TL

 
Đức Tài Thứ Ba | 31/10/2017 12:30

Heo sạch tìm đường xuất ngoại

Năm 2016, sản lượng đàn heo Việt Nam đạt khoảng 54,5 triệu con, nhưng sức tiêu thụ heo nội địa chỉ 35,8 triệu con.

Tới thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) lần này có thể thấy sự khác biệt ở một số hộ nuôi heo. Đó chính là việc các hộ dân tại đây đang thử nghiệm mô hình tăng giá trị cho heo nuôi theo công nghệ của Nhật. Các hộ dân đang tự tìm đường giải cứu sau đợt “khủng hoảng thừa” của thị trường thịt heo khiến nhiều hộ chăn nuôi điêu đứng và cho đến nay vẫn chưa hết khó khăn.

Một năm Việt Nam sản xuất hơn 4 triệu tấn thịt hơi, giá trị còn lớn hơn cả xuất khẩu lúa gạo. Nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ xuất khẩu được khoảng 20.000 tấn heo sữa mỗi năm. Dư thừa nguồn cung khiến người nuôi heo luôn thấp thỏm chờ thêm những đợt giải cứu heo tiếp theo. Theo Tổng cục Thống kê, từ năm 2011-2016, số lượng heo nuôi ở Việt Nam tăng với tốc độ trung bình 3%/năm, trong khi sức tiêu thụ thịt heo nội địa chỉ 2%. Năm 2016, sản lượng đàn heo Việt Nam đạt khoảng 54,5 triệu con, nhưng sức tiêu thụ heo nội địa chỉ 35,8 triệu con, con số này được IBC cho biết.

Trong năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gần 12 triệu con heo nhưng dự kiến trong năm nay, giá trị này chỉ còn 2,4 triệu con với mức giảm tương đương 80% so với năm 2016.

Trước bối cảnh thị trường trong nước dư thừa, thị trường xuất khẩu chính cũng đang dần thu hẹp, sản lượng xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam chỉ khoảng hơn 20.000 tấn/năm sẽ không đáng kể, hoặc giải pháp kêu gọi người dân tăng cường sử dụng thịt heo và các sản phẩm chế biến từ heo cũng chưa thực sự khả quan. Bởi đây là giải pháp tình thế không mang tính lâu dài.

Từ lâu, các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo khi xuất khẩu của Việt Nam lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, trong đó ngành heo cũng không phải là một ngoại lệ. Việc thừa cung, mất giá gây ra khó khăn chủ yếu là những hộ nuôi nhỏ lẻ, chưa có kế hoạch lập đàn hợp lý. “Tôi thấy rằng, đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho người làm nông nghiệp nói chung và người chăn nuôi nói riêng. Mặt khác, cũng là cuộc sàng lọc những người sản xuất kinh doanh yếu kém, thị trường chỉ còn những người biết tính toán và kinh doanh bài bản”, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, nhận định.

Heo sach tim duong xuat ngoai
 

Trong khi nông dân chật vật với nghề nuôi heo, những doanh nghiệp như Masan lại có hẳn trang trại nuôi heo quy mô 1.000 tỉ đồng, thể hiện tham vọng và kỳ vọng đối với thị trường thịt heo lên tới 18 tỉ USD. “Trong khi heo của bà con bán bị mất giá, nhưng các doanh nghiệp lớn có sự đầu tư bài bản, kế hoạch sản xuất hợp lý, vẫn bán được giá ổn định, lợi nhuận mặc dù có ảnh hưởng nhưng vẫn cao”, ông Bình cho biết.

Sản lượng thịt heo của Việt Nam năm 2017 ước đạt 2,75 triệu tấn, đứng thứ 6 trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, EU, Mỹ, Brazil và Nga. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới quá nhỏ, chủ yếu là heo sữa. Trong khi đó, thị trường nhập khẩu thịt heo trên thế giới ngày càng lớn. Mỗi năm Trung Quốc nhập gần 2,2 triệu tấn, Nhật nhập 1,36 triệu tấn, Philippines cũng nhập 195.000 tấn.

Ông Lee Jong Beom, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Daewon (Hàn Quốc), cho biết, nhập khẩu thịt heo của Hàn Quốc tăng nhanh, đạt trên 5,8 tỉ USD năm 2016 nhưng nguồn cung chủ yếu từ Mỹ, Đức, Tây Ban Nha... Vì vậy, tiềm năng cho các nhà xuất khẩu như Việt Nam là rất lớn nhưng cần quan tâm đến an toàn thực phẩm, chất lượng...

Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng nắm bắt xu hướng này và đầu tư mạnh cho mô hình nuôi heo sạch, chất lượng cao. Mới đây, Tổ chức Chứng nhận Quốc tế Control Union đã trao giấy chứng nhận GlobalGAP cho Công ty Cổ phần Anova Farm (thành viên Tập đoàn Anova - Nova Group). Đây là trang trại nuôi heo thịt đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đạt chuẩn GlobalGAP mở ra một tiêu chuẩn mới cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Ông Tôn Văn Tân, Tổng Giám đốc Anova Farm, cho biết trong giai đoạn 1 mỗi năm Anova Farm cung cấp ra thị trường hơn 5.000 heo hậu bị đực và cái, hơn 55.000 con heo thịt. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống trang trại đạt chuẩn GlobalGAP trong thời gian tới để xuất khẩu thịt heo. “Với đầu tư khép kín từ con giống đến dinh dưỡng vật nuôi cũng như hệ thống quản lý hiện đại, chúng tôi hoàn toàn tự tin có thể sản xuất ra thịt heo với giá thành cạnh tranh và xuất khẩu được ra quốc tế”, ông Tân cho hay.

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực của các doanh nghiệp, các chuyên gia cho rằng, cần phải tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi, chế biến thịt heo theo hướng liên kết chuỗi, không chỉ tạo niềm tin với thị trường trong nước, mà còn hướng tới xuất khẩu.

Hiện nay, xuất khẩu thịt heo xẻ chính ngạch, Việt Nam chỉ mới xuất được sang Hồng Kông và Malaysia khoảng 15.000-20.000 tấn, tương đương 200.000 con, trong giai đoạn năm 2013-2016. Trong khi đó, sản phẩm thịt heo của Việt Nam có tiềm năng ở nhiều thị trường, thậm chí là các thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật và Hà Lan.

Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn Hùng Nhơn, tại Bình Phước, cho biết hiện có doanh nghiệp Hà Lan sang tìm hiểu chuỗi quy trình liên kết và bàn thảo vấn đề nhập khẩu. Dự kiến, mỗi năm sẽ xuất khẩu 10.000 tấn thịt heo sang thị trường này.

Trong khi đó, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus châu Á, cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội xuất khẩu thịt heo sang Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc bởi 3 quốc gia này gần Việt Nam và nhu cầu cao nhất trên thế giới. Tuy nhiên, để xuất khẩu sang thị trường khó tính, Việt Nam cần đẩy mạnh xúc tiến, ký kết các hiệp định song phương, xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh

Chị Quang: Thay vì than vãn chờ giải cứu heo ế, nhiều doanh nghiệp đã tìm hướng đi mới cho xuất khẩu heo sạch tới nhiều thị trường khó tính.

Đức Tài