Thứ Hai | 01/04/2013 16:50

Hết vốn lãi suất 0%

Theo thông tin mới đây, doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường 2-13 của TPHCM sẽ không được vay vốn lãi suất 0% như trước đó.
Không gây khó cho doanh nghiệp

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho hay điểm mới của chương trình bình ổn thị trường năm 2013 - Tết Giáp Ngọ 2014 là ngoài các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuộc nhóm hàng bình ổn có bổ sung các tổ chức tín dụng tham gia.

Bên cạnh đó, thay vì tiếp cận nguồn vốn lãi suất 0% từ ngân sách thành phố, doanh nghiệp sẽ được vay vốn với lãi suất phù hợp từ các tổ chức này.

Cụ thể, 5 ngân hàng Agribank, Eximbank, Sacombank, BIDV và VietinBank sẽ cung ứng nguồn vốn 1.960 tỷ đồng, trong đó 860 tỷ đồng dành cho vốn vay ngắn hạn 12 tháng lãi suất 6%/năm và 1.100 tỷ đồng vốn cho vay đầu tư dài hạn lãi suất 10%/năm.

Theo đánh giá chung của hầu hết doanh nghiệp, việc không còn được tiếp cận vốn lãi suất 0% không gây khó khăn, vì thực tế trong năm 2012 khá nhiều doanh nghiệp đã chủ động nguồn vốn cho mình.

Trong 4 chương trình bình ổn của TPHCM, đã có 2 chương trình doanh nghiệp không nhận vốn là chương trình bình ổn mặt hàng sữa và dược phẩm.

Ngoài ra, trong 25 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn lương thực, thực phẩm có 15 doanh nghiệp không nhận vốn và 10 doanh nghiệp nhận vốn một phần. Còn lại, chương trình bình ổn các mặt hàng phục vụ mùa khai trường có 6 doanh nghiệp tham gia không nhận vốn và 6 doanh nghiệp nhận vốn. Đó là lý do tổng nguồn vốn ứng cho doanh nghiệp tham gia năm 2012 là 282.081 tỷ đồng, giảm 155.125 tỷ đồng so với năm 2011.

Là một doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn từ những ngày đầu tiên, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, chia sẻ: “Vay không lãi suất đôi khi làm nảy sinh những đánh giá không đúng về năng lực của doanh nghiệp. Trên thực tế, nguồn vốn lãi suất 0% mà chúng tôi tiếp cận mỗi năm chỉ chiếm phần nhỏ trong nhu cầu vốn của doanh nghiệp, nay không còn nhưng chúng tôi lại được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng”.

Đồng ý với ý kiến này, bà Tôn Thanh Thùy, Giám đốc Công ty TNHH Phạm Tôn, khẳng định: “Với quyết định mới của TPHCM về tín dụng chúng tôi cũng có trăn trở. Song, do đã xác định tư tưởng là một doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn nên luôn chủ động và có trách nhiệm trong mọi hoạt động”.

Thuận lợi đầu tư chiều sâu

Một trong những thuận lợi hầu hết doanh nghiệp cùng đồng tình khi tham gia chương trình bình ổn đó chính là uy tín của doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Bà Phạm Thị Huân, Tổng giám đốc Công ty Ba Huân, tự hào: “Trong lúc kinh tế khó khăn nhưng sức tiêu thụ các sản phẩm của chúng tôi lại khá tốt. Một phần lớn do uy tín chúng tôi có được khi tham gia chương trình bình ổn giá của TP”.

Hàng năm vào những mùa cao điểm khi giá nguyên liệu đầu vào tăng liên tục, các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn như ngồi trên đống lửa. Tuy nhiên, năm nay để giải tỏa bớt những khó khăn, TPHCM quyết định cho doanh nghiệp được điều chỉnh giá khi nguyên liệu đầu vào tăng 5-10% (năm trước giá nguyên liệu tăng 10% mới được điều chỉnh). Đầu năm 2013, khi thị trường trứng có biến động mạnh về giá, khiến người tiêu dùng hoang mang, các doanh nghiệp trong chương trình bình ổn như Saigon Co.op, Ba Huân, Vĩnh Thành Đạt… đã liên kết bình ổn thị trường nhanh chóng.

Để làm được điều này, các doanh nghiệp cho biết luôn phải chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu bằng việc đầu tư chuồng trại chăn nuôi, trang thiết bị hiện đại. Đó cũng là kinh nghiệm nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cùng chia sẻ. “Đầu tư chiều sâu đảm bảo tốt nguồn nguyên liệu, đầu tư đổi mới công nghệ để đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt, giá cả hợp lý là chiến lược dài hạn của chúng tôi” - bà Thùy nói.

Đó cũng là hướng hỗ trợ của TPHCM cho doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn trong năm 2013. Ngoài việc doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn từ tổ chức tín dụng với lãi suất 10%/năm để đầu tư dài hạn, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu theo Quyết định 33.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhận định chương trình bình ổn của thành phố đang có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Từ 2 doanh nghiệp tham gia trong năm 2002, đến năm 2012 đã có 48 doanh nghiệp tham gia.

Từ 248 điểm bán hàng bình ổn của năm 2008 đã tăng lên 6.439 điểm bán vào năm 2012. Các mặt hàng bình ổn đã vào hầu hết siêu thị, kể cả 5 siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp khi được hỏi về khó khăn khi tham gia chương trình đều cho rằng những khó khăn mà họ gặp là do tình hình chung của nền kinh tế, đồng thời khẳng định thách thức và cơ hội luôn ngang nhau, quan trọng là doanh nghiệp biết tận dụng như thế nào.

Nguồn Sài Gòn Đầu tư tài chính


Sự kiện