với nhóm cổ phiếu có thị giá hàng trăm ngàn đồng.

Theo ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Rạng Đông, sang quý I/2021, doanh thu và lợi nhuận của Công ty tiếp tục tăng trưởng tích cực khi doanh thu thuần đạt hơn 1.532 tỉ đồng, tăng 38%; lợi nhuận sau thuế đạt gần 110 tỉ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ. Với kết quả này, cuối tháng 3.2021, RAL ghi nhận EPS đạt 9.108,7 đồng, tiếp tục nằm trong top các doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường. 

Cổ phiếu RAL tỏa sáng còn vì Rạng Đông là doanh nghiệp trả cổ tức bằng tiền cao (khoảng 50% mỗi năm). Tuy nhiên, đà bứt phá mạnh của RAL chủ yếu đến sau thông tin Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc (Hà Nội) chấp thuận dự án đầu tư nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao tích hợp hệ sinh thái chiếu sáng LED xanh, thông minh của Rạng Đông.

Rạng Đông ước chi ra khoảng 2.334 tỉ đồng cho dự án này. Công ty dự tính góp khoảng 23,1% tổng vốn đầu tư, còn lại huy động từ bên ngoài. Đây sẽ là thách thức bởi kể từ khi niêm yết, Rạng Đông chưa từng huy động vốn. Đợt tăng vốn vừa qua ở Công ty, sau 14 năm lên sàn là phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên. 

Dự án của Rạng Đông được đặt ở Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với quy mô khoảng 7,1 ha. Tại đây dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất 100 triệu sản phẩm. Theo lộ trình, Công ty sẽ khởi công vào quý III/2022 và đưa vào vận hành nhà máy từ cuối năm 2024. 

Với việc đầu tư dự án mới, Rạng Đông sẽ hưởng lợi về ưu đãi thuế, giảm thuế thu nhập, miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, miễn tiền thuê đất trong toàn bộ thời gian thuê… Về lâu dài, dự án sẽ giúp Rạng Đông hiện thức hóa mục tiêu chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn năm 2030, với 70-80% dữ liệu được kết nối tự động xử lý, phân tích trong một hệ thống và sẽ phát triển theo cấp số nhân. 

Theo đó, Rạng Đông đặt kế hoạch doanh thu năm 2025 gấp 4 lần năm 2019, tức khoảng 17.000 tỉ đồng. Xuất khẩu sẽ chiếm 30% doanh thu Công ty. Trước mắt, năm 2021, Rạng Đông dự kiến xuất khẩu đạt 1.200 tỉ đồng, từ con số 441 tỉ đồng của năm 2020. Đây là mục tiêu không dễ thực hiện nhưng với ưu thế đã xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia và các thị trường đang mở cửa trở lại sau dịch biệnh là cơ sở để Rạng Đông đặt nhiều kỳ vọng. 

Trong nước, thế mạnh của Rạng Đông là mạng lưới hàng trăm đại lý, hàng ngàn cửa hàng bán lẻ, với 3 kênh phân phối ở miền Bắc, 7 chi nhánh ở miền Trung và Nam cùng 3 trung tâm tư vấn. Ngoài ra, sản phẩm của Rạng Đông đa dạng, từ phổ thông đến cao cấp. Năm 2020, Rạng Đông còn phát triển nhiều sản phẩm mới (23 sản phẩm LED và 11 sản phẩm phích nước năm 2020) và ứng dụng hệ sinh thái của mình vào 14 loại công trình dự án, căn hộ dân cư, văn phòng, trung tâm thương mại, trường học, đường phố, bệnh viện, khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng nuôi trồng…

Thách thức cho Rạng Đông còn là nguồn lực tài chính không mạnh. Riêng vay nợ dài hạn cuối năm 2020 đã hơn 800 tỉ đồng, dễ đẩy chi phí lãi vay tăng lên. Ảnh: TK
Thách thức cho Rạng Đông còn là nguồn lực tài chính không mạnh. Riêng vay nợ dài hạn cuối năm 2020 đã hơn 800 tỉ đồng, dễ đẩy chi phí lãi vay tăng lên. Ảnh: TL

Đáng chú ý, Rạng Đông đang chuyển đổi từ sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm kết nối IoT (vạn vật kết nối). Năm 2020, năm đầu tiên tiến hành chuyển đổi số, doanh thu Công ty tăng trưởng 15,6% so với mức tăng trung bình 5-10% của các năm trước. Trong đó, theo lãnh đạo Rạng Đông, doanh thu từ hệ sinh thái LED 4.0 chiếm 20-25% doanh thu và ước sẽ tăng lên 40-50% vào năm 2025. 

Xa hơn, Rạng Đông hướng đến xây dựng hệ thống chiếu sáng từ smart light đến smart home, từ chiếu sáng đường phố đến chiếu sáng kiến trúc, cảnh quan. Nghĩa là Rạng Đông sẽ phục vụ cho thành phố thông minh. “Chuyển đổi số có rủi ro, xác suất khoảng 50% không thành công nhưng Công ty vẫn phải dẫn bước nếu không muốn lạc hậu”, ông Đoàn Thăng chia sẻ.

Thách thức cho Rạng Đông còn là nguồn lực tài chính không mạnh. Riêng vay nợ dài hạn cuối năm 2020 đã hơn 800 tỉ đồng, dễ đẩy chi phí lãi vay tăng lên. Rủi ro khác là 30% doanh thu chiếm tới 80% thị phần phía Bắc đang phụ thuộc vào đại lý Gia Lộc Phát, khiến Rạng Đông có thể gặp rủi ro công nợ phải thu. Tuy nhiên, ông Đoàn Thăng cho rằng, Gia Lộc Phát là đối tác suốt 30 năm của Công ty, nắm hơn 20% cổ phần ở Rạng Đông nên sẽ gắn bó trách nhiệm và đồng hành cùng phát triển.