Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: TL.
Hé lộ nhiều nhóm ngành “vượt bão” thành công 3 quý đầu năm
Số liệu từ FiinGroup, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của toàn thị trường giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2022 và giảm 7,6% so với quý II/2023. Tuy nhiên, con số này đã tăng hơn 26% so với quý IV/2022, quý được coi là đáy lợi nhuận trong 3 năm gần nhất.
Xét theo ngành, nhóm ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý III/2023 tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ bao gồm chứng khoán, bảo hiểm, dầu khí, thép, công nghệ thông tin.
Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế quý III/2023 lại tiếp tục suy giảm ở nhóm ngân hàng và các ngành có kỳ vọng kết quả kinh doanh cải thiện nhờ xuất khẩu và tiêu dùng hồi phục (bao gồm bất động sản, bán lẻ, hóa chất, thủy sản, dệt may, gỗ, logistics, vận tải thủy, chăn nuôi) hay nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công của chính phủ (bao gồm xây dựng và vật liệu xây dựng).
Bức tranh tăng trưởng lợi nhuận quý III/2023. Nguồn: FiinGroup. |
Đánh giá về bức tranh kinh doanh quý III của các doanh nghiệp, ông Lê Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, 4 quý trong năm thì quý I và quý III là 2 quý mà các hoạt động kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất với các đặc thù của đất nước. Bản chất nền kinh tế là lúc nào cũng có ngành tăng trưởng và suy yếu. Quý III vừa qua, chúng ta đều nhìn thấy rõ sự khó khăn của tổng thể nền kinh tế từ tổng cầu yếu, đơn hàng giảm, việc làm ít đi và tập trung chủ yếu ở các nhóm ngành như bất động sản, dệt may, thủy sản và một số ngành phụ thuộc liên quan.
Chia sẻ với NCĐT, ông Hà cho rằng kinh tế về tổng thể sẽ chưa thể bứt phá liền sau một quý, nhưng chắc chắn có cải thiện sau nhiều chính sách mà Chính phủ đã ban hành nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp, lãi suất ngân hàng bắt đầu điều chỉnh giảm sẽ giúp chi phí vốn cũng như chi phí khác của các bên tham gia nền kinh tế giảm đáng kể.
Theo ông Hà, hoạt động tổng thể của nền kinh tế thường tập trung chi tiêu vào quý IV với những chương trình kích cầu, và những hoạt động khác để tăng hiệu quả kinh doanh. Tuy nhiên, với xu hướng từ 3 quý trong năm 2023 thì rõ ràng quý IV, các ngành đã tăng trưởng trong quý III sẽ tiếp tục duy trì trong quý IV.
“Quý cuối cùng của năm 2023 sẽ có thêm ngành tiêu dùng trở lại từ đáy, nhưng năm 2023 thu nhập của phần lớn người dân đều yếu đi, nên cũng không kỳ vọng cao việc tăng trưởng mạnh. Để mọi thứ tốt đẹp lên, các ngành cần thời gian ngấm chính sách, và người dân cần việc làm để tạo thu nhập, kinh tế ổn dần lên thì chi tiêu và tiết kiệm mới tăng lên, từ đó sẽ tăng đầu tư vì tổng tiết kiệm của toàn dân đã giảm đi rất nhiều sau đại dịch và khủng hoảng trái phiếu năm 2022”, ông Hà chia sẻ thêm.
Còn theo bà Nguyễn Ngọc Linh, Giám đốc Tự doanh, Công ty Chứng khoán DNSE, kết quả kinh doanh quý III, chúng ta sẽ có “kim chỉ nam” cho một chặng đường đầu tư dài hơi hơn, từ 1-2 năm.
Quý III đã được hé lộ những tên gọi đầu tiên về nhóm ngành, những ngành có sức khỏe lớn nhất ở trên thị trường và sau đó, mình sẽ tham chiếu đến những cổ phiếu ở trong nhóm ngành.
Nhóm dầu khí là nhóm có thể nói được cả nhà đầu tư lướt sóng lẫn nhà đầu tư có trạng thái nắm giữ dài hạn. Trong 2 năm vừa rồi, nhiều nhà đầu tư đã sở hữu cổ phiếu dầu khí. Theo bà Linh, câu chuyện dầu khí cũng sẽ vẫn tiếp tục được hưởng lợi từ bây giờ đến sang năm.
Tiếp theo là đến nhóm ngành chứng khoán. “Nhóm ngành chứng khoán thì đặc biệt là rất nhẹ sóng và lại được hưởng lợi bằng sự tăng trưởng của thanh khoản thị trường. Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu như thanh khoản thị trường tiếp tục được duy trì ở mức độ cao như bây giờ thì cổ phiếu nhóm ngành chứng khoán cũng sẽ là một trong những nhóm nhà đầu tư có thể tham chiếu đến”, bà Linh nói.
Tiếp theo nữa là nhóm vật liệu xây dựng, đặc biệt là nhóm ngành thép, rồi đến nhóm đầu tư công và bất động sản khu công nghiệp thì cũng có rất nhiều những ý tưởng mà chúng ta có thể xem xét ở trong thời điểm hiện tại.
Có thể bạn quan tâm:
Nhà đầu tư được khuyến nghị quan sát thị trường, chưa vội vàng mua bán