HĐQT PVcombank: 4 đại diện từ PVFC, 3 đại diện từ Westernbank
Đại hội được tiến hành với sự tham gia của cổ đông của cả PVFC và Westernbank để tiến hành biểu quyết các vấn đề liên quan tới ngân hàng hợp nhất - ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcombank).
Số cổ đông tham gia đại diện cho 92% số cổ phần có quyền biểu quyết (900 triệu cổ phiếu). Ông Nguyễn Đình Lâm, chủ tịch Hội đồng Quản trị PVFC là trụ tọa đại hội.
Theo đề án hợp nhất được đưa ra trước đó, vốn điều lệ của Pvcombank là 9.000 tỷ đồng trong năm 2013 và 2014; tăng lên 12.000 tỷ đồng trong năm 2015. Ngân hàng đảm bảo mức vốn điều lệ thực có không thấp hơn mức vốn pháp định theo quy định của pháp luật. Mạng lưới PVcombank bao gồm 102 điểm giao dịch trong đó có 1 hội sở (là hội sở hiện tại của PVFC tại 22 Ngô Quyền - Hà Nội), 30 chi nhánh, 67 phòng giao dịch và 4 quỹ tiết kiệm.
Về kế hoạch hoạt động, PVcombank sẽ đảm bảo tỷ lệ dư nợ tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) so với vốn huy động thị trường 1 về mức không quá 90% đến cuối năm 2013 và không quá 80% từ cuối năm 2014 trở đi. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 9% cho các năm 2013, 2014 và 2015.
Ngân hàng hợp nhất vẫn tập trung phát triển tín dụng đối với lĩnh vực dầu khí, khai thác khoáng sản, điện, tiếp tục phát triển dư nợ lĩnh vực này lên đến 48% tại năm 2015. Lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm 1%. Thu nhập lãi thuần trong năm 2013 dự kiến giảm nhẹ, tỷ suất lãi cận biên duy trì 3,5%. Mức lợi nhuận dự kiến cho 2013-2015 chưa thể có đột biến do chi phí tăng mạnh, tỷ lệ lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu từ 2013 tới 2015 lần lượt 4,64%, 8,35% và 10%.
PVF sẽ hoàn thiện các thủ tục xin chấp thuận của ngân hàng Nhà nước để CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) và CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Tài chính dầu khí (PVFC Capital) trở thành công ty con của ngân hàng hợp nhất.
Trong tờ trình bổ sung, lộ diện các thành viên Hội đồng quản trị PVcombank bao gồm ông Nguyễn Đình Lâm - Chủ tịch HĐQT PVF; ông Vũ Huy An - Phó Chủ tịch PVFC; ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Westernbank; ông Trịnh Hữu Hiền - Thành viên HĐQT Westernbank; ông Đoàn Minh Mẫn - Phó Tổng giám đốc PVFC; ông Nguyễn Khuyến Nguồn - Thành viên HĐQT PVFC. Ông Võ Trọng Thủy - Thành viên HĐQT độc lập Westernbank được đề cử là thành viên HĐQT độc lập PVcombank.
Ban kiểm soát bao gồm ông Nguyễn Hải An, bà Đào Thị Kim Hải, bà Bùi Thu Hương, ông Nguyễn Văn Trung.
Kết quả bỏ phiếu, cổ đông đã thông qua tất cả các nội dung về điều lệ hoạt động của ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam - PVcombank; Thông qua số lượng thành viên HĐQT gồm 7 người (trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập), ban kiểm soát gồm 4 người. Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị và ban kiểm soát là 5 năm, từ 2013 tới 2018.
HĐQT vừa được bổ nhiệm của PVcombanh đã tiến hành phiên họp ngay trong giờ giải lao và bầu ông Nguyễn Đình Lâm (chủ tịch PVFC) làm chủ tịch HĐQT PVcombank. Ông Nguyễn Hải An là trưởng ban kiểm soát. Thù lao cho HĐQT và ban kiểm soát riêng quý IV năm 2013 là gần 2 tỷ 983 triệu đồng được cổ đông thông qua.
