Hãy sẵn sàng với giá dầu 10 USD/thùng
Tăng trưởng kinh tế Mỹ trung bình đạt 2,3%/năm kể từ khi bắt đầu hồi phục vào giữa năm 2009. Tốc độ này chỉ bằng ½ tốc độ có thể mong đợi từ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ những năm 1930. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại, kinh tế eurozone tăng trưởng ở mức tối thiểu còn Nhật Bản thì tăng trưởng âm. Đây rõ ràng là lý do khiến nhu cầu dầu thô ảm đạm và có thể tiếp tục giảm.
Trong khi đó, sản lượng dầu liên tục tăng, một phần nhờ sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh. Sản lượng dầu Mỹ tăng 15% trong 12 tháng tính đến tháng 11/2014, trong khi nhập khẩu giảm 4%.
Trong một diễn biến khác, quyền lực của OPEC đang giảm. Giống như những Khối khác, OPEC được thành lập để đảm bảo giá dầu ổn định và cao hơn giá thị trường. Nhưng mức giá cao thường tạo ra tình trạng gian lận khi thành viên Khối vượt hạn ngạch. Đối với OPEC, để thực hiện chức năng, người đứng đầu – trong trương hợp này là Arab Saudi – phải điều chỉnh những nước gian lận bằng cách tự cắt giảm sản lượng để ngăn giá dầu giảm. Nhưng trước đây, Arab Saudi nhận thấy, việc cắt giảm sản lượng khiến nước này mất thị phần.
Do vậy, Arab Saudi với sự hậu thuẫn của các nước sản xuất dầu vùng Vịnh như Kuwait, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) – đã bắt đầu trò chơi thách (chicken game)* với những nước gian lận.
Trong phiên họp hôm 27/11/2014, OPEC tuyên bố sẽ không giảm sản lượng, khiến giá dầu tiếp tục lao dốc.
Giá dầu ở mức nào thì khiến các nước sản xuất lớn phải từ bỏ và giảm sản lượng? Venezuela cần giá dầu ở 125 USD/thùng, và tương tự đối với Ecuador, Algeria, Nigeria, Iraq, Iran và Angola.
Arab Saudi cần giá dầu ở 90 USD/thùng để cân bằng ngân sách, nhưng nước này có 726 tỷ USD dự trữ ngoại hối và đặt cược rằng có thể chịu đựng được 2 năm với giá dầu ở mức dưới 40 USD/thùng.
Hơn nữa, mức giá mà các nhà sản xuất từ bỏ cuộc chơi không hẳn là chi phí sản xuất trung bình – 80% số nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ trong năm 2015 cần giá dầu ở 50-69 USD/thùng, theo Daniel Yergin, tư vấn năng lượng tại HIS Cambridge Energy Research Associates.
Thay vào đó, điểm ngừng hoạt động chỉ là một phần chi phí sản xuất hoặc chi phí tăng thêm sau khi các giếng dầu đã được khoan và hệ thống đường ống được lắp đặt.
Trong tháng 1, tổ chức nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie nhận thấy rằng trong số 2.222 giếng dầu được khảo sát trên toàn thế giới, chỉ 1,6% có lưu chuyển tiền tệ âm (negative cash flow) khi giá dầu ở 40 USD/thùng. Điều này cho thấy sẽ không có nhiều nhà sản xuất từ bỏ cuộc chơi khi giá dầu đứng ở 40 USD/thùng. Hãy nhớ rằng chi phí biên đối với các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ là 10-20 USD/thùng tại Permian Basin, Texas và tương đương để sản xuất dầu tại vùng Vịnh.
Hơn nữa, kết quả nghiên cứu các nước đang gặp khó khăn về tài chính như Nga và Venezuela cho thấy, các nước này cần nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô để trả lãi các khoản nợ và có tiền trả cho hàng nhập khẩu. Nhưng giá dầu càng thấp bao nhiêu, thì các nước này càng phải sản xuất dầu nhiều hơn bấy nhiêu để kiếm khoản tiền tương tự bằng USD – đồng tiền dùng định giá và giao dịch dầu thô.
Tình hình ổn định tại nhiều khu vực ở Trung Đông và hiệu quả hoạt động khoan dầu được nâng cao, sản lượng dầu toàn cầu chắc chắn sẽ tăng trong vài năm tới, gây thêm áp lực lên giá. Sản lượng dầu của Mỹ dự báo tăng thêm 300.000 thùng/ngày trong năm tới từ 9,1 triệu thùng hiện nay.
Chắc chắn số giàn khoan dầu sẽ giảm, nhưng chỉ có những giàn khoan hiệu quả thấp bị ngừng hoạt động, chứ không phải các giàn khoan ngang – vốn là xương sống của ngành khai thác dầu nứt vỡ thủy lực. Bên cạnh đó, việc chính phủ Iraq ký thỏa thuận với người Kurds đồng nghĩa rằng sẽ có thể 550.000 thùng dầu mỗi ngày được đưa ra thị trường.
Nguồn cung tăng trong khi nhu cầu vẫn ảm đạm. OPEC dự đoán nhu cầu toàn cầu đối với dầu của Khối năm 2017 xuống thấp nhất 14 năm khi chỉ đạt 28,2 triệu thùng/ngày, giảm 600.000 thùng so với dự báo của Khối 1 năm trước và thấp hơn sản lượng hiện tại 30,7 triệu thùng/ngày. OPEC cũng hạ dự báo nhu cầu dầu của Khối trong năm 2015 xuống 29,12 triệu thùng/ngày, thấp nhất 12 năm qua.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã lần thứ 4 hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu 2015 trong 12 tháng qua, giảm 230.000 thùng xuống 93,3 triệu thùng/ngày trong khi dự đoán năm nay cung vượt cầu 400.000 thùng/ngày.
Nguồn DVO/Bloomberg