Thứ Ba | 18/02/2014 13:19

Hết năm 2015 phải cổ phần hóa xong 432 DNNN

Ông Phạm Viết Muôn cho biết, số doanh nghiệp còn lại phải cổ phần hóa trong năm 2014 và 2015 sẽ là 432 đơn vị.
Thông tin này được công bố tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) năm 2014-2015 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì ngày 18/2, tại Hà Nội với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, kết quả thực hiện Đề án Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp đã được phê duyệt trong 3 năm (2011 – 2013) đạt thấp nên số doanh nghiệp còn lại phải CPH trong năm 2014 và 2015 sẽ là 432 đơn vị. Như vậy, bình quân mỗi năm sẽ phải CPH 216 DN.

Vận chuyển sản phẩm phân đạm Urê tại Công ty TNHH Một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ảnh: Danh Lam/TTXVN


Ông Phạm Viết Muôn cho rằng, CPH là nhiệm vụ quan trọng và phức tạp nhất trong tái cơ cấu, cần được quan tâm đặc biệt cũng như đề ra các giải pháp mới, đột phá để đạt hiệu quả cao. Nhằm đạt mục tiêu đề ra, từ nay đến năm 2015 sẽ kiên quyết thực hiện tái cơ cấu DNNN trọng tâm là CPH, kể cả các tập đoàn kinh tế; thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường, bao gồm cả DNNN đang kinh doanh có hiệu quả.

Như vậy, DNNN sẽ chỉ tập trung vào lĩnh vực then chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và quốc phòng, an ninh; tách bạch nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ chính trị, công ích; hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước và đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN; tăng cường quản lý quản lý, giám sát kiểm tra chủ sở hữu; kiện toàn cán bộ quản lý và nâng cao năng lực quản trị DN. Cùng đó, sẽ sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế mới phù hợp, khả thi để bán, giao giải thể, phá sản 22 doanh nghiệp.

Ban Chỉ đạo cũng dự kiến, đẩy mạnh thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đạt khoảng 22 tỷ đồng. Theo đó, cần sớm ban hành các quy định để giải quyết những vướng mắc trong thoái vốn; xây dựng lộ trình chặt chẽ, khả thi để thoái những khoản đầu tư không hiệu quả, thậm chí có thể phải bán dưới mệnh giá. Việc sắp xếp DNNN sẽ theo ngành, lĩnh vực, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý, trước mắt là đối với ngành công nghiệp, thương mại, giao thông, xây dựng.

Những DN có điều kiện phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) thì thực hiện theo quy định hiện hành; trong đó, những đơn vị chưa đủ điều kiện IPO ngay sẽ chuyển thành công ty CP với các cổ đông là nhà nước, TCT Đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Tùy điều kiện cụ thể ở mỗi DN loại này, Nhà nước có thể giữ CP tuyệt đối lớn. Giải pháp này không phải là hình thức, chạy theo số lượng mà mục tiêu là thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu, góp phần dân chủ hóa kinh doanh, tạo hành lang sẵn sàng cho thị trường khi có điều kiện thì đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, việc CPH thời gian qua còn chậm do nhiều nguyên nhân như bối cảnh kinh tế chung khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chỉ đạo thực hiện chưa chặt chẽ…Thời gian tới, tập trung quyết liệt hơn đối với những đơn vị có nhiều doanh nghiệp thuộc diện CPH nhưng kết quả kém. Trong đó, TP Hồ Chí Minh có 77 DN, Hà Nội 49 DN, Hải Phòng 15 DN, Bình Định 7 DN, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 16 DN, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam 8 DN, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam 11 DN. Chỉ tính riêng 7 đơn vị này đã có tới 183/432 DNCPH của cả nước, chiếm khoảng 43%. Việc CPH các DN ở những đơn vị này có tác động quan trọng đến kết quả chung của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần đặc biệt chú ý đến chính sách đối với lao động dôi dư và cơ chế chính sách xử lý nợ khi thực hiện tái cơ cấu, CPH DNNN.

Trong tháng 2 này, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về thoái vốn ngân hàng, định hướng thoái vốn dưới mệnh giá sau khi đã bù trừ dự phòng tổn thất khoản đầu tư tài chính theo quy định; chuyển nhượng các khoản đầu tư tại công ty Cổ phần chưa niêm yết có giá trị lớn theo mệnh giá, phương thức thoái vốn, lựa chọn tổ chức tài chính trung gian…

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước xem xét, mua lại các khoản đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính vào lĩnh vực bảo hiểm ngân hàng của các tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, công ty 100% vốn nhà nước. Giá mua theo thị trường và không cao hơn giá trị sổ sách từ khoản dự phòng giảm giá. Các tập đoàn, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước phấn đấu hoàn thành trước ngày 31/12/2015.


Nguồn Báo Tin Tức


Sự kiện