Thứ Sáu | 17/05/2013 13:49

Hiến định việc Thủ tướng báo cáo trước dân

Quy định Thủ tướng, bộ trưởng thực hiện báo cáo công tác trước dân theo đề xuất của Chính phủ đã được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu.
Thông tin trên do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết tại buổi họp báo về lấy kết quả ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo kế hoạch của Chính phủ vào sáng 17/5.

Theo ông Liên, báo cáo 104 trang về nội dung này của Chính phủ được chắt lọc từ khoảng 5.000 trang báo cáo tổng kết lấy ý kiến nhân dân của 63 tỉnh thành và 30 bộ, ngành thể hiện 7 nhóm vấn đề của dự thảo được quan tâm đề xuất hoàn thiện.

Với chương VII - Chính phủ, báo cáo kiến nghị xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực nhà nước, tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, bộ trưởng, cụ thể mối quan hệ phân công phối hợp, kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước giữa Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các thiết chế hiến định độc lập.

Làm rõ hơn về nội dung này, Thứ trưởng Liên cho biết Chính phủ kiến nghị, khi đã công nhận Chính phủ là cơ quan hành pháp, thì không nên coi đây là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Điều này rất quan trọng, ông Liên nhấn mạnh.

Hiến pháp quy định thế nào để Chính phủ có quyết các chính sách thuộc tầm điều hành nhằm ứng phó nhanh nhạy với đòi hỏi của thực tiễn, chương về Chính phủ không nên quy định quá chi tiết, ông Liên cho hay.

Về tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, theo ông Liên kiến nghị được đưa ra tại báo cáo của Chính phủ là xác định rõ vị trí của Thủ tướng và nhất là thành viên Chính phủ. Thủ tướng thực hiện chế độ báo cáo trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Còn bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước dân những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.

Về các vấn đề khác, Chính phủ cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định về Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Hội đồng Hiến pháp có liên quan đến Chính phủ nhằm cụ thể hóa nhất quán nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện quyền lập páp, hành pháp, tư pháp và nguyên tắc phân cấp, kiểm tra giữa Trung ương và địa phương.

Báo cáo của Chính phủ cũng thể hiện quan điểm tán thành với việc ghi nhận tại điều 4 về vị trí và vai trò lãnh đạo của Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đồng thời cần ghi nhận và đảm bảo thực thi quyền lập hiến của nhân dân.

Chính phủ cũng kiến nghị ghi nhận nguyên tắc các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được đảm bảo thực hiện bằng Hiến pháp và luật và cũng chỉ có thể bị hạn chế bằng luật.

Đa số ý kiến góp ý tập trung vào kiến nghị hoàn thiện quy định về các trường hợp thu hồi đất và bồi thường trong trường hợp thu hồi đất theo hướng trong mọi trường hợp nhà nước thu hồi đất đều phải đền bù theo giá thị trường, không quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân vì lý do "các dự án phát triển kinh tế, xã hội", ông Trần Tiến Dũng, người phát ngôn của Bộ Tư pháp cho biết.

Trả lời câu hỏi của báo chí về mức độ tiếp thu các kiến nghị tại báo cáo của Chính phủ, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết do mới nhận được dự thảo sửa đổi mới nhất nên ông cũng chưa rõ cụ thể mức độ tiếp thu. Song, “có nhiều vấn đề được tiếp thu và chất lượng dự thảo tốt hơn trước”.

Ông Liên cũng nhấn mạnh quan điểm xây dựng luật là quá trình thuyết phục lẫn nhau, nên có ý kiến khác nhau và có kiến nghị chưa được tiếp thu là việc bình thường.

Với câu hỏi về công khai báo cáo của Chính phủ để toàn dân biết, theo ông Liên, hiện không có quy định về việc này nên chưa thể làm, nhưng sẽ đề xuất và công khai nếu được chấp thuận.

Liên quan đến kinh phí dành cho việc lấy ý kiến, Thứ trưởng Liên cho hay hiện chưa tổng kết xem kinh phí thế nào, nhưng nếu có tốn kém cũng chấp nhận vì đây là sản phẩm quan trọng cần có ý kiến của nhân dân.

Nguồn Vneconomy


Sự kiện