Hậu thương vụ với Shinhan Bank, ANZ Việt Nam có CEO mới
Theo đó, bà sẽ trực tiếp báo cáo cho ông Farhan Faruqui, Tổng giám đốc ANZ khu vực quốc tế.
Bà Jodi West gia nhập ANZ từ năm 2015 với chức vụ Giám đốc khối Giao dịch Ngoại hối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính tại Úc. Trước đó, bà đã từng giữ những vị trí thuộc mảng kinh doanh Ngoại hối và Hàng hóa tại Citigroup và Barclays. Bà cũng từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc khối Giao dịch Ngoại hối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính tại ngân hàng National Australia Bank.
Ông Farhan Faruqui, Tổng giám đốc ANZ khu vực Quốc tế, chia sẻ: “Việt Nam là một thị trường quan trọng trong mạng lưới hoạt động của chúng tôi đối với khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính trong khu vực. Jodi sẽ tiếp tục góp phần đẩy mạnh hoạt động của tại Việt Nam với 20 năm kinh nghiệp trong ngành ngân hàng cùng với kinh nghiệm quản lý, mạng lưới khách hàng và những kinh nghiệm am hiểu về sản phẩm. Jodi sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí này từ ngày 13.8.2018 tại TP.HCM.
ANZ là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993 và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép thành lập ngân hàng thương mại có 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vào năm 2008.
Năm 2017, ngân hàng ANZ đạt lợi nhuận 1.335 tỉ đồng, tăng đột biến 2,3 lần so với năm 2016. Tuy nhiên, phần lợi nhuận đột biến không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ mục lãi từ hoạt động khác đạt 825 tỉ, gấp 59 lần cùng kỳ. Nhiều khả năng chủ yếu do ghi nhận khoản lãi từ việc hoàn tất chuyển mảng ngân hàng bán lẻ cho Shinhan Bank cuối năm 2017.
Theo đó, ANZ chính thức chuyển nhượng toàn bộ khối kinh doanh ngân hàng bán lẻ bao gồm nhân sự của 2 chi nhánh và 6 phòng giao dịch tại TP.HCM và Hà Nội, cùng khoảng 125.000 khách hàng cá nhân sang ngân hàng Shinhan.
Ngoại trừ thu nhập lãi tiếp tục tăng trưởng 10% thì các hoạt động kinh doanh khác sụt giảm đáng kể so với năm trước đó. Như hoạt động dịch vụ chỉ còn lãi 299 tỉ đồng, giảm 8%; kinh doanh ngoại hối đạt 198 tỉ, giảm 21%; mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đạt 60 tỉ, giảm 61%. Theo BCTC của ANZ, đến cuối năm 2017, ANZ sạch nợ quá hạn và nợ khó đòi tại ngân hàng.
Trong làn sóng đổ bộ và tăng cường đầu tư đến từ các "đại gia" Hàn Quốc, ngân hàng Shinhan Bank mua đứt mảng bán lẻ của ANZ tại Việt Nam, đây là động thái thể hiện tham vọng và mục tiêu vươn lên top 3 kinh doanh thẻ tín dụng tại thị trường trong 3 năm tới. Sau khi mua lại mảng bán lẻ của ANZ, tổng tài sản của ngân hàng này đạt trên 75.000 tỉ đồng, tăng 37,6% so với năm 2016.
Về quyết định này, ông Farhan Faruqui lý giải: “Thương vụ này nằm trong chiến lược đơn giản hóa ngân hàng và tăng hiệu suất vốn của chúng tôi. Điều này cho phép chúng tôi tập trung nguồn lực vào mảng kinh doanh lớn nhất của ANZ tại châu Á là khối khách hàng doanh nghiệp và định chế tài chính, nơi mà chúng tôi là một trong 4 ngân hàng hàng đầu trong hoạt động hỗ trợ thương mại và vốn tại khu vực này”.
Thương vụ bán lại mảng dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam là bước tiếp theo sau thông báo thương vụ bán lại khối bán lẻ và quản lý tài sản của ANZ tại năm nước châu Á cho ngân hàng DBS hồi tháng 10.2016. Theo ANZ, thiệt hại của thương vụ với DBS là khoảng hơn 200 triệu USD, bao gồm thâm hụt tài sản và thiệt hại kinh doanh dự kiến.
Toàn bộ mảng kinh doanh của ANZ tại các thị trường như Việt Nam, Singapore, Indonesia, Đài Loan và Hong Kong được mua lại từ Ngân hàng Hoàng gia Scotland vào năm 2009, với giá 500 triệu USD. Mảng ngân hàng bán buôn của ANZ vẫn hoạt động bình thường tại Việt Nam.