Thứ Hai | 30/07/2012 15:58

Hệ lụy từ sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng

Sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng nhằm lách luật đã gây ra những trục trặc kéo dài trong ngành ngân hàng suốt từ năm 2008.
Giai đoạn 2006 - 2011 chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam, cả về số lượng, cũng như vốn, kéo theo sự gia tăng sở hữu chéo trong ngành ngân hàng.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nói về thực trạng sở hữu chéo và tác động của nó tới hệ thống ngân hàng.

Những điểm đáng chú ý từ thực trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Thông thường, sở hữu chéo giữa các doanh nghiệp có tính trực tiếp. Ví dụ, doanh nghiệp X sở hữu doanh nghiệp Y và ngược lại doanh nghiệp Y sở hữu doanh nghiệp X. Tuy nhiên, sở hữu chéo có thể tồn tại một cách gián tiếp. Chẳng hạn, khi một nhà đầu tư, hoặc một nhóm nhà đầu tư, hay một doanh nghiệp sở hữu cả ngân hàng A và ngân hàng B, thì thực chất ngân hàng A và ngân hàng B là sở hữu chéo của nhau. Hình thức này thiếu minh bạch và rất khó kiểm soát.

Những ngân hàng, doanh nghiệp nào đang tham gia sở hữu chéo?

Hầu hết các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều sở hữu ngân hàng. Điển hình là Tập đoàn Điện lực Việt Nam sở hữu Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình, Tập đoàn Viễn thông Quân đội sở hữu Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Cao su sở hữu Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sở hữu Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương…

Ngoại trừ Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long không sở hữu ngân hàng, còn lại, Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương (VietinBank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đều sở hữu các ngân hàng khác.

Trong khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, sở hữu chéo phổ biến dưới hai hình thức là ngân hàng sở hữu lẫn nhau và DN sở hữu ngân hàng. Hiện tại, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank) được sở hữu bởi Agribank, trong khi đó Maritime Bank lại đang sở hữu MB và Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB). Phức tạp hơn, Ngân hàng thương mại cổ phần Châu (ACB) đang sở hữu Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), nhưng Eximbank đồng thời đang sở hữu Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Thương Tín (Sacombank). Ngoài ra, ACB cũng đang sở hữu các ngân hàng khác như Đại Á, Kiên Long, Việt Nam Thương Tín.

Những mặt tích cực và tiêu cực của sở hữu chéo?

Sở hữu chéo có mặt tích cực là góp phần làm tăng hiểu biết giữa ngân hàng với doanh nghiệp, đồng thời hình thành nên một cơ cấu sở hữu và quản trị ổn định trong các doanh nghiệp, ngân hàng. Tuy nhiên, sở hữu chéo cũng có những mặt trái, thể hiện qua những trục trặc ngày càng rõ của ngành ngân hàng vài năm trở lại đây, trong đó nghiêm trọng nhất là các ngân hàng thương mại đã dùng sở hữu chéo để lách các quy định bảo đảm an toàn hoạt động do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Thứ nhất là quy định về vốn. Theo quy định của Nghị định 141/2006/NĐ-CP, vốn điều lệ thực góp của các ngân hàng phải đạt 1.000 tỷ đồng vào năm 2008 và 3.000 tỷ đồng vào năm 2010. Thông qua sở hữu chéo, cổ đông Ngân hàng A có thể vay tiền Ngân hàng B để góp vốn vào Ngân hàng A và ngược lại. Hoạt động đi vay này tạo ra tình trạng tăng vốn ảo trong các ngân hàng.

Thứ hai, giới hạn tín dụng theo quy định hiện hành đã bị sở hữu chéo làm vô hiệu hoá. Các khoản tín dụng cấp cho các doanh nghiệp nhà nước bởi ngân hàng thương mại nhà nước vượt hạn tín dụng được chính Ngân hàng Nhà nước phê chuẩn là những ví dụ điển hình. Thêm vào đó, quy định về các trường hợp không được cấp tín dụng, hoặc hạn chế cấp tín dụng cũng bị sai lệch.

Thứ ba, từ kinh nghiệm cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng toàn cầu và theo Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, cũng như Thông tư 13/2010/TT-NHNN, hoạt động ngân hàng đầu tư phải được tách bạch khỏi hoạt động của ngân hàng thương mại. Theo đó, ngân hàng không được cấp tín dụng cho công ty trực thuộc hoạt động kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, thay vì cho vay trực tiếp, Ngân hàng A có thể mua trái phiếu của Ngân hàng B (A đang sở hữu) để Ngân hàng B cho vay, hoặc đầu tư vào trái phiếu của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ của Ngân hàng A.

Thứ tư, các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của Ngân hàng Nhà nước có thể bị làm sai lệch tinh thần bởi sở hữu chéo. Khi khách hàng không trả được nợ, thay vì xếp khoản vay thành nợ xấu và trích dự phòng rủi ro theo quy định, Ngân hàng A có thể cho vay đảo nợ…

Việc lách luật thông qua sở hữu chéo liệu có gây ra những hậu quả khôn lường?

Hậu quả của các hoạt động lách luật là những trục trặc chưa kết thúc của ngành ngân hàng kéo dài suốt từ năm 2008 đến nay với các cuộc chạy đua lãi suất, một số ngân hàng phải sáp nhập, hợp nhất. đặc biệt, bức tranh tổng thể về ngành ngân hàng, trong đó ai là chủ sở hữu sau cùng và thực chất nợ xấu của mỗi ngân hàng là bao nhiêu đã bị các ngân hàng dùng sở hữu chéo che mờ. Điều này có thể khiến Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của Chính phủ bị sai mục đích, do không hướng tới đúng đối tượng cần tác động.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện