HĐQT Chứng khoán Tràng An cam kết khôi phục công ty
Vì đâu nên nỗi?
Theo ông Trần Trọng Nghĩa, vào tháng 3/2012, ông Dương Hiểu Đông, quốc tịch Trung Quốc cùng một số người bạn đã quyết định bỏ tiền mua lượng lớn cổ phần của TAS, với mục tiêu phát triển Công ty này thành một công ty trung gian, kết nối dòng vốn từ nhà đầu tư Trung Quốc vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tại Trung Quốc, ông Đông là một nhà đầu tư khá lớn, ông cũng đã có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam được trên 4 năm, sau khi rót vốn mua cổ phần của Tràng An (ông cùng nhóm cổ đông lớn nắm trên 50% vốn), ông Đông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT TAS.
Ngoài việc bỏ vốn mua cổ phần, ông Đông còn chuyển cho TAS vay hàng chục tỷ đồng để xử lý vấn đề tài chính, đã khá bi bét khi đó, nhằm khôi phục lại hoạt động Công ty. Tổng số tiền từ góp vốn mua cổ phần và cho vay của nhóm cổ đông mới này vào TAS lên tới gần 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, sau một thời gian điều hành TAS, HĐQT phát hiện ra Ban lãnh đạo TAS mà đứng đầu là Tổng giám đốc đã có hành vi vi phạm pháp luật, sử dụng tài sản Công ty sai mục đích, thậm chí cố tình chiếm dụng tài sản của Công ty. HĐQT đã yêu cầu Ban điều hành phải khắc phục và phải hoạt động đúng luật, nhưng không có chuyển biến, nên chính HĐQT TAS đã làm đơn ra cơ quan công an, yêu cầu điều tra, làm rõ những sai phạm xảy ra tại TAS.
Trả lời về việc vì sao khi biết Ban lãnh đạo TAS mắc sai phạm, HĐQT Công ty không tiến hành thay thế Tổng giám đốc để “làm mới” đội ngũ điều hành, ông Nghĩa cho biết, khi HĐQT phát hiện ra sai phạm thì thấy, sai phạm của Ban điều hành là lớn. Bản thân ông Lê Hồ Khôi khi đó lại là người chịu trách nhiệm trước pháp luật tại Công ty, nên cần sự điều tra, làm rõ của cơ quan chức năng để quy rõ trách nhiệm, trước khi có sự thay đổi về nhân sự điều hành. Chính vì vậy, khi nhận quyết định khởi tố, ông Lê Hồ Khôi vẫn đương chức Tổng giám đốc TAS.
HĐQT cam kết thực hiện trách nhiệm với nhà đầu tư
Về hiện trạng TAS, ông Nghĩa cho biết, theo cam kết của HĐQT với UBCK, Công ty vẫn sẽ duy trì hoạt động trong quá trình cơ quan chức năng điều tra, làm rõ, mặc dù hiện TAS đã dừng các nghiệp vụ chính là lưu ký, môi giới chứng khoán.
Xuất phát từ mục đích đầu tư vào TAS của Chủ tịch HĐQT cùng tiềm lực tài chính hiện có của một số cổ đông mới, ông Nghĩa khẳng định, HĐQT cam kết sẽ rót thêm vốn để khôi phục lại hoạt động bình thường ngay khi vụ án trên được làm sáng tỏ.
“Trong lúc này, chúng tôi cũng chỉ biết phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng và chờ đợi sự phán xử về trách nhiệm của các đương sự trong vụ án trên”, ông nói và cho biết, cổ đông mới chưa thể bơm thêm tiền vào lúc này, vì chưa rõ đâu là thực, đâu là ảo.
Trong quyết định khởi tố Tổng giám đốc TAS, hành vi dẫn đến bị khởi tố là chỉ đạo nhân viên dưới quyền xác nhận khống các mã chứng khoán, hợp thức hồ sơ nhận uỷ thác đầu tư của khách hàng để vay rồi chiếm đoạt tiền của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội. Tuy nhiên, thời gian qua, TAS cũng gặp rắc rối không nhỏ với nhà đầu tư, do nhiều người phát hiện ra tiền của họ trong tài khoản đã bị biến mất.
Trả lời về việc trách nhiệm của TAS với nhà đầu tư đang “mắc kẹt” tiền tại Công ty là như thế nào, ông Nghĩa cho biết, trước hết, HĐQT chờ sự phán xử của cơ quan chức năng liên quan đến sai phạm của Ban điều hành cũ. Sau khi có phán xử này, những gì thuộc trách nhiệm của Công ty với quyền lợi nhà đầu tư, Công ty sẽ xử lý nghiêm túc.
“HĐQT thực tâm muốn khôi phục lại TAS và có nguồn tài chính để làm. Tuy nhiên, điều chúng tôi mong đợi lúc này là sự phán xử nhanh chóng, rõ ràng của các cơ quan chức năng. Sau khi có kết luận, chúng tôi sẽ tái cấu trúc toàn bộ Công ty, tìm thêm nguồn tiền mới và cam kết thực thi các quyền lợi liên quan đến nhà đầu tư”, ông Nghĩa nói. Cũng theo ông Nghĩa, cam kết này đã được Công ty ghi rõ trong biên bản làm việc với UBCK cuối tuần qua.
Nguồn ĐTCK