Tuy nhiên, đáng chú ý là tại một số nội dung như điều lệ hoạt động, nhiệm kỳ của HĐQT, thù lao HĐQT và ban kiểm soát, số cổ đông không ý kiến đại diện cho hơn 15 triệu cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Tại phần thảo luận giải quyết các thắc mắc của cổ đông, phần lớn các câu hỏi đưa ra tập trung tới vấn đề hủy niêm yết, thời gian niêm yết lại, chuyển đổi cổ phiếu - những quyền lợi trực tiếp của cổ đông. Vấn đề quan trọng là tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất không được đề cập tới. Sau đây là các câu hỏi và trả lời trong phần thảo luận:
Tới đây PVFC hủy niêm yết, thủ tục chuyển nhượng cổ phần như thế nào?
Tất cả nội dung đều có trong đề án và được thự hiện theo luật. Tỷ lệ chuyển đổi 1:1; được phép thực hiện trong vòng tối đa 27 ngày.
Ngân hàng hợp nhất có định hướng vào khách hàng lớn không?
Chúng tôi đang lựa chọn nhà tư vấn chiến lược và sẽ xây dựng lại toàn bộ hệ thống bán lẻ theo mô hình của ngân hàng thương mại. Định hướng sẽ xây dựng kết hợp giữa bán buôn và bán lẻ.
Sau khi hợp nhất cổ phiếu PVF có giao dịch trở lại không và bao lâu thì niêm yết trở lại?
Cổ phiếu PVF sẽ buộc phải hủy niêm yết bắt buộc và có thể được niêm yết lại sau 12 tháng. HĐQT sẽ trình cổ đông thời điểm phù hợp.
Ngân hàng hợp nhất dự kiến thời gian ổn định hoạt động là bao lâu và đã chuẩn bị gì cho việc này?
Trong hơn 1 năm qua, đã tiến hành cơ cấu tổ chức, tài sản và đang thuê tư vấn mô hình hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại cho ngân hàng hợp nhất.
Về nhân sự, trong hợp đồng hợp nhất, tất cả nhân sự 2 tổ chức sẽ được sử dụng tối đa. Đối với nhân viên Westernbank, đã tiến hành đào tạo các nghiệp vụ ngân hàng bán buôn, đối với nhân viên PVFC đào tạo các nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ như tư vấn thẻ, cho vay tiêu dùng...
PVcombank cần khoảng 6 tháng để ổn định sau khi đi vào hoạt động, sau đó sẽ đánh giá lại và tiếp tục kiện toàn bộ máy.
Số dư các khoản nợ quá hạn của ngân hàng hợp nhất tại các tổ chức tín dụng khác?
Trong các khoản nợ quá hạn thì có 2 khoản lớn đáng quan tâm của Westernbank tại SCB và Trustbank. Khoản tại SCB đã được xử lý hết còn khoản tại Trustbank hiện đang được thương lượng xử lý.
Giải thích rõ hơn về khoản 1.677 tỷ đồng dư nợ cá nhân của Westernbank?
Đây là các khoản dư nợ cá nhân cho vay tiêu dùng thông thường và chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số hơn 20 nghìn tỷ động tổng tài sản của Westernbank.
Phương án xử lý hoạt động ủy thác đầu tư của PVFC như thế nào?
Hoạt động ủy thác đầu tư được ngừng thực hiện. Tất cả các khoản cần xử lý đã được xử lý từng bước, xin phép không công bố chi tiết.
Tất cả các hợp đồng tín dụng với đối tác được xử lý như thế nào?
Ngân hàng mới sẽ kế thừa toàn bộ các quyền lợi và nghĩa vụ của 2 tổ chức cũ. Toàn bộ đã được chuẩn bị kĩ lượng và tuân thủ pháp luật, đảm bảo các cam kết.
Tại thời điểm hợp nhất chuyển đổi thẻ ATM và sổ tiết kiệm sẽ được xử lý như thế nào?
Sử dụng hệ thống của cả 2 ngân hàng: ATM của cả 2 ngân hàng sẽ vẫn được sử dụng. Sổ tiết kiệm trên toàn hệ thống sẽ dùng mã của Westernbank và vẫn được giao dịch bình thường khi đáo hạn.
Nguồn Dân Việt