Hết thí điểm, Uber là taxi hay công nghệ?
Hiệp hội Taxi TP.HCM vừa có văn bản góp ý Bộ Giao thông Vận tải về Nghị định 86 sửa đổi quy định về điều kiện kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Hiệp hội đề xuất cần quy định rõ Uber, Grab là 2 doanh nghiệp vận tải hành khách taxi.
Theo cơ quan này, đơn vị cung cấp phần mềm chỉ cung cấp phần mềm, không được định giá cước, không sử dụng nguồn vốn của mình để khuyến mại. Uber, Grab cũng không được điều hành trực tiếp hoạt động vận tải, không ký hợp đồng trực tiếp với lái xe mà chỉ ký hợp đồng với đơn vị vận tải.
Hiệp hội cũng đề xuất cần có quy định ngăn cấm Uber, Grab dùng nguồn vốn nước ngoài vào khuyến mại, quảng cáo. Cơ quan này cho rằng 2 đơn vị này dùng nguồn vốn đó để thao túng, chiếm thị trường vận tải khách bằng taxi rồi báo lỗ.
Ngày 20/12, Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) đã ra phán quyết định nghĩa các công ty như Uber là kinh doanh dịch vụ vận tải như một hãng taxi, chứ không còn là một công ty công nghệ. Phản ứng trước phán quyết này, đại diện Uber Việt Nam cho rằng phán quyết trên chỉ áp dụng cho dịch vụ cung cấp cho các tài xế không đăng ký kinh doanh vận tải, chỉ sử dụng xe chạy Uber trong thời gian dư thừa công suất.
Trong khi đó, những xe sử dụng ứng dụng Uber tại Việt Nam phải là phương tiện hợp đồng, thuộc loại hình kinh doanh vận tải theo hợp đồng. Theo đó, chỉ các doanh nghiệp và hợp tác xã được cấp phép kinh doanh vận tải mới được sử dụng ứng dụng Uber.
→Grab và Uber vẫn đang lỗ nặng
→Uber là một công ty taxi, không phải công ty kỹ thuật số
Chính vì thế, đại diện Uber Việt Nam cho rằng loại hình dịch vụ cung cấp bởi các tài xế không đăng ký kinh doanh vận tải, được đề cập trong phán quyết ở châu Âu không nằm trong khuôn khổ Đề án Thí điểm Ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng do Bộ Giao thông - Vận tải Việt Nam khởi xướng.
Đề án thí điểm này sau hai năm thực hiện sẽ hết hạn trong năm 2017 và hiện tại, các cơ quan chức năng ở Việt Nam đang xem xét mô hình của Uber-Grab là xe ứng dụng hợp đồng điện tử hay là kinh doanh vận tải như taxi.
Trong một diễn biến khác, Cục Thuế TP.HCM cho biết Uber B.V đến nay vẫn còn hơn 53,3 tỉ đồng thuế truy thu vẫn chưa nộp vào ngân sách dù thời hạn là hết vào ngày 23/12. Trong trường hợp Uber B.V chưa nộp thì cơ quan thuế sẽ bắt đầu áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định.
Đầu tháng 9, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỉ đồng đối với Công ty TNHH Uber B.V (Hà Lan). Tuy nhiên, Uber B.V khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính với lý do hãng này không phải đóng thuế theo Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Hà Lan. Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời chính thức theo đó bác khiếu nại của Uber B.V Hà Lan về quyết định truy thu 66,68 tỉ đồng thuế của Cục Thuế TP.HCM.
Sau đó, ngày 13/12, Cục Thuế TP.HCM đã yêu cầu Uber B.V nộp khoản thuế trên trong vòng 10 ngày. Đến ngày 20/12 đại diện Uber B.V đã chính thức gửi văn bản khẳng định sẽ cân đối tài chính để nộp khoản thuế bị truy thu trong tuần này, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc khiếu nại và nếu cần thiết sẽ khởi kiện ra tòa.