Thứ Bảy | 12/01/2013 21:48

HDBank khởi động quá trình tái cơ cấu

HDBank có thể dùng quỹ dự phòng tài chính để phục vụ tái cơ cấu. Ngân hàng cũng giảm kế hoạch lợi nhuận 2012 từ 645 tỷ đồng xuống 400 tỷ đồng.
Theo thông tin mới nhất từ ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank), ngày 28/12/2012, đại hội cổ đông của ngân hàng này đã thông qua ủy quyền cho HĐQT được quyết định sử dụng "quỹ dự phòng tài chính" theo nguyên tắc sử dụng quỹ phù hợp với Pháp luật và Điều lệ ngân hàng.

Được biết, theo Nghị định 57 ngày 20/7/2012 do Chính phủ ban hành quy định chế độ tài chính với các tổ chức tín dụng thì "Quỹ dự phòng tài chính" được sử dụng vào 2 mục đích chính.

Thứ nhất, dùng để bù đắp phần còn lại của những tổn thất, thiệt hại về tài sản xảy ra trong quá trình kinh doanh sau khi đã được bù đắp bằng tiền bồi thường của các tổ chức, cá nhân gây ra tổn thất, của tổ chức bảo hiểm và sử dụng dự phòng trích lập trong chi phí. Thứ hai, quỹ được sử dụng cho các mục đích khác theo quy định của pháp luật.

Tính tại 31/12/2011, các quỹ dự trữ của HDBank đạt 90,7 tỷ đồng. Theo các báo cáo chính thức từ ngân hàng này, từ năm 2008 đến 2011, HDBank đã trích 73,3 tỷ đồng vào quỹ dự phòng tài chính.

Chiếu theo Điều lệ của HDBank ban hành năm 2003 thì ngân hàng này sẽ được dùng các quỹ dự trữ (gồm quỹ dự phòng tài chính, quỹ bổ sung vốn điều lệ) và vốn điều lệ (hiện là 5.000 tỷ đồng) để góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng khác.

Trước đó, đại hội đồng cổ đông năm 2011 của ngân hàng cho phép HĐQT được mua lại, sáp nhập một ngân hàng khác vào HDBank hoặc tìm đối tác chiến lược nước ngoài nhằm thực hiện tái cấu trúc

Theo kế hoạch ban đầu, ngày 31/10/2012, HDBank tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thông qua các tài liệu liên quan việc thực hiện tái cơ cấu. Trước đó 1 ngày, ngân hàng TMCP Đại Á (DaiAbank) cũng sẽ họp cổ đông để bàn về tái cấu trúc. Sự trùng hợp này khiến nhiều người liên tưởng đến thương vụ M&A mới giữa HDBank và DaiABank.

Trả lời báo Đầu tư chứng khoán ngày 27/10, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, cơ quan này đã nhận được văn bản từ Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho HDBank và ngân hàng TMCP Đại Á (DaiABank) sáp nhập với nhau. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào hai tổ chức tín dụng.

Với những thông tin này, lãnh đạo của HDBank và DaiABank đều có những phản hồi rất thận trọng. Theo Chủ tịch của HDBank - bà Lê Thị Băng Tâm, ngân hàng đang xem xét một số khả năng hợp tác với các tổ chức tín dụng, song không xác nhận thông tin HDBank sẽ mua lại hoặc có tổ chức tín dụng sáp nhập vào.

Trong khi đó, ông Quách Văn Đức, Chủ tịch DaiABank cho hay, có nhiều tổ chức tín dụng trong và ngoài nước đặt vấn đề hợp tác với DaiABank theo các phương thức hợp nhất hoặc sáp nhập, nhưng thời điểm đó HĐQT vẫn đang xem xét và chưa có quyết định.

Sau cùng, cả 2 ngân hàng này quyết định hoãn họp cổ đông vào tháng 10. HDBank sau đó chuyển sang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản vào ngày 10/12/2012 và đã công bố Nghị quyết ngày 28/12/2012, trong khi DaiABank hiện chưa có thông tin chính thức.

HDBank hiện có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của DaiABank là 3.100 tỷ đồng. HDBank thành lập năm 1990 và có trụ sở chính tại TPHCM. DaiABank thành lập năm 1993 và khởi đầu là ngân hàng TMCP nông thôn hoạt động tại tỉnh Đồng Nai.

Tại cuộc họp với báo chí cuối năm 2012, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình cho biết, trong 9 ngân hàng yếu kém đã có 3 ngân hàng tiến hành hợp nhất (SCB, Ficombank, TinNghiaBank), 1 ngân hàng sáp nhập (Habubank), 2 ngân hàng tự tái cơ cấu (trong đó có TienPhongBank đã tái cơ cấu xong), 2 ngân hàng hiện nay đang được báo cáo Chính phủ phương án tái cơ cấu, một trong đó tự tái cơ cấu và còn lại sẽ được sáp nhập với ngân hàng khác, 1 ngân hàng hiện đang được Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án cuối cùng.

Ở một diễn biến khác, đại hội cổ đông của HDBank cũng thông qua phương án giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2012 từ 645 tỷ đồng xuống còn 400 tỷ đồng, tương đương giảm 38%.

Như vậy, trong trường hợp HDBank hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đã điều chỉnh, thì so với mức 566 tỷ đồng đạt được trong năm 2011, lợi nhuận trước thuế năm 2012 của ngân hàng này sẽ giảm 166 tỷ đồng (giảm 30%).

Nguồn Khampha


Sự kiện