Dây chuyền lắp ráp xe điện của Vinfast.
Hệ sinh thái của xe điện
Những chiếc xe máy điện đầu tiên hiệu Vinfast Klara của VinFast sẽ có mặt trên thị trường ngay trong năm nay. Những đại lý xe điện của VinFast đang gấp rút hoàn thiện các bước cuối cùng.
Như vậy, trên thị trường xe điện Việt Nam, đã có thêm thương hiệu nội địa góp mặt, bên cạnh các tên tuổi nước ngoài như Anbico, Pega, DK Bike, SYM, KYMCO... Tuy nhiên, nếu như quy mô thị trường xe máy tiêu thụ trung bình 3 triệu chiếc/năm thì năm ngoái, dòng xe máy điện chỉ bán được 400.000 chiếc (theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam). Điều này cho thấy, vẫn còn khoảng trống đầy tiềm năng trong phân khúc xe máy điện.
Thực tế, các hãng xe điện đều có khả năng đạt công suất sản xuất lớn hơn mức tiêu thụ hiện tại. Chẳng hạn, hãng xe Pega có khả năng sản xuất 200.000 xe/năm. Hay giai đoạn 1, VinFast dự kiến sản xuất 250.000 chiếc/năm và sẽ còn mở rộng dần, tiến tới 1 triệu chiếc/năm.
Ông Đoàn Linh, CEO Hãng xe điện Pega, cho rằng nhiều quốc gia trên thế giới đã tập trung đầu tư và khuyến khích sử dụng các sản phẩm xe điện.
Năm 2009, Nhật thông qua đạo luật miễn giảm thuế cho các dòng xe thân thiện với môi trường. Hàn Quốc cũng tìm cách thúc đẩy bình điện sử dụng đường dài, thiết lập hệ thống trạm nạp điện và những ưu đãi khác cho người mua xe.
Các hãng xe rất muốn tăng tốc trong thị trường xe điện. Bởi xe điện có những ưu điểm nổi bật. Theo ý kiến của những người đã sử dụng, xe điện chạy êm, không ồn, không tốn hao xăng. Nhờ đó, xe điện góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân.
Cả Nhật, Hàn Quốc không can thiệp sâu vào một ngành kỹ nghệ nhưng thúc đẩy thị trường, nhằm đưa tỉ lệ sử dụng xe điện từ 0,5% trong năm 2017 lên mức 5,3% vào năm 2020. Trung Quốc cũng thực hiện miễn thuế cho xe điện và dành những ưu đãi đặc biệt cho ngành này với tham vọng trở thành vua xe điện thế giới. Mục tiêu của Trung Quốc là có 5 triệu chiếc xe điện vào năm 2020.
Tại Việt Nam, thị trường xe điện manh nha từ nhiều năm trước, với sự hiện diện của các thương hiệu xe máy, xe đạp điện nhập khẩu. Thêm sự xuất hiện của VinFast, thị trường càng hứa hẹn sôi động. Nhưng nhìn vào mức độ tiêu thụ, có thể thấy tâm lý người dân Việt vẫn còn ngần ngại với xe điện. Bởi so về giá tiền, một xe máy điện, như của VinFast dự kiến bán với giá khoảng 30 triệu đồng/chiếc, ngang với xe máy hiệu Honda.
Nhưng theo một nghiên cứu mới đây của Công ty Frost & Sullivan, tại các nước gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Philippines, giá không phải là nguyên nhân khiến việc tiêu thụ xe điện bị hạn chế. Mối quan tâm chủ yếu của thị trường là mức độ an toàn của xe điện. Ngoài ra, người dân cũng quan ngại đến việc sẽ tìm đâu ra được các trạm nạp điện trên đường đi và họ phải xử lý thế nào khi bình điện bị cạn giữa lộ trình.
Chính vì thế, các hãng xe đã và đang tìm cách cải tiến những dòng xe điện. Chẳng hạn, Renault (Pháp) vừa đưa ra phiên bản mới của dòng xe Zoe chạy trong thành phố, có thể chạy được 400km cho một lần sạc, so với 240km của phiên bản trước đó. Hay KYMCO đã phát triển mẫu xe scooter điện mới, tạo thêm tiện lợi trong việc dễ dàng thay thế pin.
Các hãng cũng tìm cách đầu tư vào công nghệ, hạ tầng cho xe điện. Đơn cử, Renault đã kết hợp với nhà cung cấp thiết bị Better Place để phát triển các trạm trao đổi pin tự động cho xe điện dân dụng. Nhưng giải pháp này có hạn chế về kích thước và các tiêu chuẩn cho các gói pin. Vì thế, đã có những mô hình trạm sạc bền vững ra đời.
Đó là các trạm sạc bằng năng lượng mặt trời, điện gió... Về phần KYMCO, ngoài cách sạc truyền thống, KYMCO dự tính xây dựng một hệ sinh thái những trạm sạc có thể cung cấp năng lượng cho pin. Mục tiêu của hãng này là tạo ra một hệ thống sạc pin tại 20 quốc gia trên thế giới và kỳ vọng phân phối khoảng 500.000 xe điện iONEX.
VinFast cũng đã bắt tay với PV Oil và Petrolimex để đến năm 2020, sẽ thiết lập 30.000-50.000 trạm sạc và trạm thuê pin trên toàn quốc. VinFast dự tính chọn các vị trí thuận lợi như bãi đỗ xe, các cửa hàng tiện ích VinMart+, hầm các chung cư cao tầng, cổng trường học, ký túc xá trường học..., để xây các trạm sạc, thuê pin.
VinFast cũng sẽ sử dụng điện toán đám mây, ứng dụng di động để hỗ trợ, thiết lập hệ thống thông báo, kết nối người dùng với xe, trạm sạc, trạm thuê pin và máy chủ dịch vụ VinFast eScooter. VinFast sẽ lựa chọn, đào tạo kỹ lưỡng hệ thống đại lý ủy quyền, để đại lý cũng đóng vai trò là trung tâm dịch vụ, bảo hành và sửa chữa của VinFast eScooter.
Các hoạt động đầu tư, bắt tay này sẽ là nền tảng quan trọng để VinFast xây dựng hệ sinh thái hạ tầng cho xe điện trên toàn quốc. Nhưng câu chuyện ở Nhật cho thấy, để tạo hệ sinh thái đủ sức thúc đẩy ngành xe điện, cần sự hỗ trợ của Chính phủ và sự tham gia của nhiều công ty. Tháng 3 vừa qua, tại Nhật, 11 công ty bao gồm các nhà sản xuất ô tô, công ty năng lượng đã cam kết thành lập liên minh để xây dựng 80 trạm sạc cho phương tiện chạy bằng pin nhiên liệu hydro từ nay đến năm 2020.
Đặc biệt, để giảm giá pin nhiên liệu, từ mức 100 yen/m3 hiện nay về 30 yen/m3 vào thời điểm đó, Nhật đã và sẽ còn bãi bỏ nhiều quy định để hạ giá thành xây dựng trạm sạc. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Nhật sẽ giảm chi phí xây dựng trạm sạc pin nhiên liệu khoảng một nửa so với hiện nay.
Như vậy, Việt Nam muốn phát triển đồng bộ thị trường xe điện, không cách nào khác là cần sự tham gia của cả Chính phủ, các công ty năng lượng, công ty công nghệ và các hãng sản xuất xuất.